NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Những tín hiệu cảnh báo In trang
05/12/2022 02:15 CH

Tuần qua (28/11 - 4/12), thế giới tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh COVID-19 với khả năng xuất hiện thêm nhiều biến thể mới, bên cạnh đó là nguy cơ tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu, kèm theo các quyết định cứng rắn được đưa ra đối với Nga hay CHDCND Triều Tiên…

COVID-19 tiếp tục hoành hành, WHO cảnh báo xuất hiện biến thể mới

Nhật Bản là quốc gia ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất trên thế giới trong ngày qua. (Ảnh: AFP)
Nhật Bản là quốc gia ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất trên thế giới trong ngày qua. (Ảnh: AFP)

Sau 3 năm bùng phát, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến đáng lo ngại với số ca mắc mới và tử vong không ngừng gia tăng. Theo trang web thống kê worldometers.info, đến chiều 4/12, thế giới có tổng số 649.792.563 ca nhiễm và 6.645.984 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, thế giới có thêm 325.247 ca nhiễm và 631 ca tử vong mới vì COVID-19. Với 109.591 ca nhiễm mới và 180 ca mới tử vong, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất trên thế giới trong ngày qua.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 2/12, cảnh báo hiện nay có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron, vốn có khả năng lây truyền cao đang lưu hành. Tất cả các dòng phụ này có thể dễ dàng vượt qua hệ miễn dịch, dù chúng có xu hướng ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các dòng phụ trước đó.

Theo ông Tedros, WHO ước tính ít nhất 90% dân số toàn cầu hiện nay có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhờ tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh. Tuy nhiên, ông cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc khi sự mất cảnh giác trong công tác giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện cho biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện có thể gây tử vong đáng kể, thậm chí vượt qua cả Omicron - biến thể lây lan chính trên toàn cầu hiện nay.

IMF cảnh báo khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại

IMF dự đoán hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
IMF dự đoán hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, đẩy giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao, cùng với lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, ngày 1/12, cảnh báo về khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2% đang ngày càng tăng. Theo bà Georgieva, khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại hơn nữa, giảm xuống dưới 2% là 25%.

IMF dự đoán hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đình trệ. Bà Georgieva bày tỏ sự lo ngại về "sự sụt giảm đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc", đặc biệt là tình hình tại Trung Quốc bởi thế giới đã phụ thuộc nhiều vào nước này để tăng trưởng.

Theo các chuyên gia, vốn đóng góp từ 35 - 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nên bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể tác động tới kinh tế thế giới.

Trước đó, Phong vũ biểu thương mại hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 28/11, cho thấy tăng trưởng thương mại có thể sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy yếu.

Phong vũ biểu thương mại hàng hóa là một chỉ số tổng hợp hàng đầu cho thương mại thế giới, cung cấp thông tin theo thời gian thực về quỹ đạo của thương mại hàng hóa so với các xu hướng gần đây. Chỉ số phong vũ biểu hiện tại là 96,2, thấp hơn cả giá trị cơ sở của chỉ số và chỉ số trước đó là 100. Điều này phản ánh nhu cầu đối với hàng hóa giao dịch đang hạ nhiệt, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị tác động bởi những cơn gió ngược mạnh mẽ.

Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã sụt giảm 3,3% vào năm 2020 và 1,3% vào năm 2009.

Phương Tây áp dụng chính sách áp giá trần đối với dầu của Nga

Tàu chở khí đốt neo tại cảng ở Saint Petersburg, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu chở khí đốt neo tại cảng ở Saint Petersburg, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia ngày 2/12 cho biết đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng, dự kiến bắt đầu sớm nhất là từ ngày 5/12.

Cùng ngày, Đại sứ Ba Lan tại Liên minh châu Âu (EU) Andrzej Sados thông báo nước này đã nhất trí với thỏa thuận của khối trong việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, mở đường để EU hướng tới mục tiêu chính thức thông qua thỏa thuận vào cuối tuần này.

Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.

Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận do EU và G7 đề xuất nhằm áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga. Phát biểu với báo giới, Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ rằng thật đáng mừng khi các nước cùng nhau hướng tới một mức giá trần, nhằm giảm nguồn thu từ thị trường dầu mỏ của Nga.

Về phía Ukraine, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, cho rằng giá trần đối với mặt hàng dầu thô của Nga cần được hạ xuống 30 USD/thùng để nền kinh tế Nga chịu thiệt hại nặng hơn.

Trong khi đó, ngày 3/12, Nga cho biết sẽ tiếp tục tìm người mua, bất chấp những nỗ lực "nguy hiểm" của các chính phủ phương Tây nhằm đưa ra mức trần giá đối với xuất khẩu dầu của nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng chương trình áp giá trần.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban chính sách kinh tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Ivan Abramov cảnh báo việc áp giá trần đối với dầu từ Nga sẽ khiến giá nhiên liệu trên toàn thế giới tăng cao đột ngột.

Đăng trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhấn mạnh các bước đi như trên chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả bất ổn gia tăng và áp đặt chi phí cao hơn cho các khách hàng cung cấp nguyên liệu thô. Đại sứ quán Nga tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục tìm khách hàng có nhu cầu mua dầu, đồng thời chỉ trích hành động được xem là "định hình lại" các nguyên tắc thị trường tự do.

Các Ngoại trưởng NATO cam kết tăng cường hỗ trợ Ukraine

NATO sẽ duy trì và tăng cường hỗ trợ cả về chính trị và thực tiễn cho Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể. (Ảnh: NATO)
NATO sẽ duy trì và tăng cường hỗ trợ cả về chính trị và thực tiễn cho Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể. (Ảnh: NATO)

Sau ngày nhóm họp đầu tiên (29/11) tại thủ đô Bucharest (Romania), Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng 2 nước ứng cử viên gia nhập là Phần Lan và Thụy Điển đã ra thông báo cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và giúp sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Thông báo cũng khẳng định NATO sẽ duy trì và tăng cường hỗ trợ cả về chính trị và thực tiễn cho Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể. Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng NATO cũng cho biết sẽ tập trung thảo luận về kế hoạch hỗ trợ phi sát thương cho Ukraine như: nhiên liệu, trang thiết bị y tế và đồ dùng mùa Đông.

Đáng chú ý, các Ngoại trưởng NATO cũng xác nhận một nghị quyết hồi năm 2008 của liên minh quân sự này rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của NATO; song không có bước cụ thể hay thời gian biểu để Kiev tiến gần hơn đến việc gia nhập NATO.

Tuy nhiên sau đó, ngày 1/12, Tổng thư ký NATO khẳng định cần duy trì liên lạc với Nga. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Berlin (Đức), ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO vẫn cần duy trì liên lạc vì hợp tác với Moskva là một phần của cấu trúc an ninh ở châu Âu.

Đáp lại, Nga đã cảnh báo NATO về việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nói: “Nếu đúng như (Tổng thư ký NATO Jens) Stoltenberg ám chỉ, NATO chuẩn bị cung cấp cho Ukraine những hệ thống Patriot cùng nhân sự của NATO, điều đó có nghĩa ngay lập tức họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga”. Đồng thời, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1/12 cáo buộc Mỹ và NATO trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Ukraine do chiến dịch hỗ trợ Kiev. Phát biểu họp báo ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Washington và liên minh Đại Tây Dương trực tiếp tham gia cuộc chiến vì họ cung cấp vũ khí cho Ukraine và huấn luyện quân sự cho binh lính Ukraine ngay trên lãnh thổ các nước này.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng loạt áp đặt trừng phạt Triều Tiên

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng thử hôm 18/11. (Ảnh: KCNA)
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng thử hôm 18/11. (Ảnh: KCNA)

Ngày 1/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 3 quan chức cấp cao của Triều Tiên là: Jon Il Ho, Yu Jin, và Kim Su Gil liên quan đến các chương trình vũ khí của nước này sau vụ thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất và mới nhất của Bình Nhưỡng trong tháng 11.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết hai ông Jon Il Ho và Yu Jin đóng vai trò lớn trong việc Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), đồng thời giữ những cương vị tương ứng là Phó Cục trưởng và Cục trưởng Cục Công nghiệp Đạn dược Triều Tiên. Ông Kim Su Gil là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ năm 2018 - 2021 và giám sát việc thực thi các quyết định liên quan đến chương trình WMD.

Washington sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ của 3 quan chức Triều Tiên, cấm cá nhân, tổ chức ở nước này làm ăn với họ, nhưng những biện pháp đó được đánh giá chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng.

Trước đó, 3 quan chức Triều Tiên này cũng đã bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách trừng phạt từ tháng 4.

Tương tự, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo trừng phạt 7 cá nhân cùng 8 thực thể vì "tham gia vào chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và giúp Bình Nhưỡng lách các lệnh trừng phạt trước đây". Tất cả cá nhân, tổ chức này đều đã bị Mỹ áp trừng phạt trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 10 năm nay.

Nhật Bản cũng áp lệnh trừng phạt với 3 tổ chức và một cá nhân nhằm đáp trả các "hành động khiêu khích" của Triều Tiên. Tokyo sẽ đóng băng tài sản của những tổ chức, cá nhân này ở Nhật Bản.

Những quyết định trừng phạt này diễn ra sau khi Triều Tiên ngày 18/11 phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17, đồng thời tuyên bố đây là một phần trong chiến lược ưu tiên nhằm củng cố quốc phòng và xây dựng năng lực răn đe hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó nói rằng mục tiêu cuối cùng của nước này là sở hữu lực lượng hạt nhân "chưa từng có và mạnh nhất thế giới".

(Theo quangngai.dcs.vn)

Lượt xem: 416
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006529953
  •  Đang online: 449
  •  Trong tuần: 38.865
  •  Trong tháng: 209.866
  •  Trong năm: 209.866