(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng Chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng năm 2023.
Trung tâm điều hành thông minh UBND tỉnh Lâm Đồng
Theo UBND tỉnh, việc đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện bằng phương pháp chấm điểm theo các chỉ số trong danh mục kèm theo Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng, cụ thể: Bộ chỉ số đánh giá DTI các sở, ban, ngành có Thủ tục hành chính bao gồm: 7 chỉ số chính; 42 chỉ số thành phần, thang điểm 1.000; Bộ chỉ số đánh giá DTI các sở, ban, ngành không có Thủ tục hành chính bao gồm: 7 chỉ số chính; 30 chỉ số thành phần, thang điểm 800; Bộ chỉ số DTI cấp huyện, thành phố bao gồm: 8 chỉ số chính; 72 chỉ số thành phần, thang điểm 900.
Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh bao gồm 2 nhóm với 6 chỉ số đánh giá chính. Trong đó, 6 chỉ số đánh giá chính được phân thành nhóm chỉ số chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 5 chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 2 chỉ số là hoạt động chính quyền số, hoạt động xã hội số. Thang điểm đánh giá đối với bộ chỉ số chuyển đổi số cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh là 1.000 điểm.
Trên cơ sở đó, 5 đơn vị cấp sở, ban, ngành xếp đầu cấp sở về Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số năm 2023 là: Ở top 5, đứng đầu là Sở Tài chính (914,31 điểm), tiếp đó là Công an tỉnh (913,89 điểm), Sở Giáo dục và Đào tạo (909,58 điểm), Văn phòng UBND tỉnh (896,94 điểm), Sở Thông tin và Truyền thông (892,89 điểm). 3 đơn vị có điểm thấp nhất trong tổng số 24 sở, ban, ngành là: Sở Tư pháp, Chi cục Hải quan Đà Lạt và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Điểm trung bình của khối các đơn vị này là 795,13 điểm, có 16 đơn vị trên điểm trung bình và 08 đơn vị dưới điểm trung bình. Đơn vị cao điểm nhất là Sở Tài chính với 914,31 điểm, đơn vị thấp điểm nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 430 điểm.
Xếp hạng chỉ số các sở, ngành không có thủ tục hành chính: Cục Thống kê tỉnh xếp thứ 1 với 685 điểm, tiếp đó là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch với 676,35 điểm, Đài Ohát thanh và Truyền hình Lâm Đồng thứ ba với 635,61 điểm. Thấp nhất ở nhóm này là Ban Quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm với 496,25 điểm. Điểm trung bình của khối các đơn vị này là 610,73 điểm, có 06 đơn vị trên điểm trung bình và 03 đơn vị dưới điểm trung bình. Đơn vị cao điểm nhất là Cục Thống kê với 685 điểm, đơn vị thấp điểm nhất là Ban quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm với 496,25 điểm.
Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cấp huyện bao gồm 2 nhóm với 8 chỉ số đánh giá chính. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 5 chỉ số chính là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng; nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số là hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Chuyển đổi số đi vào mọi mặt đời sống của người dân
Trên cơ sở đó, có 5 đơn vị cấp huyện xếp đầu chỉ số DTI năm 2023 là: TP Đà Lạt (725,57 điểm), huyện Đạ Tẻh (720,011 điểm), huyện Đam Rông (719,43 điểm), huyện Di Linh (692,38 điểm), huyện Đơn Dương (674,5 điểm). 3 huyện có số điểm thấp nhất lần lượt là: Huyện Đạ Huoai (649,3 điểm), huyện Lâm Hà ( 629,45 điểm), huyện Đức Trọng (626,85 điểm). Điểm trung bình của khối các đơn vị này là 674,01 điểm, có 05 đơn vị trên điểm trung bình và 7 đơn vị dưới điểm trung bình. Đơn vị cao điểm nhất là thành phố Đà Lạt với 725,57 điểm, đơn vị thấp điểm nhất là huyện Đức Trọng với 626,85 điểm.
Trong bảng xếp hạng này, chỉ tiêu hoạt động kinh tế số là chỉ tiêu có sự chênh lệch điểm số cao nhất giữa các đơn vị, giữa đơn vị có điểm số cao nhất và thấp nhất có khoảng chênh lệch điểm số rất cao. Các đơn vị có điểm số cao nhất ở chỉ tiêu này bao gồm: Huyện Đam Rông, huyện Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc. Các đơn vị có điểm số thấp nhất bao gồm: huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương.
Các chỉ tiêu chính làm chênh lệch điểm trong bộ tiêu chí này bao gồm: Tiêu chí 7.9 “Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho kinh tế số”, tiêu chí 7.10 “Tổng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho kinh tế số” và tiêu chí 7.2 “Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx”.
Kết quả đánh giá, xếp hạng là cơ sở để các ngành, đơn vị, địa phương theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, phản ánh một rõ nét, chính xác hơn về tình hình ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số, từ đó các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động CNTT nói chung và chuyển đổi số nói riêng phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực.
DIỄM THƯƠNG