Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình hình tiêu thụ atisô đã liên kết với Công ty Cổ phần Dược liệu Lardopha Lâm Đồng của nông dân gặp khó khăn. Vì vậy, UBND huyện Lạc Dương đã cùng với người dân và Công ty thống nhất nhiều nội dung trong việc liên kết tiêu thụ nông sản này.
Atisô của người dân có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng khiến Công ty phải ngưng thu mua
Tạm ngưng thu mua
Các hộ dân - đa số là đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương thoát nghèo từ việc liên kết trồng atisô với Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar Lâm Đồng (Cty Ladophar) trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây Công ty tạm ngưng thu mua làm cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Liêng Jrang Ha Tâm, xã Đạ Sar cho biết, gia đình ông bắt đầu hợp tác trồng atisô với Cty Ladophar từ tháng 9/2018 đến nay. Với diện tích 0,3 ha trồng atisô, sau 4 tháng cây đã bắt đầu cho thu hoạch lá, thân và rễ. Với diện tích này, mỗi tháng trừ chi phí gia đình thu nhập khoảng 10 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập đáng kể để chờ cuối năm thu cà phê. Thế nhưng, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra, Công ty ngừng thu mua khiến nông dân gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Gia đình ông Cil Đoan, xã Lát cũng trong hoàn cảnh tương tự, Công ty lấy lý do là do tình hình dịch bệnh nên sức tiêu thụ kém và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong atisô của người dân trồng vượt ngưỡng, vì vậy gia đình đành phải chặt bỏ 0,2 ha atisô.
Ông Liêng Jrang Ha Roky, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar chia sẻ, trong khi cây cà phê bị dịch bệnh nên giá trị kinh tế không còn cao nữa thì hướng đi phát triển dược liệu đang mở ra triển vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Hiện tại, trên địa bàn xã có 25 hộ dân đã chuyển đổi trồng atisô với diện tích 11 ha. Tuy nhiên, trong 2 tháng là tháng 4 và tháng 5, Công ty ngưng thu mua atisô khiến nông dân trên địa bàn xã rất hoang mang. Xã đã kịp thời báo cáo lên UBND huyện để có hướng xem xét giải quyết.
Qua trao đổi, bà Huỳnh Lê Thục Cơ, Giám đốc vùng nguyên liệu Cty Ladophar cho biết, Công ty đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng nhà máy đông dược đạt chuẩn GMP - WHO để sản xuất cao khô atisô nguyên liệu và mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt về dư lượng thuốc BVTV trong dược liệu, một số diện tích của người dân có tồn dư lượng thuốc BVTV nên Công ty tạm ngưng thu mua, chờ lứa sau.
Tháo gỡ nhiều khúc mắc
Để tìm ra câu trả lời thỏa đáng giữa các bên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạc Dương đã tiến hành text thử mẫu độc lập, kết quả cho thấy một số mẫu atisô của người dân có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng.
Theo giải thích của người dân là bắt đầu giao thoa giữa mùa khô và mưa, tình hình dịch bệnh trên cây atisô nhiều nên họ có phun một số thuốc không được phép sử dụng trên cây dược liệu.
Sau khi các bên làm việc, đã thống nhất các nội dung phải cùng nhau thực hiện liên kết trồng và tiêu thụ atisô bền vững. Qua đó, đại diện Công ty Ladophar cho biết, Công ty sẽ hoàn thiện ngay hợp đồng ký kết với người dân về việc liên kết trồng, thu mua cây atisô (có chứng thực của UBND xã). Cung cấp các danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất cây atisô cho người dân. Đồng thời, cũng sẽ cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn người dân chăm sóc theo đúng quy trình, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng. Định kỳ hàng tháng có báo cáo kết quả thực hiện cho UBND xã biết để phối hợp thực hiện.
Về phía các xã có diện tích trồng atisô, tiến hành cử cán bộ để phối hợp với Công ty theo dõi, hướng dẫn cho người dân chăm sóc; còn người dân cần phải thực hiện đúng các quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của Công ty, thường xuyên thông tin tình hình sản xuất cho cán bộ kỹ thuật của Công ty và cán bộ khuyến nông của xã biết để kịp thời hướng dẫn thực hiện.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 27,31 ha atisô của 184 hộ dân, tập trung chủ yếu ở các xã Đa Sar, Đa Nhim, xã Lát. Để phát triển diện tích cây dược liệu mới này, huyện đã khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ này khi tham gia trồng dược liệu. Vấn đề khúc mắc giữa các bên huyện đã đứng ra giải quyết. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, giúp đỡ công ty, chính quyền địa phương và người dân trong việc triển khai chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu của tỉnh Lâm Đồng.
HOÀNG YÊN
Nguồn: baolamdong.vn