(LĐ online) - Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã gần kề, lợi dụng bà con nông dân có nhu cầu trao đổi, tìm kiếm nơi tiêu thụ rau, hoa tăng cao nên một số đối tượng sử dụng chiêu trò để chiếm đoạt tài sản, nên người bán cần hết sức cảnh giác.
Nông dân cần cẩn trọng kiểm tra, nắm rõ thông tin thương lái trước khi giao dịch để giảm bớt rủi ro
Theo phản ánh của bà con nông dân tại huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt..., thời gian qua, một số bà con nông dân gặp tình trạng người thu mua nông sản “bất tín”, cắt đứt liên lạc, không trả lại tiền sau khi đã nhận hàng theo thỏa thuận miệng. Chiêu trò của các đối tượng là lợi dụng những tháng cuối năm, người dân cần tìm thương lái mua nông sản nên đã tăng cường tiếp cận các nhà vườn. Đôi bên “thuận mua vừa bán” theo hình thức đặt cọc cho nhà vườn để nhận hàng bán và trả tiền sau (tuỳ theo giá bán thị trường sau khi bán hàng xong) và chỉ làm tin bằng sự tin tưởng, cam kết miệng với nhau. Đây là hình thức giao dịch mua bán nông sản khá phổ biến đối với người trồng hoa và nông sản nói chung trên địa bàn tỉnh nhưng khi xảy ra tranh chấp đã tiềm ẩn một số rủi ro về mặt pháp lý.Tại thôn Krăng Gọ 2, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương có khoảng 20 hộ dân làm nghề trồng hoa cúc chậu Tết nhưng năm nào cũng có một số trường hợp bị mất tiền bán hoa. Ông Phạm Văn Tuấn (70 tuổi, ngụ thôn Krăng Gọ 2) cho biết, năm nay gia đình ông trồng 10.000 chậu hoa cúc Tết. Cách đây khoảng 1 tuần, nhiều thương lái đã đến dạo các vườn để chọn hoa, đặt cọc tiền. Nhiều nhà vườn có hoa đẹp đã được thương lái đặt cọc hết.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vụ hoa vừa qua, ông bị một thương lái lừa mất 40 triệu đồng. Thương lái này nhận mua hoa của ông với giá tốt nhưng theo hình thức nhận bán hoa và trả tiền sau; khi ông liên hệ lại để lấy tiền thì không liên lạc được. “Năm nay, tôi rút kinh nghiệm kiểm tra và chọn thương lái uy tín mua hàng bởi các năm trước gia đình tôi đã nhiều lần bị một số đối tượng nhận hoa cúc bán theo giá thị trường nhưng không trả tiền”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài việc đặt cọc nhận bán rau, hoa trả tiền sau theo thỏa thuận nhưng sau đó cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt tiền của người dân, các đối tượng còn sử dụng chiêu trò giả mạo là chủ vườn và người trung gian (“cò”) lừa bán các vườn rau “ma” cho các thương lái làm nghề mua bán nông sản chân chính. Ban đầu, đối tượng “cò” sẽ chủ động liên hệ với các thương lái để đặt vấn đề muốn bán một vườn rau, đối tượng nói rằng vườn rau này đã được đối tượng mua của chủ vườn. Khi có thương lái muốn mua thì sẽ có đối tượng khác đóng vai là chủ vườn để liên hệ và dẫn nạn nhân đi xem vườn rau. Do tin tưởng vào vở kịch mà các đối tượng đã dàn dựng nên một số nạn nhân đã chuyển tiền mua nông sản cho đối tượng lừa đảo. Sau đó, đối tượng sẽ cắt liên lạc và bỏ trốn để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Theo Công an huyện Đơn Dương, với phương thức thủ đoạn như trên, vào tháng 4/2024, đối tượng Ngô Trọng Trí (40 tuổi, ngụ xã Tu Tra) đã lừa bán cho bà Đ.T. D (52 tuổi, ngụ xã Ka Đô) một vườn rau sú và chiếm đoạt số tiền 50 triệu đồng. Còn gần đây nhất ngày 30/12/2024, Công an huyện Đơn Dương đã bắt giữ Hồ Viết Cát (40 tuổi, thường trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) và Trần Hữu Trang (38 tuổi, ngụ huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) về hành vi chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan Công an, Cát và Trang khai nhận do biết được sự chủ quan của các thương lái trong việc mua bán rau, Cát đã liên hệ với bà V.T.T.H (41 tuổi, trú tại xã Lạc Lâm) là thương lái buôn bán rau sú (bắp cải) để đặt vấn đề bán một vườn rau sú mà Cát đã mua. Sau đó, Cát nhờ Trang đóng giả là chủ vườn và nói dối với bà H. là Trang đã bán vườn rau này cho Cát. Cát, Trang còn dẫn bà H. đi xem vườn rau. Do tin tưởng nên bà H đã chuyển cho Cát, Trang 32 triệu đồng và bị các đối tượng này chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
Còn tại TP Đà Lạt, theo ghi nhận trên các trang mạng xã hội những ngày cuối năm, khá nhiều trường hợp người dân trồng hoa liên tục phản ánh bị một số thương lái mua hoa cúc, hoa lily, đồng tiền,... theo hình thức bán hàng trước, trả tiền sau nhưng sau đó cắt liên lạc hoặc thông báo hàng không bán được, bán được với giá thấp để chiếm đoạt tiền của người dân.
Trước tình hình như trên, cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo bà con Nhân dân, kể cả các thương lái mua bán rau, hoa chân chính cần đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động kiểm tra kỹ nguồn gốc các vườn rau, nắm rõ thông tin của người bán, người mua và cẩn trọng khi thực hiện giao dịch. Trường hợp đã bị các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì kịp thời đến cơ quan Công an địa phương nơi cư trú trình báo để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
CHÍNH THÀNH