Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người, huyện Lạc Dương chú trọng đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bản sắc văn hóa của các dân tộc huyện Lạc Dương là tiềm năng để địa phương khai thác, phát triển du lịch
• PHÁT HUY TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
Những tháng cuối năm 2024, nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn, đặc sắc được huyện Lạc Dương tổ chức hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X đã thu hút đông đảo du khách đến với địa phương như: Mùa hội Cỏ hồng Lang Biang lần thứ VI; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc huyện Lạc Dương; Đua ngựa không yên; Đêm nhạc Acoustis Lang Biang và những người bạn; Hội thi Ẩm thực và rượu cần hương vị núi rừng Lang Biang; Ngày hội hoa hồng Lang Biang; Giải leo núi chinh phục Lang Biang… Đặc biệt, trong năm 2024, huyện Lạc Dương đã đưa vào sử dụng và tổ chức hoạt động Làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K’Ho tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais; đồng thời xây dựng Đề án Làng du lịch cộng đồng tại xã Đưng K’nớ, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động phục vụ việc xây dựng Làng du lịch cộng đồng. Qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.
Huyện Lạc Dương là địa phương phụ cận và điều kiện tự nhiên tương đồng với TP Đà Lạt, có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Trong nhiều năm qua, ngành Du lịch của huyện đã được quan tâm đánh thức, đạt được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với mỗi năm tăng từ 10 - 12% về lượng khách và doanh thu, đóng góp ngày càng cao vào cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, du lịch của địa phương phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương Ya Tiong cho hay, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và di sản văn hóa, trong những năm qua, ngành Du lịch huyện Lạc Dương đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 đều xác định phát triển du lịch là một trong các chương trình trọng tâm. Trên cơ sở đó, Huyện ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Huyện ủy Lạc Dương cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp và là động lực cho sự phát triển của địa phương, trên cơ sở các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao - vui chơi giải trí, sinh thái, nông nghiệp, môi trường rừng, đặc biệt là khám phá Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, huyện Lạc Dương cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu du khách và gia tăng giá trị ngành Du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực khác trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, địa phương gắn việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các loại hình kinh tế như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất dược liệu… cùng với phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ du lịch. Đồng thời, khuyến khích việc kết hợp giữa du lịch và giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giới thiệu, quảng bá các thế mạnh của địa phương đối với lứa tuổi học sinh phổ thông.
Huyện Lạc Dương đang xây dựng môn thể thao đua ngựa không yên của người K'Ho trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là một sản phẩm du lịch mới
• TẬP TRUNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Huyện Lạc Dương đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, hoàn thiện hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, nước, viễn thông trọng điểm tạo động lực thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Trong đó, tích cực phối hợp và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng đảm bảo tiến độ; nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường chính của huyện, bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường giao thông nông thôn.
Đồng thời, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị thị trấn Lạc Dương nhằm từng bước xây dựng thị trấn Lạc Dương trở thành trung tâm du lịch, văn hóa các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên và trung tâm du lịch nông nghiệp. Đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch tại các khu du lịch, khu nông nghiệp công nghệ cao và các làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch như: Làng dệt thổ cẩm Đăng gia Dết B, dệt thổ cẩm Đưng K'nớ, các điểm sinh hoạt cồng chiêng, làng nghề rượu cần Bon Lang Biang, Khu bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho tại xã Đạ Chais, di tích cấp tỉnh thác Liêng Trang tại xã Đưng K'nớ, các trạm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 27C, Tỉnh lộ 722, 726 và đường Trường Sơn Đông…
Cùng với đó, bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông với các khu điểm du lịch; kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông tới các khu, điểm du lịch. Lạc Dương cũng tập trung hỗ trợ xây dựng các điểm đến về du lịch đa dạng, phong phú theo Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 31/5/2021 của Huyện ủy về Phát triển du lịch huyện Lạc Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời khuyến khích xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng phòng lưu trú theo các tiêu chuẩn để được xếp hạng. Xây dựng hệ thống thông tin du lịch, website và ứng dụng du lịch Lạc Dương để thuận tiện sử dụng cho người dùng các thiết bị di động thông minh, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, đặt hàng sản phẩm và thanh toán trực tuyến chi phí sử dụng du lịch Lạc Dương của du khách.
Từ năm 2020 đến nay, bình quân hàng năm địa phương tăng 10% về lượng khách du lịch và tăng từ 12 - 15% doanh thu. Mặc dù trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, song tổng số khách du lịch 5 năm (2020 - 2025) ước đạt 10.225 ngàn lượt khách, doanh thu đến hết năm 2025 ước đạt 1.236 tỷ đồng; du lịch đóng góp khoảng 24,53% trong khu vực dịch vụ. Riêng năm 2024 thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch với doanh thu ước đạt 330 tỷ đồng. Hiện tại trên địa bàn huyện có 10 khu, điểm du lịch đang hoạt động; 13 cơ sở lưu trú với tổng số 220 phòng phục vụ khách lưu trú.
“Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Lạc Dương sẽ trở thành huyện nông thôn mới và là một trong những trung tâm du lịch của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, huyện tập trung mọi nguồn lực, huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, từng bước xây dựng, phát triển để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ, nông nghiệp phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương Ya Tiong cho biết.
(Theo TUẤN HƯƠNG/baolamdong.vn)