Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên là vấn đề có tính cấp thiết nhằm khắc phục tình trạng nhiều đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao vi phạm kỷ luật đảng, phải xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu, nói thông chính sách nhưng lại làm sai…Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ bảy, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, mỗi đảng viên cần tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là về nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, nói đi đôi với làm.
.
Yêu cầu cấp thiết
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu”. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị lần thứ 7) Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý nhiều đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm kỷ luật đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điển hình gần đây là các trường hợp vi phạm liên quan đến vụ án Việt Á, trục lợi từ các chuyến bay giải cứu... Theo số liệu tổng hợp từ Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2023, trong toàn Đảng có 190 tổ chức đảng, 8.583 đảng viên (trong đó có 2.142 cấp ủy viên) bị xử lý kỷ luật. Khuyết điểm của đảng viên do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận thường là: Thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương…
Thực tế cho thấy sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm gắn với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.
Tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước tình hình đồng bào hơn nửa thế kỷ chống thực dân xâm lược Pháp nhưng vẫn bế tắc về đường lối cứu nước, với tinh thần trách nhiệm của một thanh niên yêu nước, Nguyễn Tất thành ra đi tìm đường cứu nước từ vị trí người lao động làm thuê với hai bàn tay trắng, trên tàu Amiral Latouche Tréville ngày 5-6-1911: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Là người sáng lập Đảng, Nhà nước, mặt trận và Quân đội nhân dân Việt Nam, cả cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam noi theo về đạo đức cách mạng; về tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với đồng bào; về sự cống hiến cho dân tộc, cho nhân dân, về tác phong nói đi đôi với làm…
Chứng kiến đồng bào nghèo khổ bị áp bức bóc lột, bị đô hộ, Nguyễn Tất Thành tìm đến nước Pháp “để đòi quyền tự do cho dân An Nam”. Sau gần 10 năm gian khổ vừa làm thuê kiếm sống, vừa tìm tòi, khám phá con đường đi cứu giống nòi, Nguyễn Ái Quốc tự nhận trách nhiệm: “Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Khi dự thảo Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc quy định trách nhiệm của đảng viên: “(a) Tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và cổ động quần chúng theo Đảng. (b) Tham gia mọi sự tranh đấu về chính trị và kinh tế của công nông. (c) Phải thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản. (d) Điều tra các việc. (e) Kiếm và huấn luyện đảng viên mới”(1). Tháng 8-1930, Nguyễn Ái Quốc ốm nặng, bị đau phổi, rất yếu nhưng vẫn viết thư gửi Quốc tế Cộng sản, tham gia xây dựng chương trình nghị sự của Ban Chấp hành, đánh giá tình hình Đông Dương và đề nghị “Hãy gửi cho tôi những tài liệu đã hứa” để Người tiếp tục làm việc.
Không chỉ tự nhận trách nhiệm đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, Nguyễn Ái Quốc còn tự nhận mình và những người đồng chí “có trách nhiệm rất nặng nề” đối với công cuộc giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Ngay sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1931 đến năm 1933, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành các công việc thúc đẩy phong trào cách mạng châu Á: Tổ chức phát triển các cơ sở cách mạng ở châu Á; viết sách giới thiệu về nước Nga; liên lạc với các đảng cộng sản đề nghị giúp đỡ về tài liệu, báo chí; gây dựng và phát triển mạng lưới liên lạc nối Đông Dương - Pháp - Quốc tế Cộng sản - Trung quốc và các nước châu Á khác… Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, kính cáo đồng bào, kêu gọi nhân dân đoàn kết cứu quốc, Người khẳng định: Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do, độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Tổ quốc là Tổ quốc chung”, “nước là mẹ chung”, vì vậy, ai cũng phải tham gia kháng chiến, ai cũng phải đánh giặc. Cán bộ, đảng viên càng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đối với bản thân Người: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó”.
Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Hồ Chủ tịch phát động toàn dân sẻ cơm nhường áo giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Hồ Chủ tịch căn dặn cán bộ: “Mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải”.
Chiến dịch biên giới năm 1954 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Nguyên thủ quốc gia Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia Chiến dịch. Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của Đảng, của Nhà nước trực tiếp đi chiến trường đánh giặc đã tạo niềm cổ vũ sức mạnh vô giá để quân và dân ta thắng lợi, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng xây dựng đời sống mới: Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt. Người là tấm gương lãnh tụ cả đời thanh bạch, sống trong một ngôi nhà sàn nho nhỏ, quanh năm bốn mùa, chỉ mặc một bộ áo vải ka ki cũ, mỗi ngày chỉ có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. Người sống bình dị, gần gũi và kính trọng nhân dân. Người dành dụm tiền lương và tiền nhuận bút để mua quà cho các em nhỏ, biếu quà cụ già, ủng hộ đội tự vệ. Nước ta là nước dân chủ, Hồ Chủ tịch thường căn dặn cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được lên mặt quan cách mạng ra lệnh ra oai. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “lễ độ” với nhân dân khi giao tiếp, đi đúng đường lối quần chúng trong mọi việc và khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
Đảng viên phải nói đúng chính sách của Đảng và Chính phủ để tuyên truyền, vận động quần chúng làm theo. Đảng viên phải thống nhất nhận thức và hành động nói phải đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều, tiến tới làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít và thậm chí làm hết lòng, làm tận tuỵ mà không nói, không tự phô trương. Hồ Chí Minh cũng đã từng phê bình găy gắt những đảng viên, miệng thì nói rất thông chủ trương, chính sách của Đảng, nhưng trên thực tế thì lại chẳng thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng, làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946) tại Hà Nội, 118 làng toàn Hà Nội nhất trí kiến nghị là Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần phải bầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đương nhiên là đại biểu Quốc hội rồi. Người cảm ơn nhân dân và đề nghị đồng bào để mình được thực hiện quyền công dân.
Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải bám sát tình hình cụ thể từng địa phương để Đảng đề ra chính sách cho phù hợp. Từ năm 1955 đến năm 1965, Người đã đi thực tế cơ sở hơn 700 lượt để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Như vậy, trung bình mỗi năm, người đi cơ sở hơn 60 lần, mỗi tháng đi cơ sở 6 lần.
Để cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây năm 1959, “vừa cây ăn quả, cây có hoa, cây làm cột nhà”. Mỗi khi Tết đến, xuân về, Người lại nhắc nhở phong trào thi đua trồng cây, vừa trực tiếp tham gia trồng cây. Tết năm 1969, dù sức khỏe yếu, Người vẫn đi chúc Tết đồng bào xã Vật Lại, Hà Tây, trồng cây đa lưu niệm trên đồi Yên Bồ. Trong Di chúc, Hồ Chủ tịch vẫn lưu ý: Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm, làm như thế để tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
Học và làm theo Bác
Lời dạy của Hồ Chí Minh vẫn luôn nhắc nhở đảng viên: “Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”; “Bất kỳ Đảng giao cho việc gì, nhân dân giao cho việc gì, phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”. Để việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm thiết thực và hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đổi mới phương pháp học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để học tập và làm theo Người thật sự hiệu quả, tương xứng với nhiệm vụ được giao của mỗi đảng viên.
Di sản Hồ Chí Minh để lại rất lớn, cần nghiên cứu kỹ từng tác phẩm của Người trong từng tình huống cụ thể để hiểu sâu sắc tư tưởng cũng như phong cách của Người, từ đó vận dụng đúng cho từng tình huống cụ thể, tránh việc học tập theo kiểu “tầm chương trích cú”, học máy móc, vận dụng cứng nhắc.
Hồ Chí Minh định nghĩa tinh thần trách nhiệm: Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, làm cho thành công. Người có tinh thần trách nhiệm là người nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng; đồng thời, “gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm tròn nhiệm vụ”.
Như vậy, học tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trước hết cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước lĩnh vực mình phụ trách. Khi thực hiện công việc được giao, phải lập kế hoạch thực tế, giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho quần chúng hiểu thấu và ủng hộ chủ trương của Đảng, của Chính phủ; bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến quần chúng, gom góp sáng kiến của quần chúng; lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Hoàn thành tốt công việc với sự đồng thuận của quần chúng, phát huy sức mạnh dân chủ, là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ và nhân dân.
Tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm cần được thể hiện “trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”; “đồng cam cộng khổ” với nhân dân. Xung phong đi đầu nhưng “phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu”.
Hai là, mỗi đảng viên hằng ngày thực hành nêu cao tinh thần trách nhiệm với tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm để tự rèn luyện phong cách Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ cụ thể của mỗi cá nhân được quy định bởi cơ quan, đơn vị, tổ chức mà cá nhân là thành viên. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân còn có trách nhiệm đối với gia đình, các mối quan hệ xã hội ở khu dân cư và bạn bè. Đảng viên sẵn sàng chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; luôn ý thức thực hiện tốt các quy định nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Đảng viên luôn sẵn sàng là thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức mà mình tham gia, với gia đình, bạn bè; tự rèn luyện để tạo thành phong cách làm việc, tác phong sinh hoạt trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm.
Ba là, tập thể, cá nhân thường xuyên rà soát các văn bản chỉ đạo và kết quả thực hiện để bảo đảm nói đi đôi với làm
Theo Hồ Chí Minh, một trong những tư cách của Đảng chân chính là: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Kế hoạch công tác được xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ nhưng cần chú ý tính thiết thực, hiệu quả, tránh đặt ra các mục tiêu to lớn nhưng không khả thi, vì “Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Tham mau, tham nhiều một lúc dẫn đến “Chính sách thì đúng, cách làm thì sai”, khẩu hiệu tuy đúng nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn.
Việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cấp trên, của tổ chức cần được thường xuyên rà soát, thực hiện hiệu quả để bảo đảm “nói đi đôi với làm”; tuân thủ kỷ luật và giữ gìn uy tín của Đảng, của Chính phủ, của tổ chức, của cá nhân.
Bốn là, tăng cường chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng để động viên người thực hiện tốt và giúp đỡ người thực hiện chưa tốt sửa chữa.
Công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm cho việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức được diễn ra hiệu quả, tránh hiện tượng nói không đi đôi với làm. Quá trình kiểm tra, giám sát phát hiện những khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát còn cho thấy mức độ tham gia tích cực của quần chúng nhân dân đối với nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và tinh thần đoàn kết của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Thực tế cho thấy, có những cá nhân sau khi được khen thưởng, bổ nhiệm chỉ một thời gian ngắn đã bị phát hiện sai phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự do thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu trung thực, thiếu gương mẫu... Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng cần bám sát thực tiễn đơn vị và nắm vững đội ngũ qua nhiều kênh thông tin hơn là căn cứ vào tự báo cáo của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức; kịp thời nêu gương người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, nói đi đôi với làm; đồng thời giúp đỡ người làm chưa tốt sửa chữa khuyết điểm.
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị lần thứ 7) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 17-5-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII: Cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định, học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về tinh thần trách nhiệm, tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm là việc làm cần thiết của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người trẻ Việt Nam để bồi đắp năng lực tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm bảo đảm tạo được đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức; thu hút được sự ủng hộ của quần chúng, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng được đồng thuận xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức; đạt được các mục tiêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đỗ Thị Thanh Mai
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 3, trang 6.
Nguồn: www.xaydungdang.org.vn