(LĐ online) - Bằng nhiều giải pháp thiết thực, thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong toàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Qua đó nâng cao quyền năng kinh tế giúp phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế trong gia đình, cộng đồng và xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới.
Hội LHPN huyện Lạc Dương ra mắt các mô hình triển khai Dự án 8
• XÂY DỰNG, NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH THAY ĐỔI “NẾP NGHĨ, CÁCH LÀM”
Hội LHPN huyện Lạc Dương có trên 80% hội viên là người DTTS, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trước đây, đa số sản xuất theo tập quán canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Chị Trần Thị Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho hay, trước thực trạng trên, Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế; đồng thời, có nhiều hình thức hỗ trợ đầu tư sinh kế cho hội viên DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, Hội đầu tư hỗ trợ vốn đối ứng xây dựng các tổ hợp tác (THT), mô hình liên kết sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, đề xuất các nguồn vốn đối ứng từ chương trình mục tiêu quốc gia, tín chấp cho hội viên các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình giúp hội viên DTTS có sinh kế tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Trong đó, Hội đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng “THT sản xuất theo chuỗi giá trị cây atisô” tại xã Đạ Sar với 63 hộ tham gia. Hiệu quả mang lại nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm/hộ gia đình; đến nay đã nhân rộng lên 96 hộ với diện tích trồng gần 10ha. Cùng với đó, Hội đã xây dựng các mô hình: Trồng khoai môn tại xã Đưng K’nớ; Trồng khoai lang Nhật tại xã Đạ Chais; hỗ trợ phụ nữ DTTS tại xã Lát vốn mua giống chăn nuôi heo đen; hỗ trợ phụ nữ DTTS xã Đưng K’nớ vay vốn khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm… Các mô hình đã thu hút nhiều hội viên phụ nữ DTTS tham gia, qua đó giúp hội viên có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững; đặc biệt, khơi dậy ý chí chủ động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên của hội viên DTTS trong việc phát triển kinh tế gia đình.
Tương tự, Hội LHPN xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) với chủ yếu hội viên là người DTTS, bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực, Hội đã hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế, THT, HTX của phụ nữ DTTS tại các thôn đặc biệt khó khăn. Theo chị Ka Nhộp - Chủ tịch Hội LHPN xã, bên cạnh tận dụng các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và các chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững được quan tâm triển khai. Cùng với đó, Hội LHPN xã thường xuyên phối hợp, tham gia các hội nghị đối thoại chính sách với lãnh đạo Đảng, chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội, các phòng, ban của huyện về giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ vốn vay cho hội viên đồng bào DTTS… Hội đã vận động hội viên phụ nữ DTTS tham gia các mô hình sinh kế, THT làm mi giả, đan lát mây tre nứa truyền thống, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm; tổ liên kết đan, móc túi xách, làm hoa giấy… giúp chị em có thêm thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
• HỖ TRỢ PHỤ NỮ NÂNG CAO QUYỀN NĂNG KINH TẾ
Bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng HTX, THT, mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, từ năm 2017, Hội LHPN các cấp tích cực triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, qua đó đã hỗ trợ gần 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số vốn trên 2,8 tỷ đồng; phối hợp, hỗ trợ thành lập 10 HTX, 47 THT và 26 tổ liên kết do phụ nữ làm quản lý; trao 223 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 1 tỷ đồng.
Cùng với đó, Hội LHPN các huyện, thành phố còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 20.000 hội viên phụ nữ với các nghề đan lát, móc len, may công nghiệp, cắt tóc, trang điểm, cạo mủ cao su…
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 103/KH-BTV ngày 25/4/2023 về triển khai một số hoạt động Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023. Qua đó nhằm thúc đẩy hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần để hội viên phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận được công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cải thiện đời sống, thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.
VIỆT HÙNG