Sau khi đi kiểm tra hiện trường một số vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn huyện vào ngày 09/11/2020, sáng ngày 11/11/2020, đồng chí Phạm Triều - TUV, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương đã có buổi làm việc với với một số cơ quan, đơn vị, địa phương về tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương 10 tháng đầu năm 2020.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Chí Quang Minh - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng HĐND và UBND huyện, Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim, Ban Quản lý rừng Tà Nung, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; đại diện lãnh đạo UBND các xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais và thị trấn Lạc Dương.
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 11/4/2016 của Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện” và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác QLBVR; trong những tháng đầu năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác QLBVR và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 20%); số vụ vi phạm xác định được đối tượng vi phạm đạt trên 90%; tiếp tục thực hiện tốt chính sách giao khoán QLBVR, chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao đời sống, đem lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân tại địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là các vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng xảy ra tại các tiểu khu 145A, 145B, 112B, 118, 143, 132 và vụ việc san ủi đất trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 113 nhưng chưa được các đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng và chính quyền cấp xã kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra QLBVR giữa các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả; một số công chức, viên chức chưa làm hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm được giao.
Đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm báo cáo tại buổi làm việc
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2020, trên địa bàn huyện Lạc Dương xảy ra 13 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 04 vụ vi phạm có tính chất nội cộm, cụ thể:
- Vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra ngày 06/10/2020 tại lô a, khoảnh 1, tiểu khu 13 xã Đạ Sar trên lâm phần do Công ty TNHH Thủy diện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý làm thiệt hại 06 cây thông ba lá có khối lượng 13,61 m3 gỗ tròn; cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản đối với đối tượng Kon Sa Ha Hôn - sinh năm 1970, cư trú tại thôn Đạ Tro, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương.
- Vụ phá rừng thứ 2 xảy ra ngày 15/10/2020 tại lô b, khoảnh 3, tiểu khu 143 xã Đạ Sar trên lâm phần do Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim quản lý làm thiệt hại 59 cây thông ba lá có khối lượng 25,83 m3 gỗ tròn với diện tích rừng bị tác động là 990 m2. UBND huyện Lạc Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật đối với đối tượng Hoàng Văn Quân - sinh năm 1994, cư trú tại tổ Thái An, Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt.
- Vụ phá rừng thứ 3 xảy ra xảy ra tại tiểu khu 132 xã Đạ Sar trên lâm phần do Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim, Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý, trong đó: Tại vị trí thuộc lô b, khoảnh 2, tiểu khu 132 trên lâm phần do Ban quản lý rừng PHĐN Đa Nhim quản lý, lâm sản thiệt hại là 38 cây thông ba lá có khối lượng 67,65 m3 gỗ tròn, trên diện tích rừng bị tác động là 1.200 m2; tại vị trí thuộc khoảnh 1, tiểu khu 132 trên lâm phần do Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý, lâm sản thiệt hại là 56 cây thông ba lá và 01 cây dẻ có tổng khối lượng 73,51 m3 gỗ tròn, trên diện tích rừng bị tác động là 5.563 m2 (nằm rải rác ở 05 địa điểm khác nhau). Cả 02 vị trí phá rừng nêu trên đều nằm sâu tong rừng (điểm cuối cùng trong ranh dự án của Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng, tiếp giáp với lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng PHĐN Đa Nhim) và cách khá xa khu dân cư (gần 10 km). Tại thời điểm kiểm tra vẫn chưa xác định đối tượng và thời gian vi phạm.
- Vụ phá rừng thứ 4 xảy ra tại tiểu khu 118 xã Đạ Sar trên lâm phần do Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim quản lý. Vụ việc đã xảy ra trong nhiều năm, từ giai đoạn giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 1 và thôn 4 xã Đạ Sar quản lý (từ năm 2010 đến tháng 6/2013) và sau khi bàn giao lại cho Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim quản lý (từ tháng 7/2013 đến nay). Với thủ đoạn “gặm nhấm” rừng diễn ra trong một thời gian dài, các đối tượng vi phạm đã gây thiệt hại về lâm sản là 479 cây thông ba lá có khối lượng 182,929 m3 gỗ tròn với diện tích rừng bị tác động là 3,393 ha. Riêng từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện phát hiện và lập 14 biên bản xử lý đối với 14 vụ.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép xảy ra tại địa phương trong thời gian gần đây, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện khẩn trương phối hợp điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan do để xảy ra các vụ phá rừng trái pháp luật trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời khôi phục lại diện tích rừng bị phá, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng PHĐN Đa Nhim tiến hành trồng lại rừng tại tiểu khu 118 xã Đạ Sar với tổng diện tích 5,9 ha.
Đồng chí Phạm Triều - TUV, Bí thư Huyện ủy chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện trong thời gian tới
Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện báo cáo và ý kiến của các thành phần tham dự buổi làm việc, phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Triều - TUV, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh quan điểm nhất quán của huyện là: Sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Bí thư Huyện ủy chỉ đạo lực lượng Công an, Kiểm lâm, Chủ rừng, UBND các xã tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm quy định về QLBVR. Từ nay đến cuối năm, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã vào cuộc để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm, thậm chí là không để xảy ra vi phạm.
Bí thư Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện tập trung lực lượng, khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm có tính chất nổi cộm, phức tạp xảy ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đặc biệt là vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 132 xã Đạ Sar và vụ san ủi đất trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 113 thị trấn Lạc Dương. Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan do để xảy ra các vụ phá rừng, san ủi đất trái pháp luật nêu trên. Chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn Lạc Dương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng; thường xuyên nắm bắt tình hình, thông tin từ quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn ngặn ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tập trung huy động tối đa lực lượng tham gia QLBVR kể cả các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các dịp lễ, tết; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng, cơ quan, đơn vị chức năng của huyện để kịp thời phát hiện, ngăn ngặn, xử lý ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm; quản lý chặt chẽ các diện tích đất lâm nghiệp, đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp nhưng còn rừng và việc xây dựng nhà ở hoặc nhà tạm trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu các đơn vị chủ rừng và cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp, bố trí lực lượng hợp lý để tổ chức tuần tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn; đồng thời tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối với đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao và ngăn ngừa các tiêu cực phát sinh; tổ chức rà soát, giải tỏa đối với các diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để tiến hành trồng rừng, khôi phục rừng, kiên quyết không để cho đối tượng vi phạm canh tác, sử dụng, sang nhượng trái pháp luật trên diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Hạt Kiểm lâm huyện căn cứ các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy kiện toàn lại Ban Chỉ đạo giải quyết, xử lý những vấn đề cấp bách về rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLBVR trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Phạm Phương