Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa.

Thường trực Huyện ủy Lạc Dương phát động phong trào mặc trang phục truyền thống dân tộc trong cán bộ, công chức, viên chức vào các dịp lễ hội của địa phương
GIỮ GÌN VĂN HÓA DÂN TỘC
Theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, tỷ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện hiện chiếm trên 65% dân số toàn huyện, chủ yếu là người K’Ho - Lạch. Với những nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt, cộng đồng các DTTS huyện Lạc Dương đã có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc sưu tầm và bảo tồn dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất của dân tộc mình. Nhiều hộ gia đình, nhất là các gia đình có tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách và các giáo xứ Công giáo trên địa bàn đã quan tâm đến việc sưu tầm dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất mang tính truyền thống của người Lạch như: cây cày, cây bừa, chum, chóe, rìu, xà gạc, cung, nỏ, cồng, chiêng, áo, khố, đến cái gùi, tấm chiếu, và các sản phẩm đan từ cói… như gia đình ông Dagout Brice Liêm, Pang Ting Mút, Pang Ting Sin, Krajan Tham…
Cùng với đó, người K’Ho - Lạch huyện Lạc Dương cũng giữ gìn và phát huy nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc mình, trong đó có văn hóa làm và sử dụng rượu cần. Sản phẩm rượu cần đã được người K’Ho - Lạch tại thị trấn Lạc Dương đưa vào phục vụ du khách ngay từ khi ngành Du lịch bắt đầu khai thác trên địa bàn huyện và đã mang lại thu nhập khá ổn định cho bà con. Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc này, từ khá sớm, huyện Lạc Dương đã thành lập tổ hợp tác làm và tiêu thụ sản phẩm rượu cần với thương hiệu “Rượu cần Lang Biang” được du khách trong và ngoài nước biết đến. Bên cạnh đó, cộng đồng người Lạch cũng đã quan tâm và có ý thức bảo tồn các món ăn truyền thống của mình. Đặc biệt, từ khi Giáo xứ Lang Biang được thành lập (1991), cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, bà con giáo dân đã nhiều lần tổ chức sưu tầm và biên tập thành các tài liệu về các món ăn truyền thống, nguyên liệu và quy trình chế biến của từng món ăn.
Để tiến tới xây dựng bộ từ điển tra cứu trực tuyến trên hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh (OIC) của huyện, Lạc Dương đã chỉ đạo việc xây dựng từ điển tiếng K’Ho, đồng thời vận động bà con trong Giáo xứ quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết K’Ho - Lạch. Hội đồng Giáo xứ Lang Biang đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm từ điển K’Ho - Lạch, đến nay đã cơ bản hoàn thiện phần thô với khoảng 5.000 từ. Song song với việc xây dựng từ điển và các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống khác, Giáo xứ Lang Biang cũng thường xuyên tổ chức cho thanh thiếu nhi học tiếng K’Ho - Lạch kết hợp học giáo lý trong các dịp hè. Vì vậy, giáo dân nói chung, thanh thiếu nhi trong Giáo xứ nói riêng cơ bản biết đọc, biết viết cả tiếng phổ thông và tiếng K’Ho - Lạch.Cùng với đó, một số nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ, công chức, viên chức là người K’Ho - Lạch trên địa bàn huyện cũng đã và đang tích cực tham gia sưu tầm và sáng tác các tác phẩm âm nhạc, thơ, truyền thuyết, luật tục… tiêu biểu như Nghệ sĩ Ưu tú Krajan Dick. Ngoài ra, bà con người K’Ho - Lạch cũng sưu tầm, liệt kê các địa danh, sông, suối, núi, đồi… được gọi tên bằng tiếng K’Ho trong truyền thuyết, hoặc ngoài đời thường trong phạm vi địa bàn tỉnh Lâm Đồng để lưu lại cho các thế hệ mai sau biết đến tên gọi gốc của các địa danh trong vùng.

Huyện Lạc Dương thường xuyên tổ chức Hội thi Ẩm thực và rượu cần Lang Biang để giữ gìn và quảng bá nét đặc sắc trong các món ăn truyền thống của đồng bào DTTS
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
Để khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, thời gian qua, Thường trực Huyện ủy Lạc Dương đã phát động phong trào mặc trang phục truyền thống dân tộc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh các trường học trên địa bàn huyện trong các dịp lễ hội của địa phương, buổi sinh hoạt dưới cờ và các buổi sinh hoạt tập thể… Khuyến khích và kêu gọi học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi đi học. Không chỉ vậy, lãnh đạo huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn có sử dụng lao động là người DTTS nói chung, người K’Ho nói riêng, cũng như hoạt động kinh doanh có liên quan đến văn hóa truyền thống K’Ho cần trang bị và khuyến khích nhân viên mặc trang phục truyền thống dân tộc khi làm việc… Qua đó góp phần khơi dậy lòng tự hào và từng bước nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa, trang phục truyền thống của bà con, đồng thời góp phần tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm của người K’Ho, giúp các nghệ nhân dệt may thổ cẩm có thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính việc bảo tồn bản sắn văn hóa của dân tộc mình.
Lạc Dương cũng thường xuyên tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa giữa các đơn vị, địa phương trong huyện về các món ăn truyền thống, thi đánh cồng chiêng, thi trang phục truyền thống và cách điệu theo hiện đại… Ngoài ra, cộng đồng người Lạch cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi phác họa lại các hoạt động lao động sản xuất truyền thống như: Đan cói, đan gùi, giã gạo, bắt cá… trong các dịp lễ hội tại địa phương.
Đặc biệt, cộng đồng người Lạch dưới chân núi Lang Biang đã đưa văn hóa truyền thống của mình vào khai thác du lịch, không những góp phần nâng cao đời sống của bà con mà còn bảo tồn và truyền bá văn hóa truyền thống người K’Ho tới du khách trong và ngoài nước qua hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có 12 nhóm đăng ký hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng, trong đó có 10 nhóm đang duy trì tốt việc tổ chức hoạt động phục vụ du khách hàng ngày.
Huyện Lạc Dương cũng đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Huyện đã hoàn thành xây dựng và bước đầu đưa vào hoạt động “Làng văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho” ở thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais. Đồng thời, đang triển khai xây dựng “Làng du lịch văn hóa cộng đồng” tại xã Đưng K’nớ. Bên cạnh đó, chỉ đạo sưu tầm vật dụng trong lao động sản xuất để trưng bày, cũng như nghiên cứu phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống như: lễ cưới, hỏi của người K’Ho, tổ chức đua ngựa không yên và tiếp tục nghiên cứu sưu tầm, phục dựng Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội đâm trâu… phục vụ du khách, nhất là trong các dịp lễ hội.
(Theo TUẤN HƯƠNG/baolamdong.vn)