(LĐ online) - Sự bùng nổ của mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm pháp. Mới đây, tại Lâm Đồng nhiều nạn nhân đã bị sập bẫy bởi các chiêu trò lừa đảo của tội phạm này, điều đáng nói thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng không mới, song nhiều người vẫn bị mắc bẫy.
Công an tỉnh Lâm Đồng liên tục phát đi các khuyến cáo cảnh giác với muôn kiểu lừa đảo thời số hóa
Gần đây, một số cơ quan, ban, ngành liên tục nhận được phản ánh về việc bị một số Fanpage, tài khoản mạng xã hội mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua việc tuyển nhân sự. Đáng chú ý, các đối tượng sử dụng chữ ký, hình ảnh, thông tin các cơ quan, tổ chức để tạo sự tin cậy và yêu cầu các ứng viên phải cung cấp thông tin cá nhân như: họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng nhằm trao đổi thông tin và nộp một khoản phí ứng tuyển. Tại tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận trường hợp giả mạo Công ty Bảo Việt Nhân thọ Lâm Đồng. Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng nền tảng zalo để kết bạn, tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Bảo Việt Nhân thọ Lâm Đồng kèm theo thông tin người đại diện, mã số thuế của công ty để đưa ra thông báo tuyển dụng. Sau khi tiếp cận ứng viên, đối tượng sẽ trao đổi, gửi yêu cầu tham gia nhóm chat trên ứng dụng Telegram để các ứng viên thực hiện cung cấp thông tin theo hướng dẫn. Qua ghi nhận, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Lâm Đồng khẳng định không có cán bộ nhân viên như trên và không sử dụng ứng dụng Telegram vào việc tuyển dụng nhân sự cũng như không bao giờ yêu cầu ứng viên phải đóng phí đăng ký. Đồng thời, hành động này là hành vi lừa đảo, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, lãnh đạo, thương hiệu của công ty.
.
Hay từ tháng 6/2023, một số cán bộ và người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhận được cuộc gọi từ các số thuê bao 0859.137.545, 0913.346.562, 0816.952.206, 0338.195.118, tự xưng là Phạm Văn Bình, chức vụ: Trưởng phòng hoặc Trung úy Hoàng Minh Phú, chức vụ: Cán bộ - hiện đang công tác tại Phòng An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng, sử dụng số điện thoại của đơn vị để tiện cho việc ghi âm. Nội dung cuộc gọi khẳng định người dân đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đối tượng yêu cầu người dân trong vòng 2 giờ phải mang theo giấy tờ tùy thân và sim điện thoại đến trụ sở Phòng An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng để trực tiếp giải quyết vụ việc. Phòng An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát đi thông báo khẳng định thông tin sai sự thật. Kẻ xấu thực hiện cuộc gọi nhằm mục đích gây tâm lý hoang mang cho người dân nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Phòng An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ, không cung cấp thông tin cá nhân hay làm theo bất kỳ hướng dẫn gì từ các cuộc gọi giả danh cơ quan thực thi pháp luật. Khi cần giải quyết công việc với người dân, các cơ quan sẽ tiến hành gửi giấy mời làm việc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Người dân bình tĩnh để tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi như hiện nay, Phòng An ninh mạng & Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến nghị người dân đề cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, các tài khoản mạng xã hội tự xưng là nhân viên các công ty thông báo tuyển dụng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển khoản, nộp phí vào các tài khoản cá nhân. Để tránh bị “sập bẫy”, người dân nên kiểm tra kỹ tư cách pháp nhân, địa chỉ kèm các thông tin liên quan của bên tuyển dụng. Đồng thời, khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu, đặc biệt không chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của người lạ, nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Ông Huỳnh Minh Hải- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Việc phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội bền vững. Ðây là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.
Ðể ngăn chặn loại tội phạm này, các lực lượng chức năng đã và đang quyết liệt công tác đấu tranh, phòng ngừa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” kẻ xấu. Trong đó, cần trang bị 3 kỹ năng cơ bản, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Ðó là: hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, trừ khi biết chắc thông tin được sử dụng có kiểm soát, chỉ cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức tin tưởng; sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tài khoản trên mạng; chủ động nâng cao kiến thức bảo mật, cập nhật tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật, học cách phòng ngừa, sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và chống đánh cắp thông tin.
DIỄM THƯƠNG