(ĐCSVN) - Cán bộ, đảng viên lười học tập Nghị quyết của Đảng sẽ dẫn tới việc không cập nhật được thông tin mới, không nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo mới, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có việc không thể đấu tranh với những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ảnh minh họa
Những chuyện khó tin mà có thật
Đầu năm nay, trong cuộc gặp mặt của một doanh nghiệp lớn với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo, khi nghe giới thiệu đến chức danh của tôi, phó tổng biên tập của một tạp chí chuyên ngành kinh tế ngạc nhiên hỏi: “Ban chỉ đạo 35 là gì mà em nghe lạ quá?”.
Nghe tôi giải thích về “Ban chỉ đạo 35” và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đồng chí phó tổng biên tập thật thà trả lời: “Có thể hôm cơ quan tổ chức học tập nghiên cứu Nghị quyết này em bận không dự được”.
Trước đó, khi tôi tự giới thiệu là cán bộ ở Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, phó chủ tịch UBND của một đơn vị hành chính cấp xã liền ngắt lời: “Ban chỉ đạo 135 chứ” . Đồng chí còn hỏi tôi: “Quân ủy Trung ương bây giờ có hẳn một bộ phận chỉ đạo việc xóa đói giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn à?”. Hỏi ra mới biết đồng chí này đã nhầm lẫn giữa ban chỉ đạo 35 ( Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch) với chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa).
Mới đây, tôi nhận được điện thoại của một đồng chí cán bộ đã nghỉ hưu hỏi về đường lối quân sự quốc phòng của ta hiện nay. Khi nghe tôi giải thích rằng đường lối này thể hiện rất rõ Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đồng chí cán bộ này đã trả lời : “Thế à, tớ không biết. Hôm chi bộ khu dân cư tổ chức học Nghị quyết này, tớ phải trông cháu nội, không tham dự được”.
Có thể nói tình trạng lười học tập Nghị quyết, chỉ thị của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đến mức báo động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên do lười học Nghị quyết của Đảng.
Năm 2016, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã xác định: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” cũng là một trong những biển hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếc rằng, từ đó đến nay, “căn bệnh” lười học Nghị quyết ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn không thuyên giảm.
Hệ lụy của việc không học nghị quyết
Nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại. Do đó, sau khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy các cấp phải tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề cho sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống.
Cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo không học tập, quán triệt để nắm chắc, hiểu sâu về nghị quyết của Đảng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Không học tập, nghiên cứu Nghị quyết thì không thể hiểu và tuyên truyền cho cán bộ cấp dưới và nhân dân. Do đó, không thể triển khai thực hiện, không thể đưa được nghị quyết vào cuộc sống. Nếu cán bộ, đảng viên không học tập, nghiên cứu Nghị quyết thì cũng không thể không đấu tranh được với các quan điểm sai trái, thù địch, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của việc học tập Nghị quyết của Đảng. Người cho rằng: "Cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được".
Lý giải về việc lười học Nghị quyết, lười nghiên cứu lý luận chính trị, một số cán bộ, đảng viên cho rằng, trong thời đại thông tin bùng nổ, kinh tế thị trường, việc học tập lý luận là “phù phiếm”, “nhồi sọ”, gây lãng phí thời gian, v.v. Họ biện minh rằng, “nhiều người có học qua trường, lớp lý luận nào đâu mà vẫn làm kinh tế giỏi, vẫn tham gia hoạt động xã hội tích cực”. Họ quên rằng, nếu họ có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc sẽ tốt hơn rất nhiều.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung mũi nhọn để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; lợi dụng những yếu kém trong công tác giáo dục lý luận chính trị, kích động, dụ dỗ, lôi kéo, cổ súy cho những hành vi, thói quen lười học tập, hòng phục vụ cho mục đích không trong sáng. Chính vì vậy, đấu tranh, phê phán, khắc phục biểu hiện lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên thực chất là góp phần đấu tranh làm thất bại thủ đoạn, hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch.
Chữa bệnh bằng cách nào?
Năm 2017, tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã yêu cầu: “Phải kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ...”
Để chữa căn bệnh lười học nghị quyết, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, cần đặc biệt coi trọng việc tự giác của cán bộ đảng viên và sự kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng. Việc tham gia học tập, quán triệt các nghị quyết và viết thu hoạch cá nhân phải được coi là một căn cứ đánh giá, phân loại, bình xét thi đua cuối năm của các cơ quan, đơn vị. Bài thu hoạch của cán bộ, đảng viên sau khi được học Nghị quyết cần được đánh giá nghiêm túc về chất lượng, tránh tình trạng sao chép của nhau hoặc sao chép các bài đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mặt khác, cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết, nhất là khắc phục tình trạng thông tin, quán triệt “chay”, nói một chiều, chất lượng báo cáo viên hạn chế…
Chữa bệnh lười học Nghị quyết phải gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Bởi lẽ, khi thuyết trình về vai trò tiên phong, miệng nói tay làm của cán bộ, đảng viên mà bản thân người đi tuyên truyền lại chưa là tấm gương sáng, thiếu niềm tin, hoặc nói một đằng làm một nẻo, thậm chí sa vào tham nhũng, đục khoét của dân thì không ai tin cả.
Thực tiễn gần 40 năm Đổi mới vừa qua cho thấy, mỗi Nghị quyết của Đảng đều là một bước tiến của tư duy và dù nhiều ít khác nhau, Nghị quyết nào cũng góp phần làm giàu trí tuệ của Đảng bằng một lượng tri thức mới nhất định. Vì bận rộn công việc cơ quan, gia đình? Không sao, mỗi người đều có 24 giờ trong một ngày như nhau. Công việc nhiều nhưng nếu biết chia nhỏ ra, chúng ta sẽ tìm thấy sự hứng khởi để hoàn thành và có thời gian cho việc học tập... Vượt qua sức ỳ thực chất chính là con đường thoát lười./.
Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ - Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương