NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Lòng tự trọng của cán bộ - Từ Quy định 41 đến Quy định 144-QĐ/TW In trang
24/05/2024 07:38 SA

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới nhấn mạnh tới tiêu chí "danh dự, lòng tự trọng". Quy định mới cũng gắn kết chặt chẽ với Quy định số 41-QĐ/TW bằng quan điểm có tính hệ thống: Cán bộ phải từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh minh họa)
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh minh họa)

KHÔNG PHẠM "ĐIỀU CẤM" KHI CÓ LÒNG TỰ TRỌNG

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa: Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình.

Lòng tự trọng có được từ sự rèn luyện của con người trong cả một quá trình, thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với công việc, gia đình và xã hội. Lòng tự trọng luôn song hành với tính trung thực - người biết tự trọng thì có tính trung thực, người trung thực thì có lòng tự trọng.

Một công dân bình thường cũng cần có lòng tự trọng. Cán bộ, đảng viên lại càng phải coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, vị trí càng quan trọng, trách nhiệm càng lớn thì lòng tự trọng càng cần được nêu cao. Lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên gắn liền với bản lĩnh chính trị và là một thành tố cấu thành đạo đức cách mạng.

Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.

Trong số này có những “điều cấm” mà một đảng viên sẽ không phạm phải nếu có lòng tự trọng, sự trung thực, chưa cần đến ý thức chính trị và tầm hiểu biết cần thiết: Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh (Điều 3); viết bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến cải chính theo quy định (Điều 5); tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt, trả thù người khiếu nại, tố cáo (Điều 6); kê khai lý lịch, tài sản, thu nhập không trung thực, sử dụng văn bằng giả (Điều 9); thực hiện không đúng quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng nhà, đất, tài sản của Đảng, Nhà nước (Điều 10); vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật (Điều 11); tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ (Điều 14)…

Ngược lại, người thiếu lòng tự trọng, thiếu tính trung thực thì thường cơ hội, vụ lợi, không có ý thức phê bình và tự phê bình, trốn tránh trách nhiệm, tranh công - đổ lỗi, tham lam, vun vén cho bản thân, sẵn sàng chạy chức, chạy quyền, có chức vụ thì cao ngạo, chèn ép cấp dưới, nịnh bợ cấp trên…

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua có không ít đảng viên, cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, do không thường xuyên tu dưỡng đạo đức, đánh mất lòng tự trọng và tính trung thực để mắc những sai phạm nghiêm trọng, bị kỷ luật, bị xử lý hình sự, trong đó có tội tham nhũng, cố ý làm trái để trục lợi.

"TỰ LUI" KHI KHÔNG CÒN UY TÍN

Hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng để phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; luôn luôn tu dưỡng, nêu cao danh dự, lòng tự trọng, tính trung thực là đòi hỏi thường xuyên của Đảng đối với cán bộ, đảng viên.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”.

Mới đây nhất, ngày 9/5/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay được quy định tại Điều 1: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Điều 3 đề cập tới các tiêu chí trung thực, tự trọng, danh dự, phẩm giá: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng”.

Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 3 của Quy định số 144-QĐ/TW, lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên được nêu cao là nhằm để “bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng”.

Còn một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Trước đó, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Theo Quy định số 41-QĐ/TW, từ chức là việc "cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”. Căn cứ để xem xét việc từ chức là cán bộ có “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Như vậy, có thể nói rằng Quy định số 144-QĐ/TW là sự tiếp nối và hoàn thiện đối với Quy định số 41-QĐ/TW về quan điểm từ chức. Căn cứ vào quy định mới, các cán bộ dù ở địa phương hay Trung ương, ở cấp thấp hay cấp cao, đều phải có ý thức tự nguyện rời khỏi vị trí khi không còn đủ khả năng, uy tín, tạo thành “văn hóa từ chức”.

Đây là hành động cần thiết của những người có lòng tự trọng và cũng là giải pháp khả dĩ trong bối cảnh cụ thể để bảo toàn danh dự cho bản thân và tổ chức mà họ đang lãnh đạo./.

TRẦN QUANG VINH (TTXVN)

Nguồn: tuyengiao.vn/long-tu-trong-cua-can-bo-tu-quy-dinh-41-den-quy-dinh-144-qd-tw-154389

Lượt xem: 360
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006196287
  •  Đang online: 181
  •  Trong tuần: 6.613
  •  Trong tháng: 222.161
  •  Trong năm: 2.800.200