NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Bài học về “sức mạnh lòng dân” In trang
02/05/2024 07:50 SA

(LĐ online) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã để lại nhiều bài học sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Trong những bài học có giá trị to lớn đó, bài học về “sức mạnh lòng dân” là đỉnh cao chói lọi nhất…

Sức mạnh lòng dân đã chiến thắng tất cả những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất. Ảnh: Tư liệu
Sức mạnh lòng dân đã chiến thắng tất cả những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất. Ảnh: Tư liệu

Đọc những câu thơ “…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” của nhà thơ Tố Hữu những tưởng, chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra và kết thúc thắng lợi trong 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược? Không, Nhân dân Việt Nam đã “kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ”; riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, 210 ngày đêm quân, dân ta đã dồn sức, dốc lòng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”!

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 70 năm qua, đã có nhiều nghiên cứu, đúc rút những bài học về chiến thắng Điện Biên Phủ; đó là bài học về sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh kiên cường và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; bài học về nghệ thuật quân sự Việt Nam; bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bài học về “thế trận lòng dân”…

Những mảng nứa người dân tự đóng đã vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Những mảng nứa người dân tự đóng đã vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Trước hết, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc ta, làm cho Nhân dân thấy rõ vì lợi ích của dân tộc mà đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những năm 1947 - 1953, trước việc quân ta liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950)… khiến cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương chuyển biến bất lợi cho thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế, Pháp cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn, thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta, khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào. Thực dân Pháp đã điều động và bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân, nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại tại 49 cứ điểm với 3 phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Nam và Phân khu Trung tâm. Pháp tự tin cho rằng cứ điểm Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”!

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận…

Trước tình hình địch tăng cường lực lượng, thay đổi trận địa, tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; một quyết định kịp thời, phù hợp với thực tế toàn chiến trường và tình hình cụ thể của mặt trận.

Điện Biên Phủ có địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều đèo cao, vực sâu, đường giao thông hầu như chưa có; để bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật phục vụ chiến dịch lớn, diễn ra nhiều ngày đặt ra hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của chiến dịch.

Nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng chiến dịch này” đã được quân, dân cả nước đáp lời. Đây là “cuộc ra quân lớn nhất”, ngoài 55.000 quân chủ lực, đã huy động hơn 10 vạn người gồm: Lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác tham gia chiến dịch. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, Tây Bắc cho đến các khu căn cứ địa vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, đều tập trung sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tư liệu ghi lại, trong 210 ngày (từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954), ta đã huy động 261.653 dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch; trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia, đã làm mới 89 km đường và sửa chữa 500 km đường giao thông phuc vụ việc vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Đặc biệt, điểm sáng biểu thị sự mưu trí, óc thông minh của con người Việt Nam đã khiến thực dân Pháp hết sức bất ngờ, đó là việc sử dụng hiệu quả các phương tiện thô sơ; và, xe đạp thồ là phương tiện chính đã vận chuyển hàng ngàn tấn hàng lên cứ điểm góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã huy động 22.000 xe đạp thồ; 11.800 thuyền bè các loại, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, xe cút kít, một đội ô tô 628 chiếc… đã vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí… phục vụ chiến dịch.

Trong việc Nhân dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có những câu chuyện bình dị nhưng hết sức cảm động, biểu thị cao độ truyền thống yêu nước thấm đẫm trong mỗi con người Việt Nam. Trong số hơn 7.000 xe cút kít tham gia chiến dịch do người dân tự đóng, ông Trịnh Đình Bần (xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là người đóng nhiều nhất. Trong 3 mảnh ván ghép trên một chiếc xe cút kít, có một tấm ván ông Bần lấy trên bàn thờ tổ tiên của gia đình mình! Và, có những cụ già trên 70 tuổi vẫn xung phong đi làm dân công…

Với 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm…”, qua 3 đợt tấn công bất ngờ, sấm sét, quân đội ta đã nghiền nát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp, bắt sống tướng De Castries; loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của giặc; kết thúc chiến dịch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ biểu thị cao nhất truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân; phát huy triệt để “sức mạnh lòng dân” để làm nên chiến thắng vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.

Bài học về “Khoan thư sức dân” của tiền nhân đã và đang được Đảng ta tiếp tục phát huy trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

THANH DƯƠNG HỒNG

Lượt xem: 328
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005896503
  •  Đang online: 372
  •  Trong tuần: 41.202
  •  Trong tháng: 212.634
  •  Trong năm: 2.500.416