Bên cạnh sự kiện đáng chú ý như bế mạc Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc; EU nhất trí về lộ trình kiểm soát giá năng lượng, tuần qua (17-23/10), thế giới tiếp tục chứng kiến thêm nhiều tín hiệu bất ổn trong bối cảnh Triều Tiên liên tục bắn loạt đạn pháo, cảnh báo các cuộc tập trận của Hàn Quốc; Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức ...
WHO: Dịch COVID-19 vẫn gây ra tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch COVID-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Sau tuyên bố này, công tác nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế cộng đồng trên thế giới được tăng cường để kiềm chế dịch bệnh.
Cho đến những tháng gần đây, dù số ca mắc mới tiếp tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới, WHO vẫn cho rằng nhiều quốc gia cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy tiêm phòng đầy đủ cho những nhóm dân số nguy cơ cao nhất.
Trong thông báo mới, Ủy ban khẩn cấp của WHO cho rằng dù hiện nay, người dân tại nhiều khu vực dường như tin rằng dịch COVID-19 đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Kể cả khi số ca tử vong hằng tuần vì COVID-19 đã xuống mức thấp nhất tình từ khi đại dịch bùng phát, COVID-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý đại dịch COVID-19 từng khiến cả thế giới bị động và đến nay, nguy cơ này vẫn tồn tại.
Triền Tiên bắn loạt đạn pháo, cảnh báo các cuộc tập trận của Hàn Quốc
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về loạt bắn đạn pháo của Triều Tiên (Ảnh cắt từ bản tin Yonhap)
Ngày 19/10, quân đội Triều Tiên thông báo trong đêm đã bắn đạn pháo ra vùng đệm trên biển gần biên giới liên Triều như một "cảnh báo nghiêm khắc" trước các cuộc tập trận đang diễn ra của Hàn Quốc.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), người phát ngôn Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng Triều Tiên (KPA) cho biết quân đội nước này đã bắn "những phát cảnh báo" trong động thái "đáp trả quân sự mạnh mẽ" trước những cuộc tập trận của Hàn Quốc. Phát ngôn viên trên đồng thời cũng kêu gọi Hàn Quốc dừng ngay lập tức những hành động làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Thông điệp trên được Triều Tiên đưa ra chỉ vài giờ sau khi nước này đã bắn hơn 250 loạt đạn pháo ra các vùng biển phía Đông và phía Tây. Một quan chức không tiết lộ tên của KPA khẳng định, động thái này nhằm phản ứng trước một loạt các hành vi khiêu khích quân sự, được cho là nhằm ám chỉ tới cuộc tập trận quân sự Hoguk đang diễn ra tại Hàn Quốc.
Cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cũng xác nhận Triều Tiên đã bắn khoảng 100 quả đạn pháo về phía Hoàng Hải, từ tỉnh phía Tây Nam Hwanghae vào khoảng 10 giờ tối 18/10. Sau đó, Triều Tiên tiếp tục bắn thêm 150 loạt đạn pháo về vùng biển phía Đông vào 11 giờ tối 18/10. Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức ngừng bắn đạn pháo, đồng thời cảnh báo các hành vi “khiêu khích tiếp diễn” của Triều Tiên đang đe dọa hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế.
Tuần trước, Triều Tiên đã bắn hàng trăm quả đạn pháo vào các vùng đệm trên biển ở vùng biển phía Đông và Hoàng Hải, vốn được thiết lập theo thỏa thuận liên Triều năm 2018 về giảm căng thẳng quân sự. Theo thỏa thuận, Triều Tiên và Hàn Quốc cam kết không bắn pháo vào các vùng đệm trên biển, nơi được coi là biên giới biển trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc cho biết các quả đạn pháo do Triều Tiên bắn đi rơi xuống vùng biển của phía Triều Tiên. Hàn Quốc coi các hành vi mang tính chất khiêu khích của Triều Tiên đã vi phạm rõ ràng Hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018.
Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức, tuần tới sẽ bầu người kế nhiệm
Thủ tướng Anh Liz Truss đột ngột thông báo từ chức trong bài phát biểu bên ngoài số 10 phố Downing, ngày 20/10. (Ảnh: Xinhua)
Ngày 20/10, Thủ tướng Anh Liz Truss đột ngột thông báo từ chức do không thể đảm đương nhiệm vụ người đứng đầu Chính phủ. Quyết định rời khỏi ngôi nhà số 10 phố Downing được bà Liz Truss đưa ra chỉ hơn 6 tuần kể từ sau khi nhậm chức, khiến bà trở thành Thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại.
Trong bài diễn thuyết bên ngoài cánh cửa ngôi nhà số 10 phố Downing, bà Truss thông báo sẽ có một cuộc bầu cử diễn ra trong tuần tới để lựa chọn Thủ tướng mới và bà sẽ tiếp tục đảm đương vị trí hiện tại cho tới khi chọn được người kế nhiệm.
Bà Truss thừa nhận sự thất bại sau cuộc đàm phán khủng hoảng với các lãnh đạo Đảng Bảo thủ về hàng loạt lá thư bất tín nhiệm của nghị sĩ. Ngay cả các Bộ trưởng Nội các ủng hộ cũng thừa nhận tình hình của nữ Thủ tướng đã bước vào "giai đoạn cuối". Quyết định từ chức được bà Truss được đưa ra sau khi kế hoạch tài chính mà Chính phủ của bà công bố vào tháng trước đã gây ra những vấn đề về kinh tế và làm giảm ủy tín của Đảng Bảo thủ cầm quyền. Kế hoạch tài chính đề cập việc cắt giảm thuế tài trợ gây tranh cãi, được coi là nguyên nhân khiến đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm so với đồng USD, đồng thời đẩy chi phí vay và lãi suất thế chấp của chính phủ lên cao.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng cho biết bà Truss đã thừa nhận ngày 19/10 là "một ngày khó khăn" sau khi xảy ra cảnh hỗn loạn bên trong Quốc hội và việc Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từ chức, song muốn chính phủ tập trung vào những vấn đề ưu tiên. Không lâu trước khi thông báo quyết định từ chức, bà Truss đã gặp ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Ngay sau khi bà Truss công bố quyết định từ chức, các nhà lãnh đạo của ba đảng đối lập lớn nhất gồm Keir Starmer của Công đảng; ông Ed Davey của Đảng Dân chủ Tự do và Nicola Sturgeon của Đảng Quốc gia Scotland đều đã kêu gọi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử ngay lập tức.
Theo kế hoạch, cuộc bầu chọn người kế nhiệm bà Truss sẽ phải tổ chức trước ngày 28/10, trước khi công bố báo cáo tài chính vào ngày 31/10 tới. Tờ The Times của Anh ngày 20/10 đưa tin cựu Thủ tướng Boris Johnson có thể tham gia tranh cử Chủ tịch đảng Bảo thủ để thay thế bà Liz Truss. Trong khi đó, tờ Telegragh cùng ngày đưa tin cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chắc chắn sẽ chạy đua vào “chiếc ghế nóng”.
Bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại lễ bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XXsáng 22/10. (Ảnh: Reuters)
Sau một tuần làm việc, sáng 22/10, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX (Đại hội XX) đã bế mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XX gồm 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết, 133 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XX. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.
Các đại biểu cũng đã bỏ phiếu thông qua báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX đệ trình, báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XIX, cũng như thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng. Các đại biểu cũng đã thông qua Nghị quyết Đại hội XX.
Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa nêu rõ những mục tiêu, nhiệm vụ chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiệm kì tới, đồng thời vạch ra những mục tiêu phát triển tổng thể đến năm 2035.
Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc trong thời khắc then chốt khi đất nước bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu "100 năm" thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, sau khi bế mạc đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX sẽ tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ nhất (Hội nghị Trung ương 1 khóa XX) vào ngày 23/10. Trong phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX sẽ bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16 – 22/10. Tham dự Đại hội có tổng cộng 2.296 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên và hơn 4,9 triệu tổ chức đảng cấp cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
EU nhất trí về lộ trình kiểm soát giá năng lượng
EU nhất trí áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát giá năng lượng. (Ảnh: Reuters)
Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã đạt thỏa thuận về một lộ trình nhằm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá năng lượng leo thang trong những tuần tới.
Thỏa thuận đạt được sau 11 giờ thảo luận về các đề xuất nhằm giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thỏa thuận đã nêu bật tầm quan trọng của việc phải tiến hành phân tích chi phí và lợi ích khi áp giá trần về điện, cũng như đánh giá tác động bên ngoài châu Âu.
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ thỏa thuận đã vạch ra một lộ trình vững chắc để các thành viên tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Thỏa thuận kêu gọi các nước thành viên trong những tuần tới tìm ra cách thức để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao, mà vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh của EU trên toàn cầu, cũng như tính thống nhất của thị trường chung này.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe dọa đối với thị trường nội khối của EU, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp tối đa để bảo vệ thị trường chung này.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ hài lòng về thỏa thuận, cho rằng khoảng thời gian 2 - 3 tuần tới sẽ cho phép EC đưa ra đề xuất nhằm thực thi các cơ chế này. Theo ông, thỏa thuận này đã gửi đi tín hiệu rõ ràng đối với thị trường về sự quyết tâm và đoàn kết của khối. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá EU đã đạt được tiến triển tốt trong vấn đề năng lượng.
Tổng hợp/dangcongsan.vn