Tuần qua (12-18/2), thế giới diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, với tâm điểm là cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn ở Indonesia. Cùng những kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho đất nước, cử tri Indonesia đang gửi gắm niềm tin vào vai trò dẫn dắt của một thế hệ lãnh đạo mới.
Ông Prabowo Subianto tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia
Ông Prabowo Subianto (trái) cùng ứng viên Phó tổng thống Gibran Rakabuming Raka tuyên bố chiến thắng tối 14/2. (Ảnh: Reuters)
Chỉ trong vòng 6 giờ (từ 7-13h), ngày 14/2, hơn 204,8 triệu cử tri Indonesia đã thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm bầu ra Tổng thống, Phó Tổng thống cùng hơn 20.000 đại diện lập pháp ở cấp quốc gia và khu vực.
Các cuộc thăm dò và kiểm phiếu nhanh do một số tổ chức uy tín tiến hành sau bầu cử cho thấy ông Prabowo Subianto đang dẫn đầu cuộc đua. Theo kết quả mới nhất, ứng cử viên Prabowo giành được 58,39% phiếu bầu, tiếp đến là ông Anies với 24,93% và ông Ganjar giành được 16,69%. Kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia sẽ được Ủy ban Bầu cử quốc gia công bố muộn nhất vào ngày 20/3 tới, song, các cơ quan khảo sát độc lập thường công bố kết quả “kiểm phiếu nhanh” tại các điểm bỏ phiếu vài giờ sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trong các cuộc bầu cử trước đây, những kết quả “đếm nhanh” này không mấy khác biệt so với kết quả chính thức cuối cùng và nhiều ứng cử viên đã dựa vào kết quả đếm nhanh này để tuyên bố chiến thắng.
Dựa trên kết quả các cuộc kiểm phiếu nhanh, ông Prabowo Subianto đã tuyên bố giành thắng lợi vào tối 14/2. Chính trị gia 73 tuổi nhấn mạnh đây là chiến thắng cho toàn thể người dân, đồng thời cam kết sẽ thành lập một chính phủ bao gồm “những người Indonesia giỏi nhất”. Ông Prabowo Subianto khẳng định đây là một chiến thắng cho toàn thể người dân. Ông cho biết sẽ bảo vệ mọi công dân, bất kể sắc tộc, tôn giáo hay thành phần xã hội, làm việc vì lợi ích tốt nhất của người dân Indonesia. Ông Prabowo nhấn mạnh các cử tri trẻ là những người ủng hộ chính trong cuộc bầu cử, đồng thời kêu gọi duy trì hòa bình cho đến khi có kết quả chính thức vào ngày 20/3 tới.
Cuộc bầu cử năm nay cũng đánh dấu sự thay đổi lãnh đạo đầu tiên tại quốc gia vạn đảo này sau 10 năm, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia khu vực cũng như thế giới. Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, Indonesia có tầm quan trọng chiến lược. Indonesia cũng là một trong những nước sản xuất than, dầu cọ và niken hàng đầu thế giới, đồng thời đứng đầu chuỗi cung ứng của nhiều công ty quốc tế. Tất cả điều đó cho thấy sự ổn định chính trị cũng như những chính sách của chính phủ mới Indonesia đưa ra sẽ có tác động lớn đến hòa bình ổn định, kinh tế khu vực và thế giới.
Kinh tế Nga tăng trưởng vượt mức trung bình trên thế giới
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Moscow, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 12/2 xác nhận tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2023 là 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga thông báo: “Tăng trưởng kinh tế năm ngoái cao hơn dự báo. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nga đã tăng thêm. Theo số liệu mới nhất là 3,6%.”
Tổng thống Putin lưu ý tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu là 3% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển là 1,5%. Ông nhấn mạnh điều rất quan trọng là động lực tăng trưởng đạt được dựa trên nội lực.
Ông thông báo: “Khối lượng sản xuất công nghiệp tăng 3,5% so với năm trước nữa. Đồng thời, ngành chế biến tăng thêm 7,5%.”
Tổng thống Putin nói rõ thêm rằng tốc độ tăng trưởng hai con số đã đạt được trong sản xuất máy tính, máy bay, tàu thủy, đồ nội thất, thiết bị điện và phương tiện đi lại.
Ông nhấn mạnh rằng ưu tiên của nhà nước Nga vẫn là tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Nga cũng như hạnh phúc của gia đình họ.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho biết nền kinh tế Nga đang phát triển tốt hơn dự kiến.
Trong báo cáo tháng Một, IMF đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà IMF đưa ra hồi tháng 10/2023.
Hội nghị An ninh Munich 2024: "Hòa bình thông qua đối thoại"
Hội nghị An ninh Munich năm nay được kỳ vọng sẽ tạo không gian đối thoại và hoà giải giữa các quốc gia. (Ảnh: securityconference)
Ngày 16/2, Hội nghị An ninh Munich 2024 đã khai mạc tại khách sạn Bayerischer Hof ở thành phố Munich, miền nam nước Đức. Diễn ra đến ngày 18/2, Hội nghị An ninh Munich 2024 quy tụ hơn 450 đại biểu tham dự, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các nhân vật hàng đầu của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các đại diện của ngành công nghiệp, truyền thông, giới nghiên cứu và xã hội dân sự để cùng tham gia tranh luận chuyên sâu về chính sách an ninh toàn cầu.
Các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine, vùng Sừng châu Phi và tương lai của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được dự báo sẽ thống trị chương trình nghị sự của Hội nghị an ninh Munich năm nay.
Theo Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich 2024 Christoph Heusgen, với chủ đề “Hoà bình thông qua đối thoại”, Hội nghị An ninh Munich năm nay được kỳ vọng sẽ tạo không gian đối thoại và hoà giải giữa các quốc gia.
“Hội nghị An ninh Munich là một hội nghị có khát vọng toàn cầu. Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn tập trung vào các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất. Chúng tôi không muốn giới hạn hội nghị trong cuộc xung đột ở chính châu Âu. Chủ đề chính sẽ là: Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy điểm sáng trong tất cả những cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi hi vọng Hội nghị an ninh Munich sẽ tạo cơ hội cho những bước tiến dù nhỏ. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đi là “Hoà bình thông qua đối thoại” và chúng tôi muốn cung cấp một nền tảng cho các cuộc đối thoại này”, ông Heusgen nói.
Kể từ khi được hình thành cách đây 60 năm, Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, là nơi hình thành các sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết những mối quan ngại an ninh cấp bách nhất của thế giới.
Bên cạnh các phiên hội nghị chính thức, Hội nghị An ninh Munich 2024 còn có khoảng 200 sự kiện bên lề được tổ chức bởi các tổ chức nghiên cứu hàng đầu và các đối tác khác từ khắp nơi trên thế giới và hàng chục sự kiện tiếp cận cộng đồng.
Ngoài sự kiện quan trọng nhất là hội nghị thường niên, Hội nghị An ninh Munich còn thường xuyên tổ chức các sự kiện cấp cao về các chủ đề và khu vực cụ thể, đồng thời xuất bản Báo cáo An ninh Munich hằng năm, tập hợp các số liệu và nghiên cứu liên quan về những thách thức an ninh quan trọng.
Thương vong sau thảm họa lở đất ở Philippines tiếp tục tăng
Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tiếp tục được triển khai sau trận lở đất ở làng Masara, thành phố Maco, tỉnh Davao de Oro, Philippines. (Ảnh: China Daily)
Theo báo cáo mới nhất do giới chức Philippines công bố ngày 15/2, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa lở đất xảy ra hôm 6/2 tại miền Nam nước này đã lên tới 92 người, trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm hàng chục người mất tích.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây lở đất tại thị trấn Maco thuộc tỉnh miền Nam Davao de Oro tối 6/2 đã khiến nhiều ngôi nhà và phương tiện bị vùi lấp. Những người thiệt mạng và mất tích là các công nhân của một công ty khai thác mỏ bị mắc kẹt bên trong hai chiếc xe bus bị chôn vùi bởi đất đá, bùn và cây cối đổ sập từ sườn núi xuống. Đây là hai xe bus đưa đón công nhân đến và đi từ khu khai thác mỏ.
Quân đội và các lực lượng vũ trang Philippines đã được huy động tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực bị ảnh hưởng. Giới chức tỉnh Davao de Oro cho biết có 36 người vẫn còn mất tích sau thảm họa lở đất.
Chỉ số Rủi ro Thế giới năm 2022 đã đưa Philippines lên vị trí đầu bảng trong số các quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Nằm trong "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, quần đảo này thường xuyên hứng chịu các cơn bão mạnh, gây ra lũ quét và lở đất, đồng thời bị thiệt hại nặng nề bởi động đất và núi lửa phun trào.
Thảo luận ngừng bắn ở Dải Gaza rơi vào bế tắc
Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 14/2, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin các cuộc đàm phán do Mỹ bảo trợ giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas về việc thả con tin, thiết lập lệnh ngừng bắn đã gặp bế tắc khi Israel cảnh báo sẽ không nối lại tiến trình thảo luận ở Cairo (Ai Cập) nếu Hamas không thay đổi quan điểm.
WSJ dẫn lời quan chức tham gia tiến trình đàm phán cho biết Israel đã phản đối yêu cầu của Hamas về một lệnh ngừng bắn lâu dài và Israel rút hết lực lượng quân sự khỏi Gaza. Hai bên cũng bất đồng về số lượng tù nhân được thả. Israel đồng thời cảnh báo nếu Hamas không trở lại bản đàm phán với một đề xuất hợp lý hơn, Israel sẽ sớm mở chiến dịch quân sự nhằm vào Rafah.
Trước đó, này 13/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã kết thúc các cuộc đàm phán với các quan chức hàng đầu Trung Đông ở thủ đô Cairo, Ai Cập, nhưng không đạt bước tiến lớn nào hướng đến một thỏa thuận. Hãng tin Al-Qahera News cho biết cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh áp lực quốc tế gia tăng về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, nơi các quan chức y tế cho biết hơn 28.000 dân thường Palestine đã thiệt mạng.
Qatar và Mỹ đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn kéo dài vào cuối tháng 11/2023, kết quả là hơn 100 người bị bắt làm con tin đã được thả ra và đổi lại hơn 200 người Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel được phóng thích.
Kể từ đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trên nhiều mặt trận, khi gia đình của những người bị bắt giữ kêu gọi một thỏa thuận để đảm bảo sự trở về của những người thân yêu của họ, trong khi các thành viên trong liên minh cầm quyền của ông thúc đẩy leo thang căng thẳng, và đồng minh chủ chốt Mỹ chỉ trích Israel về số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng ở Gaza.
Nguồn: dangcongsan.vn