NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Nỗ lực hạn chế rác thải nông nghiệp tại hồ Đan Kia In trang
27/05/2025 07:58 SA

Trước thực trạng nguồn rác thải nông nghiệp, đặc biệt là bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra ngoài môi trường nước ngày một phức tạp tại huyện Lạc Dương, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương, cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai một số giải pháp khắc phục.

Rác thải nông nghiệp dạt vào bờ hồ Đan Kia. Ảnh chụp tháng 3/2025
Rác thải nông nghiệp dạt vào bờ hồ Đan Kia. Ảnh chụp tháng 3/2025

KHOẢNG 7-8 TẤN BAO BÌ THUỐC BVTV THẢI RA MÔI TRƯỜNG MỖI NĂM

Huyện Lạc Dương là một huyện miền núi, có tổng diện tích tự nhiên 131.393 ha, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12.762 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 4.640 ha và đất trồng cây lâu năm 8.122 ha.

Theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngành nông nghiệp được chú trọng và cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dần từ trồng cây lâu năm sang trồng cây hàng năm (rau, hoa, dâu tây...). Do đó nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ cho nông nghiệp cũng ngày càng tăng lên, ước tính mỗi năm toàn huyện Lạc Dương sử dụng khoảng 70 - 80 tấn/năm thuốc bảo vệ thực vật trên các loại cây chính như rau, hoa, dâu tây, cà phê... Theo tính toán lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra ngoài môi trường khoảng 7 - 8 tấn/năm.

Thuốc bảo vệ thực vật và bao bì thuốc BVTV là chất độc hại theo quy định cần phải được thu gom, tiêu hủy tại các đơn vị có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại. Mặc dù hiện nay tại huyện Lạc Dương việc thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên do ý thức của người dân chưa cao nên việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được người dân thu gom và tiêu hủy cùng rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp, đốt chưa đúng quy định gây ra ô nhiễm môi trường.

Mỗi năm có 7 - 8 tấn chai lọ, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường
Mỗi năm có 7 - 8 tấn chai lọ, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường

Mặt khác, huyện Lạc Dương có hồ Đan Kia với diện tích 356,56 ha nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, ngoài việc phục vụ cho hoạt động thủy điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ Đan Kia còn là hồ chứa nước phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt của người dân TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương.

Những năm gần đây, sự dịch chuyển cơ cấu cây trồng từ cà phê chuyển dần sang rau, hoa... việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng và ý thức của người dân chưa cao trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng dẫn đến rác thải phát sinh ra ngoài môi trường và theo các dòng chảy đổ về hồ Đan Kia làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Nguồn rác thải trên phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp từ các hộ dân khu vực Đan Kia không chỉ thuộc thị trấn Lạc Dương (khoảng 1.300 ha) mà còn một bộ phận nhân dân sản xuất nông nghiệp tại Phường 7 và Phường 8 (TP Đà Lạt) vào khoảng 330 ha đất cây trồng hàng năm. Do đó, quá trình canh tác nông nghiệp đã phát sinh một lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ra hồ Đan Kia nếu không được các hộ dân thu gom, bỏ đúng nơi quy định.

Chính vì vậy, UBND huyện Lạc Dương xác định, việc thu gom, xử lý rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại khu vực hồ Đan Kia có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt của người dân nói riêng.

Ý thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường còn hạn chế nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV dẫn đến nhiều bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn còn vứt trên đồng ruộng, ao hồ
Ý thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường còn hạn chế nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV dẫn đến nhiều bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn còn vứt trên đồng ruộng, ao hồ

Tuy nhiên, thực tiễn việc đảm bảo môi trường từ việc xử lý rác thải nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, theo nhận định từ UBND huyện Lạc Dương, ý thức và nhận thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động vẫn còn hạn chế, chủ quan nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV dẫn đến nhiều bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn còn vứt trên đồng ruộng, nương rẫy.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư, chi cho sự nghiệp môi trường nhìn chung còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và thu gom xử lý rác thải nói riêng của địa phương, đặc biệt rác thải là bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng.

Nguồn kinh phí thu tiền rác từ người dân hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động thu gom và xử lý lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện nên hàng năm UBND huyện phải cấp từ ngân sách để phục vụ cho hoạt động vệ sinh môi trường. Hiện chưa có quy định về việc thu phí đối với lượng rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, do vậy hàng năm Lạc Dương phải cấp kinh phí cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng để thuê đơn vị có chức năng xử lý lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom.

NỖ LỰC THU GOM RÁC THẢI NHƯNG CHƯA THỂ TRIỆT ĐỂ

Theo ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, sau khi Báo Lâm Đồng Online đăng bài “Rác bủa vây hồ Đan Kia - Suối Vàng, đe dọa chất lượng nguồn cung cấp nước sinh hoạt” ngày 5/5, các đơn vị chức năng địa phương đã kiểm tra và xử lý khẩn trương.

Cụ thể, ngay khi nhận được thông tin phản ánh từ phương tiện truyền thông địa phương, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện cùng Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng tiến hành kiểm tra thực tế tại hồ Đan Kia.

Người dân thu gom chai lọ, bao bì thuốc BTVT trôi dạt trên hồ Đan Kia
Người dân thu gom chai lọ, bao bì thuốc BTVT trôi dạt trên hồ Đan Kia

Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận khu vực lòng hồ và xung quanh hồ Đan Kia có một lượng rác thải (bao gồm rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp). Nguồn rác trên phát sinh do thời gian vừa qua trên địa bàn huyện và TP Đà Lạt có một số trận mưa lớn nên có một lượng rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân không được bỏ đúng nơi quy định mà để tại bờ ruộng, bờ suối đã theo nguồn nước mưa trôi về hồ Đan Kia gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của hồ.

Để thực hiện việc thu gom và xử lý lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu vực hồ Đan Kia, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư và khai thác công trình công cộng huyện thực hiện việc thu gom thường xuyên thời gian qua.

Thống kê trong năm 2024, địa phương đã thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về bãi rác của Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh tại TP Đà Lạt để thuê xử lý theo quy định 5.141 tấn, chiếm tỷ lệ 95% lượng rác phát sinh (5.412 tấn). Ngoài ra, 4 tháng đầu năm 2025, đã thực hiện thu gom 1.554 tấn chiếm khoảng 95% lượng rác thải phát sinh (1.636 tấn).

Quá trình canh tác nông nghiệp đã phát sinh một lượng lớn bao bì, vỏ thuốc BVTV sau sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường
Quá trình canh tác nông nghiệp đã phát sinh một lượng lớn bao bì, vỏ thuốc BVTV sau sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường

Cũng trong năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện đã thuê Công ty TNHH TM và XD An Sinh thực hiện việc thu gom, vận chuyển và đem đi xử lý theo quy định về chất thải nguy hại với khối lượng 1,15 tấn (chiếm khoảng 45% lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn thị trấn) với chi phí xử lý là 96,6 triệu đồng.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện đang xây dựng kế hoạch để tổ chức thu gom lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn từ đầu năm 2025 đến nay.

Đối với việc lưu chứa lượng bao bì thuốc BVTV phát sinh sau sử dụng, hiện nay trên địa bàn thị trấn đã lắp đặt được 235 thùng chứa, bể chứa. Trong tháng 5/2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện sẽ lắp đặt thêm 30 thùng chứa tại khu vực quanh hồ Đan Kia để người dân bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng ngày.

Riêng đối với lượng rác phát sinh trong lòng hồ Đan Kia, trong năm 2024 Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện việc thu gom 475 tấn với chi phí xử lý 477 triệu đồng và 4 tháng đầu năm 2025 đã thu gom được 175 tấn.

Hiện nay trên địa bàn thị trấn Lạc Dương đã lắp đặt được 235 thùng chứa, bể chứa. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục lắp đặt 30 thùng, bể chứa quanh hồ Đan Kia

Trên địa bàn thị trấn Lạc Dương đã lắp đặt được 235 thùng chứa, bể chứa
Trên địa bàn thị trấn Lạc Dương đã lắp đặt được 235 thùng chứa, bể chứa

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia, địa phương cũng như thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Trong quá trình kiểm tra, UBND huyện đã phát hiện và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai (4 trường hợp san ủi đất không phép, 3 trường hợp lấn chiếm đất) với tổng số tiền là trên 165 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai nêu trên nằm ngoài phạm vi hồ chứa nước Đan Kia nhưng có nguy cơ đe dọa đến chất lượng nguồn nước hồ và diện tích của hồ.

ÁP DỤNG CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Để khắc phục tình trạng rác thải ứ đọng tại hồ Đan Kia, bao gồm rác sinh hoạt và rác thải nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, được sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo UBND tỉnh trong buổi làm việc với địa phương vừa qua, trong thời gian tới, UBND huyện Lạc Dương tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Theo ông Lê Chí Quang Minh, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng phân bón, hóa chất BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách, an toàn và hiệu quả, áp dụng các mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu các loại rác thải.

Hồ Đan Kia với diện tích 356,56 ha nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, ngoài việc phục vụ cho hoạt động thủy điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ Đan Kia còn là hồ chứa nước phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt của người dân TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương
Hồ Đan Kia với diện tích 356,56 ha nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, ngoài việc phục vụ cho hoạt động thủy điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ Đan Kia còn là hồ chứa nước phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt của người dân TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương

Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra kết hợp với sử dụng thông tin phản ánh hiện trường IOC để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng, lấn chiếm đất, khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ cũng như diện tích của mặt hồ Đan Kia, các trường hợp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nguồn nước hồ Đan Kia.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng trong việc trao đổi thông tin tình hình rác thải trên mặt hồ để kịp thời thu, gom, xử lý đảm bảo cảnh quan, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

Tổ chức rà soát, lắp đặt bổ sung thùng chứa ở những nơi phù hợp nhằm đảm bảo cho việc bỏ rác thải sinh hoạt và rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng của người dân. Hàng quý thuê đơn vị có chức năng thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định về chất thải nguy hại tại các khu vực đã lắp đặt thùng chứa trên địa bàn huyện.

Để không còn tình trạng rác thải nông nghiệp tràn về lòng hồ Đan Kia mỗi trận mưa lớn, thời gian tới rất cần sự chung tay nâng cao ý thức của người dân canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xả rác không đúng quy định của cơ quan chức năng cần thường xuyên, liên tục,..
Để không còn tình trạng rác thải nông nghiệp tràn về lòng hồ Đan Kia mỗi trận mưa lớn, thời gian tới rất cần sự chung tay nâng cao ý thức của người dân canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xả rác không đúng quy định của cơ quan chức năng cần thường xuyên, liên tục,..

Trong đó, các đơn vị chức năng địa phương sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về: lấn chiếm, san gạt đất, xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm dòng chảy, hành lang bảo vệ suối khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng theo quy định. Tổ chức ký cam kết không vi phạm các nội dung về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, bỏ rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào đúng nơi quy định đối với hộ gia đình, người dân sinh sống quanh khu vực hồ và các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xung quanh hồ.

(Theo CHÍNH THÀNH/baolamdong.vn)

Lượt xem: 89
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 008114887
  •  Đang online: 178
  •  Trong tuần: 19.254
  •  Trong tháng: 10.671
  •  Trong năm: 1.794.800