NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Về buôn làng mở doanh nghiệp In trang
18/02/2024 08:04 SA

(LĐ online) - Nói mở doanh nghiệp thì nhất định… không chịu, Liêng Jrang K’Chăm cứ bảo với tôi rằng mình đâu có làm gì lớn, chỉ mở một “cơ sở sản xuất” ở buôn làng thôi!

Liêng Jrang K’Chăm (thứ 3 từ bên phải sang) tại cuộc tập huấn về tăng năng suất cây trồng do APO tổ chức tại Pakistan trong tháng 11/2023
Liêng Jrang K’Chăm (thứ 3 từ bên phải sang) tại cuộc tập huấn về tăng năng suất cây trồng do APO tổ chức tại Pakistan trong tháng 11/2023

Sinh năm 1990, cô gái người Cill ở buôn làng xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương Liêng Jrang K’Chăm trông rất duyên dáng với bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của người Cill tại một hội thảo khoa học có tên “Nâng cao năng suất chất lượng dựa trên đổi mới sáng tạo” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tổ chức trong cuối tháng 11/2023 tại TP Đà Lạt.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tiếng Anh tại Trường Đại học Đà Lạt, Liêng Jrang K’Chăm đi làm cho một công ty nước ngoài chuyên về thu mua chế biến cà phê tại Lâm Đồng trong nhiều năm liền. Đó là một công việc có thể coi là đáng mơ ước cho một cô gái trong buôn làng vốn trải qua rất nhiều nỗ lực để vươn lên thông qua con đường học hành.

Năm 2014, K’Chăm lập gia đình với một chàng trai Cill là Kra Jăng Ha Thái, sinh năm 1986, người xã Tà Nung, TP Đà Lạt. Ha Thái tốt nghiệp một trường cao đẳng tại Đà Lạt và làm hướng dẫn viên du lịch. Đến nay, họ có với nhau 2 con, 1 gái, 1 trai.

Với Liêng Jrang K’Chăm, càng làm việc lâu cho công ty nước ngoài này, chị thấy rằng nếu chịu khó học hỏi, mình cũng có thể làm được như họ. Vì cà phê của nông dân mình có sẵn, nếu thu mua thì chỉ cần vốn, công nghệ có thể học được, cần tìm đầu ra. Còn nếu chế biến cà phê hạt, cà phê rang xay thì cũng cần nguồn vốn để đầu tư máy móc, nhà xưởng. “Họ làm được thì mình cũng làm được, tại sao mình lại không làm?”, chị tự hỏi.

Và ý tưởng này cứ nằm mãi đâu đó trong suy nghĩ của K’Chăm cho mãi đến khi chị gặp một người quen cũng đang làm doanh nghiệp. Người quen này khuyến khích chị nên mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến cà phê ngay tại buôn làng của chị.

Năm 2019, sau một thời gian đắn đo Liêng Jrang K’Chăm đã quyết định nghỉ việc lại công ty cà phê nước ngoài để về nhà mở doanh nghiệp cho riêng mình tại nơi mình sinh ra và lớn lên - Thôn 4, xã Đạ Sar, Lạc Dương.

Phơi hạt cà phê tại cơ sở sản xuất của Liêng Jrang K’Chăm
Phơi hạt cà phê tại cơ sở sản xuất của Liêng Jrang K’Chăm

Cái khó cho người mở doanh nghiệp lúc đầu như chị nói, chính là vốn. Liêng Jrang K’Chăm đã sử dụng tiền tích lũy của 2 vợ chồng lâu nay, mượn thêm từ người thân và ngân hàng. Cho đến nay, K’Chăm đã đầu tư ở đây trên 800 triệu đồng để xây dựng một cơ sở chế biến cà phê hạt sạch với một quầy giới thiệu sản phẩm có tên “Yũ M’nàng”(có nghĩa là cây dổi trên đồi). Cơ sở sản xuất của chị có 4 người làm việc thường xuyên ở đây. Sản phẩm cà phê hạt của chị được gửi đi tiêu thụ nhiều nơi trong nước thông qua nhiều kênh, từ bạn bè người quen giới thiệu, những khách hàng quen biết trong lúc chị còn đi làm, qua các kênh thông tin trên mạng xã hội, các kênh bán hàng trực tuyến. “Lúc đầu mới ra, thương hiệu mới, nhiều người chưa biết nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế nhưng qua thời gian, lượng sản phẩm bán được ngày càng tăng lên”, K’Chăm cho biết.

Bên cạnh cơ sở thu mua, rang xay chế biến cà phê này, Liêng Jrang K’Chăm còn có riêng một trang trại canh tác cà phê của gia đình trong vùng, rộng 2 ha với chừng 15 người làm thời vụ trong năm. Trang trại này được áp dụng lối canh tác hữu cơ, nghĩa là hạn chế dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, trái cà phê khi thu hoạch được hái lựa, chỉ những quả đủ độ chín mới hái. Chị còn liên kết với nhiều gia đình nông dân người dân tộc thiểu số trong vùng của mình để hỗ trợ phương pháp canh tác cà phê sạch cũng như thu mua tiêu thụ sản phẩm.

“Vùng đất Đạ Sar rất thích hợp với cà phê, cà phê có chất lượng, cho sản phẩm ngon, tuy nhiên, bà con trong vùng lâu nay thường canh tác theo thói quen, năng suất thấp. Để có cà phê sạch, cà phê hữu cơ đòi hỏi bà con phải canh tác theo quy trình. Để đạt được quy trình này cần hướng dẫn lâu dài cho mọi người mới thay đổi thói quen được”, chị nói.

Cho đến nay, trong buôn làng Đạ Sar, K’Chăm là phụ nữ đầu tiên đứng ra mở một doanh nghiệp. Trước đó, có một người trong xã là anh Ka Dim cũng mở một doanh nghiệp thu mua cà phê trong vùng. “Trong xã cũng có các chị người dân tộc thiểu số mở cửa hàng, mua bán nhỏ, nhưng đầu tư mở doanh nghiệp lớn còn ít lắm. Do nhút nhát, sợ rủi ro, sợ thất bại, sợ làm không được… nên nhiều người đồng bào trong vùng lâu nay vẫn an phận, chưa dám mở cơ sở làm ăn”, K’Chăm cho biết.

Gần đây có một nhóm nông dân, trong đó có không ít các chị phụ nữ từ xã vùng sâu Đưng K’nớ trong huyện Lạc Dương khi biết Liêng Jrang K’Chăm mở được doanh nghiệp làm ăn, đã đến tham quan cơ sở sản xuất và trang trại của gia đình chị với ý định học hỏi cách làm của chị. “Cũng có các chị trong thôn và các thôn khác gần đây đến tham quan, họ đi với tư cách cá nhân chứ không tổ chức thành đoàn như của xã Đưng K’nớ. Tôi nghĩ, nếu được chia sẻ kinh nghiệm, được hỗ trợ vốn, giúp cho các chị tự tin thì nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số cũng mở được doanh nghiệp cho mình. Một người làm được sẽ có nhiều người làm được”, chị K’Chăm nói.

Quầy giới thiệu sản phẩm của cà phê “Yũ M’nàng”
Quầy giới thiệu sản phẩm của cà phê “Yũ M’nàng”

Một tín hiệu vui cho Liên Jrang K’Chăm trong năm 2023, thông qua sự giới thiệu của huyện Lạc Dương, chị đã kết nối được với đại diện của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tại Lâm Đồng, và tổ chức này trong tháng 11/2023 đã đưa chị tham quan một khóa tập huấn liên quan về tăng năng suất cây trồng tại Pakistan. Trong năm 2024 này, một khóa học tương tự ở nước ngoài của APO đề xuất cũng đang chờ đợi chị.

“Thật may mắn khi mình học ngoại ngữ, học tiếng Anh và có cơ hội để ra nước ngoài mở rộng tầm mắt cho mình. Ra nước ngoài để thấy rằng vùng đất nơi mình sinh sống có rất nhiều cơ hội để kinh doanh, không chỉ là các mặt hàng nông sản của người dân, để giúp ích cho bà con dân tộc thiểu số của mình cùng làm ăn, xóa nghèo, làm giàu, cùng vươn lên trong cuộc sống”, Liêng Jrang K’Chăm tự tin.

VIẾT TRỌNG

Lượt xem: 262
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006391073
  •  Đang online: 68
  •  Trong tuần: 28.987
  •  Trong tháng: 70.986
  •  Trong năm: 70.986