NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Tìm kiếm giải pháp vượt qua khủng hoảng In trang
25/09/2023 07:37 SA

Tuần qua (18-24/9), Tuần lễ cấp cao và Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 78 là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, với kỳ vọng tìm kiếm giải pháp cho hàng loạt thách thức và các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt.

Khai mạc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 được tổ chức ở New York, Mỹ. (Ảnh: AP)
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 được tổ chức ở New York, Mỹ. (Ảnh: AP)

Tối 19/9 (theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại thành phố New York, Mỹ, lễ khai mạc Tuần lễ cấp cao trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ khóa 78 đã diễn ra. Ngay trong những phiên thảo luận chung cấp cao đầu tiên, nhiều vấn đề quan trọng của thế giới đã được đưa ra bàn thảo.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 diễn ra từ ngày 18 - 26/9 với chủ đề "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người".

Tuần lễ cấp cao và Phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 78 là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu của đời sống chính trị thế giới, với sự tham dự đông đảo của lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên. Tuần lễ cấp cao năm nay ghi nhận số lượng hội nghị cấp cao nhiều kỷ lục với 9 hội nghị và sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các quốc gia.

Về các nội dung trọng tâm, dư luận quốc tế đặt biệt quan tâm tới các đánh giá lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao, khi trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các mục tiêu phát triển bền vững đang lâm nguy, khi mới chỉ thực hiện được khoảng 50%. Do vậy, hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế lắng nghe báo cáo thực hiện mục tiêu trên, cũng như các đề xuất ứng phó với hàng loạt thách thức và các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc là tâm điểm của hoạt động ngoại giao đa phương với tần suất các hoạt động dày đặc nhất. Năm nay, trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động từ những hậu quả kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, Tuần lễ cấp cao là cơ hội để nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước cùng nhau tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế và những cam kết với chủ nghĩa đa phương.

Trung Quốc kháng cáo phán quyết WTO trong tranh chấp thuế quan với Mỹ

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/9 đã kháng cáo phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến vụ tranh chấp thuế quan với Mỹ.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ phán quyết của Ban hội thẩm WTO có "sai sót pháp lý."

Trước đó, ngày 16/8, WTO ra phán quyết ủng hộ Mỹ, trong đó kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế khi áp đặt thuế bổ sung đối với hàng hóa của Mỹ nhằm đáp trả thuế quan của Washington lên mặt hàng thép và nhôm.

Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018 khi Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc.

Việc Trung Quốc kháng cáo diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây quan chức cấp cao của hai nước thường xuyên có các cuộc tiếp xúc nhằm cải thiện quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mới đây nhất là cuộc gặp ngày 18/9 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính bên lề kỳ họp 78 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), trong đó, hai bên bày tỏ hy vọng về sự ổn định hơn trong mối quan hệ song phương.

Các bên đạt thỏa thuận chấm dứt hành động thù địch ở Nagorny-Karabakh

Quốc kỳ Azerbaijan (trái) và quốc kỳ Armenia tại trạm kiểm soát biên giới giữa hai nước ở làng Sotk (Armenia). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quốc kỳ Azerbaijan (trái) và quốc kỳ Armenia tại trạm kiểm soát biên giới giữa hai nước ở làng Sotk (Armenia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo với vai trò trung gian của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Nga tại Nagorny-Karabakh, đại diện Azerbaijan và các lực lượng Armenia tại vùng lãnh thổ này đã đạt thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ “thỏa thuận này sẽ được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Chỉ huy Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Nga.”

Hiện có 2.261 dân thường, trong đó có 1.049 trẻ em, đang tạm trú trong căn cứ của lực lượng này.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đạt được thỏa thuận về việc đình chỉ "các biện pháp chống khủng bố" ở Nagorny-Karabakh có hiệu lực từ 13h (giờ địa phương - tức 17h giờ Việt Nam) ngày 20/9.

Thỏa thuận này đạt được ngay sau khi Azerbaijan, ngày 19/9 triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh do có 4 cảnh sát và 2 dân thường nước này đã thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở đây. Vụ tấn công làm rung chuyển thị trấn Stepanakert vào rạng sáng cùng ngày và nhiều giờ sau đó. 25 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 5 dân thường, và 138 người bị thương. Hơn 7.000 người tại 16 ngôi làng đã phải sơ tán.

FED giữ nguyên lãi suất

Chủ tịch FED Jerome Powell trong họp báo hôm 20/9. Ảnh: Reuters
Chủ tịch FED Jerome Powell trong họp báo hôm 20/9. Ảnh: Reuters

Thông tin được quan tâm nhất trên thị trường toàn cầu đêm 20/9 là kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Các phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell đã không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, khi FED quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này. Ông Powell cũng thừa nhận rằng các động thái thắt chặt tiền tệ của FED dường như đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt của FED ở mức 5,25 - 5,50% được cho là sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để đánh giá nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh tăng trưởng và thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi.

Kể từ tháng 3/2022, FED đã nâng lãi suất 11 lần, nhằm hạ nhiệt lạm phát vẫn đang gấp đôi mục tiêu. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001.

Theo Hãng tin AFP, động thái của FED ngày 20/9 phù hợp với kỳ vọng của thị trường, tránh tạo thêm áp lực lên hàng triệu người Mỹ vốn đang phải vật lộn với tác động của các đợt tăng lãi suất hiện tại đối với các khoản thế chấp và các khoản vay khác.

Cũng trong ngày 20/9, FED công bố hàng loạt dự báo, cho thấy họ muốn đưa lãi suất lên 5,63-5,87% năm nay. Điều này đồng nghĩa FED có thể nâng lãi thêm một lần nữa vào cuối năm. Dự báo tăng trưởng cho kinh tế Mỹ năm nay cũng được điều chỉnh tăng mạnh, lên 2,1%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, quan chức FED cũng cho rằng năm sau, số lần giảm lãi sẽ giảm so với dự báo trước đây. Đây cũng là điều nhà đầu tư lo ngại, rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Maroc chi gần 12 tỷ USD tái thiết khu vực chịu thảm họa động đất

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát sau động đất. Ảnh: AFP
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát sau động đất. Ảnh: AFP

 Ngày 20/9, chính quyền Maroc cho biết có kế hoạch chi ít nhất 120 tỷ dirham (11,7 tỷ USD) trong 5 năm cho việc tái thiết khu vực bị ảnh hưởng do trận động đất mạnh vừa qua.

Trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra vào ngày 8/9 đã làm hơn 2.900 người thiệt mạng, chủ yếu ở những ngôi làng khó tiếp cận thuộc vùng núi High Atlas.

Theo chính quyền Maroc, kế hoạch trên sẽ nhắm tới 4,2 triệu người tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do trận động đất này là Al Haouz, Chichaoua, Taroudant, Marrakech, Ouarzazate và Azizlal, bao gồm việc tái định cư và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn tài trợ cho kế hoạch này là ngân sách chính phủ, viện trợ quốc tế và một quỹ tài trợ được thành lập để ứng phó với động đất.

Tuần trước, Chính phủ Maroc đã công bố giai đoạn đầu chương trình tái thiết sau động đất với việc xây mới 50.000 chỗ ở, đồng thời hỗ trợ tài chính từ 8.000-14.000 USD cho mỗi gia đình có nhà bị phá hủy hoặc hư hại do động đất.

Một số chuyên gia ước tính công cuộc tái thiết sau động đất tại Maroc sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và có thể kéo dài trong nhiều năm.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 207
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005923271
  •  Đang online: 200
  •  Trong tuần: 200
  •  Trong tháng: 239.402
  •  Trong năm: 2.527.184