Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đối với bà con dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lạc Dương luôn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, giúp bà con phát huy nội lực, tự vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất. Đây cũng là yếu tố quan trọng, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng DTTS với khu vực trung tâm huyện Lạc Dương.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng giao dịch NHCSXH Lạc Dương đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương kết hợp với công tác huy động vốn để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Tính đến ngày 24/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện là 351 tỷ đồng/4.316 khách hàng còn dư nợ, trong đó, dư nợ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm trên 308 tỷ đồng, chiếm 87,7%/tổng dư nợ; dư nợ phục vụ đời sống, sinh hoạt, giáo dục đào tạo trên 43 tỷ đồng, chiếm 12,3%/tổng dư nợ. Tổng số hộ DTTS có dư nợ tại NHCSXH là 3.595 hộ/292 tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng dư nợ tại Phòng giao dịch. Dư nợ bình quân trên một hộ đạt 81,2 triệu đồng. Bà Cao Thị Hồng Nhạn - Giám đốc NHCSXH chi nhánh Lạc Dương cho biết: “Phòng giao dịch đã phối hợp tổ chức thực hiện chuyển tải kịp thời 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là ưu tiên nguồn vốn để phục vụ hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2019-2024, PGD NHCSXH huyện Lạc Dương đã thực hiện giải ngân 440 tỷ đồng cho 8.263 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, ngăn chặn nạn tín dụng đen, ổn định cuộc sống cho bà con”.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện giao dịch tại xã Đạ Sar
Cùng với giải ngân vốn, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn của hộ DTTS vay vốn các chương trình chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ. Gắn với kết quả này, bà con đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả của đồng vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công việc làm, nỗ lực vươn lên, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng vốn vay cho các hộ đồng bào DTTS, hàng năm, chính quyền các cấp đã quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương, ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, năm 2024, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là trên 38,530 tỷ đồng, bao gồm vốn ủy thác ngân sách tỉnh 23,588 tỷ đồng, tăng 3,5 tỷ đồng; vốn ủy thác ngân sách huyện 14,947 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2023. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đã chung tay cùng NHCSXH huyện triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Bà Bon Jô Liên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lạc Dương khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hội viên trên địa bàn huyện có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo, ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi trong đồng bào DTTS. Tính đến tháng 4/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH ủy thác cho vay với tổng dư nợ trên 152 tỷ đồng/1.835 hội viên phụ nữ được vay vốn”.
Người dân thị trấn Lạc Dương đến giao dịch tại chi nhánh NHCSXH huyện
Chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hàng ngàn lượt hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Riêng trong giai đoạn 2019 - 2024, toàn huyện có 620 hộ đã thoát nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 2 đến 2,5% hộ nghèo. Riêng năm 2023, huyện Lạc Dương đã có 246 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2,6%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn 3,9%. 5 năm qua đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động; chi trả trợ cấp chi phí học tập cho 427 lượt học sinh, sinh viên DTTS có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 910 triệu đồng; giúp cho 621 hộ gia đình người DTTS có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng được vay vốn học tập với tổng kinh phí 7,9 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 123 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng 2 công trình cung cấp nước sạch và hàng chục công trình vệ sinh môi trường nông thôn. Đáng ghi nhận hơn hết, các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH huyện đã góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, nhất là vùng DTTS. Chị Kră Jăn K’ Lát tại thôn 5 xã Đạ Sar chia sẻ: “ Gia đình tôi hiện đang được NHCSXH huyện cho vay hơn 100 triệu đồng. Tôi sử dụng vốn vay này để đầu tư thâm canh cà phê và chăn nuôi gia súc. Do lãi suất vay thấp nên gia đình có điều kiện đầu tư sản xuất lâu dài, ổn định cuộc sống. Nếu không có nguồn vốn này, chúng tôi phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao”.
Có thể thấy rằng, hiệu quả của tín dụng chính sách mang lại cho bà con huyện Lạc Dương đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
NGUYỄN HIỀN