NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
"Giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm giữa đại ngàn Bidoup In trang
28/11/2024 07:22 SA

Giữa nhịp sống hiện đại, nhiều chị em người K'Ho dưới dãy Bidoup - núi Bà (xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn tích cực duy trì nghề dệt thổ cẩm. Công việc này không chỉ góp phần gìn giữ nghề truyền thống mà còn giúp phụ nữ có thêm thu nhập lúc nông nhàn…

Ngày càng nhiều phụ nữ dân tộc K’Ho ở xã Đưng Knớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) gắn bó với khung dệt
Ngày càng nhiều phụ nữ dân tộc K’Ho ở xã Đưng Knớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) gắn bó với khung dệt

Từ trung tâm thị trấn Lạc Dương, vượt hơn 60km đường nhựa quanh co, uốn lượn dưới rừng thông cổ thụ, chúng tôi đến xã Đưng Knớ một ngày se lạnh, sương giăng khắp đỉnh núi.

Tìm đến thôn 1, cách trung tâm xã chừng vài cây số, từ xa đã nghe tiếng chị em người K'Ho rôm rả nói cười. Các chị vừa tham gia một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ "Nuôi dạy con tốt", cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Khi nghe chúng tôi nhắc đến nghề dệt thổ cẩm, các chị càng thêm sôi nổi. Chỉ tay vào chiếc váy thổ cẩm đang mặc, chị K'Hều (ở thôn 1) phấn khởi khoe, đây là bộ thổ cẩm chị tự tay dệt suốt 2 tuần.

Chị K'Hều cho biết, mẹ của chị biết dệt nhưng trước đây chị không yêu thích nên không học. Mấy năm trở lại đây, thấy nhiều chị em rủ nhau đi học rồi về dệt vải đem bán, chị bắt đầu quan tâm học thử.

Học được cách dệt cơ bản rồi dệt được những sản phẩm đầu tiên, chị chia sẻ lên mạng xã hội thì được một số người quan tâm, đặt hàng nên rất phấn khởi. Hơn 1 năm qua, chị vừa tham gia các lớp dệt thổ cẩm được tổ chức ở xã, vừa mày mò học thêm cách dệt hoa văn mới từ các chị em khác để nâng cao tay nghề.

Ngồi cạnh đó, chị Bon Niêng K'Huyên ở cùng thôn chia sẻ, nhờ học dệt mà các chị có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Ở xã Đưng Knớ, người dân chủ yếu làm nông, trồng rau, hoa, cà phê.

Từ khi có các đơn vị liên kết tiêu thụ, thu mua vải thổ cẩm dệt tay, các chị tranh thủ dệt khi rảnh rỗi, mỗi tháng cũng được đôi tấm, kiếm thêm được vài triệu đồng. Số tiền ấy cũng đủ chi tiêu, nuôi các con ăn học chờ đến mùa thu hoạch.

Trong câu chuyện của các chị có nhắc nhiều đến chị Bon Niêng K'Gut, người đã tích cực kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm trong thôn. Chị K'Gut là con út của nghệ nhân ưu tú Bon Niêng K'Glòng, chủ nhân của kho tàng tri thức dân gian đặc sắc về phương pháp nhuộm màu bằng nguyên liệu từ rừng ở Lâm Đồng.

Chị K’Hều khoe bộ đồ thổ cẩm do mình tự dệt
Chị K’Hều khoe bộ đồ thổ cẩm do mình tự dệt

Nối nghiệp mẹ mình, từ khi còn rất trẻ, chị K'Gut đã gắn bó với khung dệt. Chị tự tay dệt nhiều tấm thổ cẩm đẹp rồi đưa đi chào hàng ở các điểm bày bán hàng mĩ nghệ, các điểm du lịch. Khi đơn đặt hàng ngày nhiều hơn, chị tập hợp thêm chị em, thành lập nhóm dệt để tăng năng suất sản phẩm. Chị còn mở lớp truyền dạy tại nhà để có thêm nhân lực tham gia dệt thổ cẩm.

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Tháng 7/2024, huyện Lạc Dương đã công bố Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Đưng Knớ. Theo chính quyền địa phương, Đưng Knớ có lợi thế về bản sắc văn hóa truyền thống và ẩm thực độc đáo.

Nhiều nghề thủ công truyền thống vẫn được duy trì như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần… Cùng với đó là cảnh quan thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, có một số danh lam thắng cảnh như: Thác Liêng Treng, thác Liêng Đang, hồ thủy điện Krông Nô, thủy điện Ya Ta Sien…

Việc hình thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng mở ra triển vọng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương, qua đó giúp phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong lộ trình thực hiện, năm 2024, huyện Lạc Dương tổ chức xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà bảo tồn nghề truyền thống và du lịch cộng đồng xã Đưng Knớ với kinh phí 5,3 tỷ đồng; cải tạo và nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt tại thôn 1, thôn 2 với kinh phí trên 8,2 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và các hoạt động du lịch sau khi xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Đồng thời, đầu tư hệ thống điện ba pha, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và du lịch Đưng Knớ…

Bà Phi Srônh K'Ham, Chủ tịch Hội LHPN xã Đưng Knớ, cho biết: Từ định hướng của huyện, Hội LHPN xã đã vận động, tập hợp chị em tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm, dần hình thành làng nghề làm du lịch.

Hội sẽ lập danh sách để hỗ trợ những chị em có nhu cầu vay vốn sản xuất, với mức vay tối đa là 50 triệu đồng/người để đầu tư phát triển nghề dệt.

Với những định hướng cụ thể của chính quyền địa phương về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, nhiều phụ nữ K'Ho nơi đây đang dần trở lại với khung cửi, dệt nên những sản phẩm đầy màu sắc từ chất liệu thổ cẩm của dân tộc mình.

Dệt thổ cẩm không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, mà đang mở ra triển vọng hình thành làng văn hóa du lịch cộng đồng trên vùng nông thôn mới Đưng Knớ.

(Bài, ảnh: Ân Thư/phunuvietnam.vn)

Lượt xem: 83
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006509052
  •  Đang online: 186
  •  Trong tuần: 17.964
  •  Trong tháng: 188.965
  •  Trong năm: 188.965