Những diễn biến mới trong tuần qua (15-21/4) liên quan đến căng thẳng Iran - Israel tiếp tục làm dấy lên quan ngại về tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Leo thang căng thẳng Iran - Israel
Mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong nhiều thập kỷ qua giữa Iran và Israel lại trở nên căng thẳng hơn khi Iran tiến hành cuộc tập kích quy mô chưa từng có vào lãnh thổ Israel. Cụ thể, Iran đã phóng hơn 300 thiết bị bay không người lái và tên lửa vào Israel để trả đũa cuộc không kích mà Tehran cho là Israel tấn công tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở Syria khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 tướng lĩnh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Quang cảnh thành phố Isfahan sáng 19/4 sau khi có thông báo về các vụ nổ (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chỉ 5 ngày sau cuộc tập kích của Iran vào lãnh thổ Israel, truyền thông Iran xác nhận có 3 tiếng nổ lớn gần căn cứ không quân Shekari gần thành phố Isfahan của nước này. Iran tuyên bố đã bắn hạ một số thiết bị bay không người lái và khẳng định tiếng nổ tại Isfahan là do các hệ thống phòng không của thành phố được kích hoạt để đánh chặn các mục tiêu khả nghi và vụ việc không gây thiệt hại nào đối với nước này. Hiện Iran đang điều tra vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái, trong khi phía Israel chưa có bình luận gì về vụ việc này.
Trước những diễn biến liên quan đến Iran và Israel, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra lời kêu gọi các bên kiềm chế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Trung Đông đang ở bên bờ vực nguy hiểm. Người dân trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột toàn diện và hiện giờ là thời điểm để xuống thang, giảm căng thẳng và kiềm chế tối đa. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng vấn đề cấp thiết trong thời điểm hiện nay là tránh mọi hành động có thể dẫn tới đối đầu quân sự quy mô lớn, trên nhiều mặt trận khác nhau ở Trung Đông.
Xảy ra liên tiếp các vụ tấn công bằng dao ở Australia
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/4, quan chức cảnh sát bang New South Wales, bà Karen Webb cho biết: “Sau khi xem xét tất cả các tài liệu, tôi tuyên bố rằng đây là một vụ khủng bố”. Đồng thời bà Karen Webb cho biết, hành động tấn công này có động cơ tôn giáo.
Thiếu niên 16 tuổi cầm dao tấn công giám mục đang thuyết giảng tại nhà thờ Good Shepherd (Ảnh: smh.com.au)
Vụ việc xảy ra vào tối 15/4 khi một thiếu niên 16 tuổi mặc đồ đen cầm dao tấn công giám mục đang thuyết giảng tại nhà thờ Good Shepherd ở phía tây Sydney khiến ít nhất 4 người bị thương. Đối tượng ngay lập tức bị khống chế tại hiện trường và cảnh sát đã khẩn trương có mặt để kiểm soát tình hình.
Vụ việc trên xảy ra chỉ vài ngày sau một vụ tấn công bằng dao khiến 6 người thiệt mạng, 8 người bị thương tại trung tâm mua sắm Westfiled Bondi Junction phía Đông thành phố Sydney. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã yêu cầu treo cờ rủ trên tất cả các tòa nhà chính phủ trong ngày 15/4 để tưởng nhớ 6 nạn nhân xấu số.
Về danh tính thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng dao, cảnh sát Australia ngày 14/4 thông báo: Thủ phạm được xác định là người đàn ông 40 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần và đã được cảnh sát lưu hồ sơ theo dõi. Đối tượng được xác định là Joel Cauchi, đang chịu nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, đã bị 1 nữ cảnh sát bắn hạ tại hiện trường. Hiện cảnh sát đang điều tra xem các nạn nhân bị tấn công ngẫu nhiên hay có sự lựa chọn. Động cơ vụ tấn công chưa được làm rõ.
Hai vụ tấn công nói trên đã khiến dư luận Australia lo ngại về sự an toàn của người dân khi đi ra ngoài đường.
Tổng tuyển cử ở Ấn Độ
Ấn Độ, với dân số hơn 1,4 tỷ người, đang bước vào một sự kiện mang tính bước ngoặt - bầu cử Quốc hội. Không chỉ là vấn đề quốc gia, cuộc bầu cử này còn thu hút sự chú ý của toàn cầu, thể hiện khả năng phục hồi và năng động của một trong những nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Ngày 19/4, giai đoạn đầu tiên trong tổng số 7 giai đoạn của cuộc bầu cử tổng thể Ấn Độ đã diễn ra thuận lợi, với hơn 60% cử tri tham gia bỏ phiếu.
Điểm bầu cử tại bang Meghalaya của Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Theo kế hoạch, quá trình bỏ phiếu sẽ kết thúc vào ngày 1/6 và kết quả cuối cùng được kiểm và công bố vào ngày 4.6 tới. Nói chung, tổng tuyển cử ở Ấn Độ là một trong những cuộc bầu cử tốn kém nhất thế giới. Năm nay, chi phí dự kiến sẽ lên tới 1,2 nghìn tỷ rupee, gần gấp đôi số tiền đã chi trong cuộc bầu cử năm 2019.
Trong giai đoạn này, kéo dài đến ngày 1/6, cử tri tại 17 bang và 4 vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ đã tham gia bỏ phiếu để lựa chọn 102 thành viên cho Lok Sabha (Hạ viện) từ tổng số 1.625 ứng cử viên.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, kết quả của cuộc bầu cử cũng sẽ có tác động trên phạm vi quốc tế. Ấn Độ đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng đối với các quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Pháp, những quốc gia gần đây đã ký kết các thỏa thuận và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Delhi.
Dịch sốt xuất huyết hoành hành mạnh tại châu Mỹ
Ngày 18/4, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca nhiễm sốt xuất huyết ở các nước châu Mỹ đã tăng gần 50% trong ba tuần qua, lên tới 5,2 triệu ca mắc bệnh tính từ đầu năm 2024 đến nay, trong đó có hơn 1.800 ca tử vong.
Phun thuốc muỗi nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết tại Piura, Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa nhấn mạnh dịch sốt xuất huyết tiếp tục lây lan rất mạnh tại khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là tại Brazil và Argentina. Tuy vậy, quan chức đứng đầu PAHO cho rằng nhiệt độ giảm xuống tại các quốc gia Nam Mỹ thời gian gần đây sẽ giúp ổn định tình trạng lây nhiễm sốt xuất tại khu vực này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil đã quyết định mở rộng giới hạn độ tuổi được tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết cho toàn bộ nhóm dân số từ 4-59 tuổi.
Tháng 2 vừa qua, Brazil trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa vaccine phòng chống sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng quốc gia, với ưu tiên hàng đầu dành cho nhóm dân số từ 10-14 tuổi do nguồn cung vaccine hạn chế.
Chính phủ Brazil đã đặt mua tổng cộng 5,2 triệu liều vaccine ngừa sốt xuất huyết Qdenga do công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản sản xuất. Đến nay quốc gia Nam Mỹ này đã nhận được 1,3 triệu liều.
Brazil đang trải qua đợt dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất từ trước tới nay, với 1.457 ca tử vong và hơn 3,3 triệu ca mắc bệnh kể từ đầu năm 2024.
WHO thông báo phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Các nhà nghiên cứu mặc bộ đồ bảo hộ thu thập các mẫu động vật hoang dã - nơi phát hiện có virus cúm gia cầm H5N1. (Ảnh: Reuters)
Trong một phát biểu trước báo giới, bà Trương Văn Thanh (Zhang Wenqing) - người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO nhắc lại trường hợp một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa. Bà cho biết: “Hiện tại, chúng tôi ghi nhận nhiều đàn bò bị ảnh hưởng ở ngày càng nhiều bang của Mỹ, điều này cho thấy một bước tiến xa hơn về sự lây lan của virus sang động vật có vú. Virus này cũng đã được phát hiện trong sữa của động vật bị mắc bệnh”.
Theo bà Trương Văn Thanh, các chuyên gia đã phát hiện “nồng độ virus rất cao trong sữa nguyên liệu” và đang điều tra chính xác thời gian virus có thể tồn tại trong sữa. Bà Trương Văn Thanh khuyến cáo: “Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hành an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã tiệt trùng”.
WHO đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự lây lan của cúm gia cầm H5N1, trong bối cảnh ngày càng nhiều loài mới, trong đó có cả con người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Từ năm 2003 đến ngày 1/4 vừa qua, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong tổng số 889 trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người tại 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong do căn bệnh này lên 52%. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy A/H5N1 lây lan từ người sang người. Theo WHO, sẽ có gần 20 loại vaccine ngừa cúm A/H5N1 được cấp phép sử dụng nếu xảy ra đại dịch và những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cụ thể đang lưu hành.
Nguồn: dangcongsan.vn