Theo quy định, người dân chỉ được phép sử dụng loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ và được mua tại cơ sở được Bộ Quốc phòng cấp phép.
Ảnh minh họa
Theo quy định tại khoản 1, Điều 17, Nghị định 137/2020 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định 137/2020 thì người dân được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết. Tuy nhiên, cần lưu ý loại pháo hoa được sử dụng hợp pháp là pháo hoa không gây ra tiếng nổ (còn một loại nữa là pháo hoa nổ).
Cụ thể, điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định 137/2020 nêu rõ pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) là đơn vị duy nhất được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất và phân phối các sản phẩm pháo hoa. Do đó, người dân muốn mua pháo hoa để sử dụng trong dịp Tết thì người dân có thể đến các cửa hàng pháo hoa thuộc Nhà máy Z121 trên cả nước để mua.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm i, khoản 3, Điều 11 Nghị định 144/2021.
Theo đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người nào thực hiện hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép. Ngoài bị, phạt tiền người đốt pháo hoa nổ còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người sử dụng pháo hoa nổ trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt nặng nhất của tội này là phạt tù từ 2-7 năm tù.
BBT