Tuần qua (7 - 13/10), dư luận thế giới hướng sự chú ý về những diễn biến ở Gaza sau tròn 1 năm nổ ra xung đột. Những mất mát và đau thương mà người dân nơi đây phải gánh chịu từng ngày đang cho thấy sự cấp bách của những nỗ lực hướng tới một nền hòa bình bền vững.
Thế giới kêu gọi hòa bình sau một năm xung đột ở Gaza
Dải Gaza tan hoang sau 1 năm xung đột. (Ảnh: Reuters)
Ngày 7/10, các cơ quan của Liên hợp quốc và một số tổ chức nhân đạo quốc tế đã kỷ niệm một năm ngày bùng phát cuộc xung đột tại Dải Gaza với những kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tăng cường các nỗ lực nhân đạo trong khu vực.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh các tác động tàn khốc của cuộc xung đột, hơn 41.600 người Palestine thiệt mạng và "gần như toàn bộ dân số" tại Gaza phải di dời.
Quyền Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Joyce Msuya mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo là "không thể tưởng tượng nổi," đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc tất cả các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đảm bảo thả con tin, bảo vệ dân thường và đảm bảo an toàn cho các nhân viên cứu trợ.
Trong một thông điệp riêng rẽ đánh dấu một năm kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Gaza ngày 7/10/2023, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang nhấn mạnh sự cần thiết của "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin và quay trở lại đối thoại nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột trong khu vực".
Cùng ngày, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cũng kêu gọi hành động khẩn cấp và mô tả 2023 là "năm mất mát và đau thương". ICRC nhấn mạnh tất cả các bên cần tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, để giảm bớt đau khổ của con người và mở đường cho một tương lai hòa bình hơn.
Trong khi đó, Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực, nhấn mạnh rằng "nhân đạo phải thắng thế". IFRC cũng hối thúc chấm dứt các hành động thù địch và trả tự do cho tất cả các con tin.
Theo số liệu thống kê mới nhất, cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza đã giết chết khoảng 42.000 người Palestine ở Gaza, bao gồm 17.000 trẻ em, làm bị thương hơn 97.000 người và khiến gần 2 triệu người phải di dời. Hơn một năm trôi qua, cuộc chiến gây nhiều thương vong của Israel ở Gaza vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chiến dịch quân sự của Israel vào Gaza giờ đây đã leo thang và lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực. Quân đội Israel hiện diện ở Li-băng, trong khi máy bay chiến đấu của Israel đang oanh tạc nhiều khu vực ở phía Nam và phía Đông Li-băng, cũng như thủ đô Beirut. Ở một mặt trận khác, phong trào Houthi của Yemen đang nhắm mục tiêu vào các tàu trên Biển Đỏ. Hồi đầu tuần, Houthi đã phóng tên lửa vào miền Trung Israel. Trong khi một số nhóm vũ khác trang có liên hệ với Iran cũng nhắm mục tiêu vào Israel.
Trong một năm qua, cộng đồng quốc tế đã theo đuổi nhiều nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn bạo lực leo thang ở Trung Đông, song vẫn chưa thể thu lại kết quả như mong đợi.
Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN
Thủ tướng Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 cho Malaysia. (Ảnh: VOV)
Với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường," trong các ngày 8-11/10, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào, với hơn 20 hoạt động.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhiệt liệt chào mừng Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và Timor-Leste cùng các đoàn đại biểu đến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các Hội nghị cấp cao liên quan; chúc mừng những thành công của ASEAN trong suốt 57 năm qua, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cùng các đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Lào cho biết, đến thời điểm hiện tại, 9 ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 với khẩu hiệu “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” đều đạt tiến độ tích cực, bao gồm việc xây dựng các chiến lược của ba trụ cột Cộng đồng ASEAN và chiến lược kết nối ASEAN để tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; khẳng định năm 2024, ASEAN đã nhấn mạnh việc xây dựng ASEAN kết nối và vững mạnh hơn, nhằm đối phó với những thách thức và tranh thủ các cơ hội để tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh hơn.
Tại ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, ngày 11/10/2024, Lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Lào sang Malaysia. Trong phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chính thức công bố Chủ đề của Năm ASEAN 2025 là “Inclusivity and Sustainability” (Bao trùm và Bền vững), thể hiện khát vọng thịnh vượng chung, không để ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2025 khởi đầu hành trình mới của ASEAN với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, tiếp nối và phát huy thành quả của gần 60 năm hợp tác, củng cố liên kết nội khối, mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài, cùng tiếp tục phấn đấu vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chung.
Sau 4 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, khép lại hợp tác ASEAN năm 2024 với nhiều kết quả thiết thực, để lại ấn tượng đậm nét về những đóng góp chủ động, tích cực và vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Lào, góp phần nâng cao tầm vóc của Cộng đồng ASEAN “kết nối và tự cường”, hướng tới giai đoạn phát triển mới của ASEAN với tầm nhìn mới, tư duy mới, động lực mới và tâm thế mới.
Siêu bão Milton gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ
Cây cối đổ ở khu vực Fort Myers của bang Florida sau khi bão Milton đi qua ngày 10/10/2024. (Ảnh: AFP).
Siêu bão Milton, cơn bão mạnh nhất ở Vịnh Mexico trong gần 20 năm qua, đã đổ bộ vào bang Florida, Mỹ tối 9/10. Đến sáng ngày 10/10, ít nhất 3,3 triệu người ở trên khắp Florida sống trong cảnh mất điện.
Tại vùng Clearwater ở bờ biển phía tây, các đội cứu hộ sử dụng thuyền giải cứu những cư dân bị mắc kẹt trong nhà do mực nước lũ cao hơn 1m.
Ít nhất 19 cơn lốc xoáy đã hình thành do bão Milton, phá hủy khoảng 125 ngôi nhà, hầu hết là nhà lắp ghép. Gió mạnh cũng làm đổ một cần cẩu xây dựng lớn ở St. Petersburg, khiến công trình đổ sập xuống một con phố vắng vẻ. Phần mái của một sân vận động dùng làm nơi tạm trú cho ngươi dân tránh bão cũng đã bị gió xé toạc.
Mặc dù trước khi bão Milton đổ bộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt các giải pháp khẩn cấp cho bang Florida, tuy nhiên do sức tàn phá của cơn bão quá khủng khiếp, thiệt hại về người và của quá nặng nề. Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo về "những tác động ban đầu" của bão Milton. Ông cho biết có 20 triệu suất ăn và 40 triệu lít nước sẵn sàng để chuyển đến những nơi bị ảnh hưởng sau bão Milton và Helene, Lầu Năm Góc cũng đã bố trí sẵn các đội tìm kiếm và cứu hộ, trực thăng...
Theo các nhà phân tích tại Công ty Jefferies, bão Milton có khả năng gây tổng thiệt hại về tài sản lên tới 245 tỉ USD ở hai khu vực Tampa và Fort Myers. Đó là chưa kể thiệt hại tại các nơi khác. Tổng thiệt hại do bão Katrina hồi năm 2005 là khoảng 192,5 tỉ USD. Điều này có nghĩa Milton nhiều khả năng sẽ vượt qua bão Katrina, trở thành cơn bão gây thiệt hại nặng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
CDC Châu Phi cảnh báo không nên hạn chế đi lại vì dịch marburg và đậu mùa khỉ
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ khám chữa bệnh tại trung tâm y tế ở tỉnh Nam Kivu, CHDC Congo ngày 31/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 9/10, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) kêu gọi các quốc gia trên thế giới kiềm chế việc áp dụng lệnh cấm đi lại hoặc hạn chế di chuyển nhắm vào các quốc gia châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh do bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) và bệnh do virus marburg gây ra.
Tuyên bố của CDC châu Phi nêu rõ các biện pháp như vậy không phù hợp với các hướng dẫn y tế quốc tế và có nguy cơ làm suy yếu các phản ứng y tế công cộng, làm sâu sắc thêm các thách thức kinh tế cũng như khơi lại sự bất bình đẳng và ngờ vực đã xuất hiện trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là giữa Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu.
CDC châu Phi nhấn mạnh rằng các hạn chế đi lại không được khuyến khích, trừ phi có bằng chứng thuyết phục, vì các biện pháp như vậy trong lịch sử đã cho thấy phản tác dụng, làm chậm các nỗ lực ứng phó, gia tăng tâm lý lo lắng của công chúng và làm gián đoạn khả năng di chuyển toàn cầu.
Thay vào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC châu Phi khuyến nghị tập trung vào việc giám sát chặt chẽ hơn, phát hiện sớm, quản lý ca bệnh, tiêm chủng có mục tiêu và sự tham gia của cộng đồng như những chiến lược hiệu quả nhất để kiểm soát các đợt bùng phát. CDC châu Phi tiếp tục tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng và các đối tác quốc tế để chống lại các đợt bùng phát mpox và marburg đang diễn ra thông qua các giải pháp phối hợp và dựa trên khoa học, ưu tiên an ninh y tế và ổn định kinh tế.
Báo động tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em gái và phụ nữ
Cần chấm dứt ngay hành vi bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: Reuters)
Hơn 79 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi đã bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục trước khi bước sang tuổi 18. Xét trên phạm vi toàn cầu, có tới 370 triệu trẻ em gái và phụ nữ từng phải đối mặt với bạo lực tình dục, trong đó khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi có số nạn nhân cao nhất. Cứ 5 phụ nữ và trẻ em thì lại có một người là nạn nhân của tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp trước 18 tuổi ở khu vực trên.
Đây là những con số thống kê nhức nhối được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 10/10. Đây cũng là lần đầu tiên UNICEF công bố số liệu về tình trạng bạo lực đối với trẻ em được thống kê và tổng hợp từ nguồn dữ liệu quốc gia cũng như các chương trình khảo sát quốc tế trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022. Các số liệu được đưa ra trước Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10/2024) cho thấy tình trạng đáng báo động của các hành vi cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục đối với trẻ em gái trên khắp thế giới, đặc biệt là đối với trẻ em gái vị thành niên.
Theo dữ liệu từ UNICEF, nếu tính cả các hình thức bạo lực tình dục "không tiếp xúc", chẳng hạn như lạm dụng trực tuyến hoặc bằng lời nói, số lượng trẻ em gái và phụ nữ bị ảnh hưởng sẽ tăng lên 650 triệu trên toàn cầu. Thực tế này đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của các chiến lược phòng ngừa và hỗ trợ toàn diện để giải quyết hiệu quả mọi hình thức bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo dữ liệu của UNICEF, hầu hết bạo lực tình dục trẻ em xảy ra trong thời kỳ vị thành niên, với mức tăng đột biến đáng kể trong độ tuổi từ 14 đến 17. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em trải qua bạo lực tình dục có nhiều khả năng bị lạm dụng lặp đi lặp lại. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp can thiệp có mục tiêu trong thời kỳ vị thành niên là rất quan trọng để phá vỡ chu kỳ này và giảm thiểu tác động lâu dài của những tổn thương do bạo lực tình dục gây ra./.
Nguồn: dangcongsan.vn