(LĐ online) - Sáng 27/12, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và báo cáo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chủ trì Hội nghị
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tỉnh Lâm Đồng và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tỉnh Lâm Đồng: Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thắng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
● TINH GIẢN 6.022 BIÊN CHẾ
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thị Phúc đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Theo đó, kết quả sắp xếp tổ chức, bộ máy khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, tổng số phòng, ban giảm 54/233 đầu mối (tỷ lệ 23,17%) và giảm 145 đồng chí lãnh đạo cấp huyện, cấp phòng (trong đó có 54 cấp trưởng và 91 phó trưởng phòng).
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về kết quả sắp xếp, kiện toàn tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý khối Nhà nước, giảm 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (giải thể Sở Ngoại vụ); số phòng chuyên môn, chi cục và tương đương giảm 34 phòng (tỷ lệ 23,1%).
Giảm 23/196 cấp phó của 20 tổ chức hành chính thuộc tỉnh; giảm 11/155 phòng (tỷ lệ 7,1%) các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giảm 115/716 đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Lâm Đồng (tỷ lệ 13,83%).
Về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, đã tinh giản 6.022 biên chế. Trong đó, khối Đảng tinh giản 231 biên chế, đạt tỷ lệ 18,63%; khối Nhà nước tinh giản 5.791 biên chế, giảm đủ 15% biên chế công chức và giảm đủ 20% biên chế viên chức (công chức tinh giản 436 biên chế, viên chức tinh giản 5.355 biên chế).
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thực hiện thí điểm 14 mô hình mới, đến nay có 7 mô hình hoạt động không hiệu quả và đã dừng thực hiện, còn 7 mô hình vẫn đang hoạt động có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phát biểu về mô hình khối Đảng cấp huyện, thành phố
● THÀNH LẬP 2 ĐẢNG BỘ TRỰC THUỘC TỈNH ỦY
Trên cơ sở nghiên cứu các định hướng, kế hoạch của Trung ương; tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc sau khi tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định mục tiêu, nguyên tắc, giải pháp và cách thức thực hiện, từ đó đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, về sắp xếp đối với hệ thống tổ chức Đảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định theo thẩm quyền về kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng; Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thành lập 2 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, gồm: Thành lập Đảng bộ Cơ quan Đảng, HĐND, Mặt trận, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh (gọi tắt là Đảng bộ khối Đảng). Đảng bộ khối Đảng được thành lập trên cơ sở kết thúc hoạt động của các Đảng đoàn và Ban Cán sự Đảng các cơ quan tư pháp. Thành lập Đảng bộ Chính quyền tỉnh, trên cơ sở kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.
Đồng chí Phạm Sơn Dũng - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Lâm Đồng phát biểu
Thành lập 2 đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, Thành ủy: Thành lập Đảng bộ cơ quan Đảng, HĐND, Mặt trận, đoàn thể, tư pháp cấp huyện trực thuộc Đảng bộ cấp huyện. Thành lập Đảng bộ Chính quyền trực thuộc Đảng bộ cấp huyện.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy, dự kiến lấy tên là Ban Tuyên giáo và Dân vận.
Đồng chí Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát biểu
Thực hiện hợp nhất Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng và Báo Lâm Đồng (đề xuất 2 phương án).
Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh: Giải thể, chấm dứt hoạt động 4 công đoàn: Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn Viên chức và Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Thành lập 2 tổ chức công đoàn: Công đoàn khối Đảng và Công đoàn khối Chính quyền.
Tỉnh Đoàn tiếp nhận 2 tổ chức Đoàn Thanh niên của 2 Đảng ủy Khối sau khi chấm dứt hoạt động.
Đồng chí Trần Hồng Quyết - Giám đốc Sở Nội vụ đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Cấp huyện, xem xét thực hiện sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Dân vận Huyện ủy, dự kiến lấy tên là Ban Tuyên giáo và Dân vận. Xem xét kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp huyện. Duy trì 2 tổ chức hành chính gồm: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Ban Quản lý Các khu công nghiệp.
Đồng chí Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Huyện uỷ Lạc Dương phát biểu
● SẮP XẾP VÀ HỢP NHẤT NHIỀU CƠ QUAN CHUYÊN MÔN TỪ TỈNH ĐẾN HUYỆN
Sắp xếp và hợp nhất các cơ quan chuyên môn sau: Hợp nhất Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính, dự kiến lấy tên là Sở Kinh tế - Tài chính.
Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng, dự kiến lấy tên là Sở Xây dựng và Giao thông. Hợp nhất Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, dự kiến lấy tên là Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Hợp nhất Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học - Công nghệ, dự kiến lấy tên là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ, dự kiến lấy tên là Sở Nội vụ và Lao động.
Đồng chí Dương Thị Ngà - Bí thư Huyện uỷ Đơn Dương phát biểu
Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Sở Công thương tiếp nhận Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương.
Đồng chí Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu
Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, lấy tên là Ban Dân tộc - Tôn giáo.
Văn phòng UBND tỉnh tổ chức lại các phòng chuyên môn nghiệp vụ theo hướng giải thể, chấm dứt hoạt động 4 phòng chuyên môn, còn 4 phòng, thành lập Khối chuyên viên tham mưu tổng hợp, thực hiện chế độ chuyên viên tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện uỷ Đam Rông phát biểu
Về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, duy trì 3 phòng đối với cấp huyện: Phòng Tư pháp; Thanh tra; Phòng Tài chính - Kế hoạch.
Thực hiện hợp nhất các cơ quan sau: Hợp nhất Phòng Nội vụ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến lấy tên Phòng Nội vụ và Lao động.
Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.
Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.
Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triên nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thành phố) hiện nay.
Phòng Y tế tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện uỷ Di Linh phát biểu
Tỉnh Lâm Đồng dự kiến thực hiện chuyển Thanh tra của 15 sở về Thanh tra tỉnh và thành lập các Phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra tỉnh. Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thống nhất cho kết thúc thanh tra chuyên ngành tại các sở. Chuyển thanh tra chuyên ngành tại các sở về Thanh tra tỉnh quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra tại địa phương.
Dự kiến chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc UBND cấp huyện quản lý. Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương kịp thời chỉ đạo sửa đổi Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 hướng dẫn Luật Đất đai, theo hướng “Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện thuộc UBND cấp huyện quản lý”.
Dự kiến thực hiện hợp nhất Trung tâm Công báo – Tin học và Trung tâm Phục vụ Hành chính công (thuộc Văn phòng UBND tỉnh) và Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Chuyển đổi số (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) thành Trung tâm Chuyển đổi số và Phục vụ Hành chính công tỉnh Lâm Đồng (thuộc UBND tỉnh).
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ điều hành phần thảo luận nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW
● XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN HỢP NHẤT BÁO VÀ ĐÀI CHẬM NHẤT TRƯỚC NGÀY 30/6/2025
Định hướng thảo luận tại Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho rằng, Hội nghị hôm nay rất quan trọng nhằm trao đổi, thảo luận tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, rà soát, kiện toàn, sắp xếp bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, do đó, đề nghị các đại biểu thảo luận trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm.
Lâm Đồng trong thời gian vừa qua cho đến nay đã thực hiện nghiêm theo 4 bước đúng quy trình; vấn đề là thực hiện sắp xếp từ bên ngoài đến bên trong các cơ quan, đơn vị như thế nào để hiệu quả. Những nội dung nào còn băn khoăn, nội dung gì cần nghiên cứu, bổ sung... Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất phương án, mô hình tương ứng với cấp tỉnh; mô hình nào phù hợp, mang lại hiệu quả tối ưu thì đề nghị đề xuất…
Liên quan đến mô hình hợp nhất Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Báo Lâm Đồng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là điều mà đồng chí rất trăn trở, tham khảo nhiều ý kiến từ cơ quan báo chí Trung ương, báo chí cấp tỉnh… Xác định xu hướng sáp nhập là tất yếu, phù hợp, vì có địa phương đã làm rồi, có địa phương đang làm và qua nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải sáp nhập. Tuy nhiên, vấn đề là làm như thế nào cho có hiệu quả và không thể làm ngay được. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo riêng về mô hình hợp nhất Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng để tiến hành thận trọng, chắc chắn hơn, khi sáp nhập thì hoạt động hiệu quả, lộ trình xây dựng phương án hợp nhất chậm nhất trước ngày 30/6/2025.
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện uỷ Đạ Huoai phát biểu
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận, phân tích và cho ý kiến về kinh nghiệm cũng như những khó khăn, trở ngại khi sáp nhập 3 huyện thành 1 huyện Đạ Huoai. Từ đó, đề xuất cần lưu ý về công tác tư tưởng phải làm thật tốt để cán bộ, đảng viên, Nhân dân chấp hành, đi đến đồng thuận. Trong công tác tổ chức, cần sự phối hợp đồng bộ, liên thông với quyết tâm cao nhất; về chế độ chính sách với cán bộ sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất cần đặc biệt quan tâm thật tốt…
Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện uỷ Đức Trọng phát biểu
Có đại biểu cho rằng, từ tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, các chỉ tiêu đặt ra Lâm Đồng đều đạt, là đơn vị đi đầu; tuy nhiên, thời gian tới về phương án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ cần tập trung đầu mối bên trong, phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tinh giảm, sắp xếp cho phù hợp…
Đồng chí Nguyễn Viết Vân - Bí thư Huyện uỷ Bảo Lâm phát biểu
Liên quan đến chế độ, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để có dự thảo về chế độ chính sách cho phù hợp, thoả đáng đối với cán bộ dôi dư trong khi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nếu có chính sách tốt thì chắc chắn sẽ làm tốt việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng phát biểu kết luận Hội nghị
● QUAN TÂM GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CHO CÁN BỘ SAU SẮP XẾP
Kết luận Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thảo luận kỹ về những vấn đề còn băn khoăn, đã có 12 ý kiến góp ý sau khi nghe Ban Thường vụ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Quyền Bí thư nhận định, qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, mang lại kết quả nhất định trong tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, có những mô hình không hiệu quả nên không thực hiện nữa – đây chính là bài học kinh nghiệm để thời gian tới tỉnh không lặp lại vì không phù hợp thực tiễn.
Về triển khai chủ trương của Trung ương, nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về mục đích, ý nghĩa, tỉnh đã triển khai đồng bộ, chặt chẽ trên toàn tỉnh; làm chắc chắn, từ tỉnh, đến sở ngành, địa phương; xác định các bước đúng quy trình. Đến nay (27/12), tỉnh đã hoàn chỉnh phương án sắp xếp theo hướng bộ máy tổ chức phải tinh gọn, đội ngũ cán bộ phải tinh thông, hoạt động phải hiệu lực hiệu quả; thực hiện tinh gọn cả bộ máy bên ngoài và bên trong. Có mô hình các đơn vị không nằm trong định hướng của Trung ương nhưng thấy cần thiết, Lâm Đồng vẫn làm như mô hình Báo – Đài; mô hình tinh gọn Văn phòng Tỉnh uỷ từ 5 phòng xuống 3 phòng, Văn phòng UBND tỉnh cũng giảm sâu, tinh gọn…
Quang cảnh Hội nghị
Quyền Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý, ngay sau Hội nghị này, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm quán triệt, giải thích để cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động hiểu rõ, hiểu đúng về ý nghĩa của tinh gọn… nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất. Tiếp tục rà soát lại bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, nhất là tổ chức bộ máy bên trong, sắp xếp thế nào để đi vào hoạt động hiệu quả.
Đề nghị rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ sau hợp nhất… Đây là việc vô cùng quan trọng, đề nghị phải khách quan, công tâm, công bằng để người giỏi, người tốt, người đủ uy tín, đủ năng lực phải được bố trí, sắp xếp vị trí xứng đáng… theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ rất quan tâm để có đội hình, bộ máy tốt nhất sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cán bộ.
Về quyền lợi, chế độ chính sách cho cán bộ sau sắp xếp, Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nghiên cứu, đề xuất, cần quan tâm giải quyết thoả đáng. Đây là phương án chung toàn tỉnh, còn đi vào mô hình từng huyện đề nghị cần xây dựng báo cáo phương án cụ thể để Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
NGUYỆT THU - CHÍNH THÀNH