(LĐ online) - Điểm mới nổi bật của Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ là việc tăng đáng kể mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm phổ biến, đặc biệt là những hành vi gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng... Không chỉ mức phạt tăng, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Nút giao Kim Cúc, Phường 3, TP Đà Lạt
• MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NGHỊ ĐỊNH 168
Tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng. Theo đó, các hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ bị phạt tiền với mức cao hơn nhiều so với trước đây. Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe. Khi số điểm bị trừ đạt mức quy định, giấy phép lái xe sẽ bị tước. Nghị định cũng mở rộng, không chỉ áp dụng đối với ô tô mà còn bao gồm xe máy, xe đạp điện và các loại phương tiện giao thông khác.
Cụ thể, đối với ô tô, một số hành vi bị tăng mức xử phạt từ ngày 1/1/2025: Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn, gây tai nạn giao thông bị phạt 20 - 22 triệu đồng, mức phạt cũ là 400.000 - 600.000 đồng. Với hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, người vi phạm bị phạt 18 - 20 triệu đồng, mức phạt cũ là 4 - 6 triệu đồng. Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, mức phạt mới là 18 - 20 triệu đồng.
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt đối với người điều khiển ô tô tăng lên 18 - 20 triệu đồng. Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ, mức phạt cũ là 4 - 6 triệu đồng, mức phạt mới tăng lên 35 - 37 triệu đồng.
• PHẢN ỨNG TÍCH CỰC TỪ CỘNG ĐỒNG
Sau một tuần Nghị định có hiệu lực, phóng viên ghi nhận được sự thay đổi tích cực trong ý thức của người tham gia giao thông. Tại nhiều tuyến đường, tình hình giao thông đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là tại các nút giao thông có lắp đặt đèn tín hiệu. Người dân tỏ ra đồng tình với việc tăng mức phạt, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để răn đe những người vi phạm pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Vinh Hạnh, một người dân tại Đà Lạt chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông. Trước đây, nhiều người vẫn coi thường Luật Giao thông, nhưng giờ đây, với mức phạt cao như vậy, chắc chắn họ lái xe ra đường, không kể xe máy hay ô tô thì đều sẽ phải suy nghĩ lại”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Minh (Bảo Lộc) thì chia sẻ: Trước đây khi chưa có Nghị định 100, người dân ra đường uống rượu, bia vẫn cứ vô tư lái xe và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển say xỉn gây ra. Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, tình trạng này đến nay đã giảm hẳn, người dân ý thức hơn trong việc sử dụng chất có cồn, chất kích thích thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Tương tự như vậy, Nghị định 168 với mức xử phạt rất cao sẽ buộc người dân phải quan tâm, học và tìm hiểu kỹ hơn về Luật Giao thông đường bộ, và ý thức hơn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần vào việc xây dựng giao thông thân thiện, an toàn, văn minh.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, văn minh. Với những quy định chặt chẽ và mức xử phạt nghiêm khắc, Nghị định này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đồng thời cải thiện hạ tầng giao thông.
NGUYỄN NGHĨA