Sáng 9/9, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Lạc Dương về thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Phía huyện Lạc Dương có các đồng chí: Phạm Triều - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Sử Thanh Hoài - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ban của huyện.
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài đã báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, tình hình chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng 50 triệu cây xanh, đầu tư công, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống lụt bão trên địa bàn.
Theo đó, huyện Lạc Dương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là chỉ thị của Tỉnh ủy, văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm này, huyện Lạc Dương là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh giữ vững “vùng xanh” – vùng an toàn chưa có dịch Covid-19. Toàn huyện có 339 trường hợp cách ly y tế, đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho trên 4.370 đối tượng và tiêm phòng mũi 1 cho hơn 5.400 đối tượng, tiêm phòng mũi 2 cho 1.284 đối tượng. Kiểm soát chặt chẽ tại chốt chặn cửa ngõ phía Bắc của tỉnh ở thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais, nơi có lưu lượng lớn các phương tiện vận tải từ các tỉnh miền Trung đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp đi vào Lâm Đồng. Huyện cũng triển khai hiệu quả 34 tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh” và tạo được sự đồng thuận tham gia tích cực của Nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài báo cáo tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương đã triển khai hỗ trợ cho 661 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng. Đồng thời, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Lạc Dương đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là thực hiện tốt kế hoạch hỗ trợ nông sản cho TP Hồ Chí Minh và hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản .
Về công tác chuẩn bị cho năm học mới, huyện Lạc Dương đã đầu tư cơ sở vật chất cũng như triển khai các biện pháp đảm bảo các điều kiện dạy và học, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các trường học trên địa bàn. Huyện đã lên các phương án dạy và học theo diễn biến của tình hình dịch bệnh; bố trí cho học sinh ở nơi khác chưa thể quay về địa phương do dịch Covid-19 có nhu cầu học tập tại địa bàn cũng như chủ động phối hợp với các địa phương tạo điều kiện học tập cho học sinh của huyện đang mắc kẹt do dịch bệnh.
Công tác quản lý bảo vệ rừng; xử lý nhà kính nhà lưới; kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh được huyện triển khai quyết liệt. Đến thời điểm này, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 128 tỷ đồng, vượt 8,6% dự toán; trong đó, phần huyện thu đạt hơn 83 tỷ đồng, vượt 25,9% dự toán. Tổng vốn xây dựng cơ bản đã phân bổ trên 261 tỷ đồng/74 công trình, hạng mục công trình; tỷ lệ giải ngân đạt 57,1% kế hoạch. Công tác phòng chống bão lụt; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được huyện tiếp tục chủ động triển khai có hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra các thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của Nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông được đảm bảo.
Về công tác giảm nghèo, năm 2021 là năm đặc thù không có nguồn vốn của Trung ương và tỉnh để hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, huyện Lạc Dương đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa cũng như sự đối ứng của Nhân dân để thực hiện chương trình giảm nghèo với tổng nguồn kinh phí đã thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng. Ước thực hiện đến cuối năm 2021, số hộ nghèo toàn huyện giảm từ 132 hộ xuống còn 62 hộ, chiếm tỷ lệ 0,9%; trong đó, hộ nghèo DTTS 59 hộ, chiếm 1,3%.
Tại hội nghị, đại diện các phòng, ban của huyện cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn xảy ra tại một số khu vực khó kiểm soát; định mức giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tại 1 số khu vực chưa phù hợp với tình hình thực tế; về quy hoạch, việc áp dụng mật độ xây dựng thấp tại một số khu vực chưa phù hợp gây khó khăn trong việc quản lý cấp phép xây và quản lý trật tự xây dựng; về biên chế ngành giáo dục, cơ bản các bậc học đều thiếu giáo viên so với quy định của ngành…
Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phạm Triều phát biểu tại buổi làm việc
Trên cơ sở những ý kiến nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành liên quan đưa ra những giải đáp cụ thể và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Hiệp ghi nhận những nỗ lực của huyện Lạc Dương trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua cũng như việc giữ gìn đoàn kết nội bộ… Đồng thời, đánh giá cao việc triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo vệ “vùng xanh”, được người dân đồng thuận hưởng ứng. Đồng chí cũng yêu cầu huyện không chủ quan, lơ là, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đảm bảo cao nhất nhiệm vụ phòng chống dịch, xem việc giữ sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết. Công tác chuẩn bị cho năm học mới phải chu đáo, khoa học, phù hợp tình hình thực tế dịch bệnh, hài hòa giữa việc tiếp thu kiến thức và phòng chống dịch bệnh, dành cho học sinh những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là cơ sở vật chất trường lớp, huy động học sinh ra lớp, bố trí sắp xếp để học sinh ở những địa phương khác được học tập một cách hợp lý; có lộ trình để sắp xếp, cơ cấu lại các trường và các điểm trường. Nâng cao chất lượng và các giải pháp về công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý dứt điểm nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp theo chỉ đạo của tỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp biểu dương huyện Lạc Dương là một trong những địa phương làm tốt việc giải ngân đầu tư công trong khi điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, huyện cần tăng tốc để hỗ trợ tăng trưởng, giải quyết việc làm; giải ngân phải song song với giải quyết lao động, lưu ý tiến độ, chất lượng, kỹ thuật xây dựng cơ bản và đặc biệt là an toàn lao động. Đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo người dân an toàn tuyệt đối để phát triển sản xuất và sinh hoạt. Trật tự xây dựng, trật tự đô thị thiết lập lại theo tinh thần chỉ đạo và thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có giải pháp cụ thể để giảm nghèo thực chất; trong đó, tổ chức sản xuất và tạo sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS để thoát nghèo bền vững. Đảm bảo về công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05, công tác xây dựng chính quyền, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các lĩnh vực…
TUẤN HƯƠNG
Nguồn: baolamdong.vn