NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” In trang
06/09/2024 08:39 SA

Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc,... Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Người từng nhắc nhở: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[2].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức nhằm giải quyết mối quan hệ “với tự mình”, để cán bộ làm gương cho Nhân dân theo, để lợi cho nước, cho dân.

Bác giải thích: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời dạy: Cán bộ cách mạng phải thực hành Cần, kiệm, liêm chính, trí công, vô tư
Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời dạy: Cán bộ cách mạng phải thực hành Cần, kiệm, liêm chính, trí công, vô tư

Người phân tích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.”

Bác chỉ rõ: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm…”. “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Theo Bác, Chính: là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn tức là tà. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, một lẽ tự nhiên như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Nó là thước đo chất người của mỗi người, vì “thiếu một đức thì không thành người”. Cần, kiệm, liêm, chính đặc biệt cần thiết đối với cán bộ, đảng viên vì họ là những người có quyền, nếu thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút. Cán bộ, đảng viên mà suy thoái đạo đức thì ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, đến nhiệm vụ cách mạng. Đảng viên sai lầm sẽ đưa quần chúng đến sai lầm.

Còn “Chí công vô tư” là khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; là lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào. Thực hành chí công vô tư gắn liền với chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là “chỉ lo mình béo mặc thiên hạ gầy”; là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết; là chỉ biết “mọi người vì mình” mà không lo “mình vì mọi người”.

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong Quy định số 144-QĐ/TW

Với vị trí, vai trò là "then chốt của then chốt", công tác cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng diễn ra từ ngày 15 - 17/5/2023 đã đánh giá “công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn; có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung”.

.
.

Một trong những quy định mới liên quan đến công tác cán bộ là ngày 9/5/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144). Quy định gồm 6 điều, trong đó có Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Các nội dung cụ thể của Điều 3 được cụ thể hoá thành 5 khoản cụ thể trên tinh thần kế thừa các chuẩn mực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra và cập nhật những yêu cầu mới cho phù hợp.

- “Cần” trong Quy định số 144 được giải thích là: Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo”.

- “Kiệm” trong Quy định số 144 được giải thích là: Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.

- “Liêm” trong Quy định số 144 được giải thích là: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

- “Chính” trong Quy định số 144 được giải thích là: Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.

- “Chí công vô tư” trong Quy định số 144 được giải thích là: Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.

Có thể thấy, bên cạnh tiếp tục kế thừa nội hàm các định nghĩa “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ tình hình thực tiễn và đòi hỏi của công tác cán bộ trong tình hình mới, Đảng ta đã cập nhật, mở rộng từng khái niệm với những giải thích rõ ràng, có tính định lượng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên dễ soi chiếu để thực hiện, gắn với mục tiêu góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; đồng thời nhân dân cũng có thể hiểu để giám sát việc thực hiện quy định của Đảng ở mỗi cán bộ, đảng viên.

Sự mở rộng khái niệm thể hiện ở những nội dung như: yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”; phải dũng cảm “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”; trách nhiệm nêu gương không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng… Đây đều là những đòi hỏi hết sức “thời sự”, cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, lối sống, đạo đức cách mạng; một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng với nhân dân.

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của xã hội hưng thịnh. Có điều trái lại là đặc điểm của xã hội suy vong”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng cảnh báo những “thói hư tật xấu” trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân… Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Chủ nghĩa cá nhân là mối nguy hại cho Đảng và cả dân tộc: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[3].

Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

Bởi vậy, “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta”, vì “từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội các lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Thực hiện tinh thần đó, trong thông báo một số kết quả Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (họp tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 15 - 17/5/2023) đã nêu rõ: “Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống"; thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên”. “Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” cho thấy Đảng ta đang đẩy mạnh trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.

Nhìn vào những kết quả trên và suy ngẫm lại tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đồng thời nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 về vấn đề này để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn nội dung, ý nghĩa của Quy định và cũng để thấy bước phát triển của Đảng về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 sắp diễn ra, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhân dân cả nước rất kỳ vọng công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng các cấp sẽ lựa chọn được những đảng viên trong sạch, có phẩm chất, có đạo đức, có năng lực, có uy tín, đủ sức gánh vác sứ mệnh dẫn dắt đất nước tiếp tục đi lên.

LÊ DIỄM THU

Vụ Địa bàn VIII, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

-----------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2011, T.5, tr.309-313

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2000, T.5, tr.122

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2011, T.15, tr.672

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 83
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005899364
  •  Đang online: 195
  •  Trong tuần: 44.063
  •  Trong tháng: 215.495
  •  Trong năm: 2.503.277