NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Cùng nhau hướng tới tương lai In trang
27/03/2023 08:12 SA

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo động lực mạnh mẽ cho nỗ lực duy trì hòa bình và thịnh vượng để cùng nhau hướng tới một tương lai vì sự phát triển chung. Bên cạnh đó, các phe phái chính trị Sudan đồng ý thành lập chính phủ chuyển tiếp; FED tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp; các nước tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất 2023; Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do thiếu nước trầm trọng;… là những sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (20-26/3).

Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga lần đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Trong các ngày từ 20-22/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 3 ngày tới Nga. Đây là quốc gia đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đến thăm sau khi được tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vào ngày 10/3 vừa qua.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự ổn định toàn cầu trên nền tảng mối quan hệ quốc tế kiểu mới, đi tiên phong trong việc phát triển quan hệ nước lớn với lòng tin chiến lược và là láng giềng tốt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Xinhua)

Kết thúc chương trình làm việc, tổng cộng hai bên đạt được 14 tuyên bố, nghị định thư, bản ghi nhớ và thỏa thuận. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở "điểm cao nhất trong lịch sử" và hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên của cả hai chính phủ.

Trong các tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc cam kết làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược bước vào một kỷ nguyên mới, đồng thời xây dựng một kế hoạch phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế chủ chốt đến năm 2030.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 21/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến việc giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Hai bên khẳng định cần tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Phía Nga tái khẳng định cam kết nối lại các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt, đồng thời hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hai bên phản đối hành vi của bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào tìm kiếm lợi thế về quân sự, chính trị và các lĩnh vực khác gây phương hại đến lợi ích an ninh chính đáng của các quốc gia khác.

Hai bên chỉ ra rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, điều quan trọng là cần quan tâm tới an ninh của tất cả các nước, ngăn chặn đối đầu và không kích động xung đột. Nga và Trung Quốc nhấn mạnh đối thoại có trách nhiệm là cách tốt nhất để đi đến giải pháp phù hợp. Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nỗ lực mang tính xây dựng, ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang hay thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát

Các phe phái chính trị Sudan đồng ý thành lập chính phủ chuyển tiếp

Ngày 19/3, người phát ngôn của các bên tham gia ký kết thỏa thuận chính trị ở Sudan, Khalid Omar Yousif, cho biết các nhà lãnh đạo quân sự của Sudan hiện đang nắm quyền điều hành đất nước đã đàm phán một thỏa thuận với các đảng chính trị dân sự, nhằm khôi phục quá trình chuyển tiếp dân sự ở quốc gia Đông Phi này. Theo đó, hai bên đã đồng ý thành lập một chính phủ chuyển tiếp mới vào ngày 11/4.

Ông Yousif tiết lộ thêm các bên đã nhất trí về việc thành lập một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới có 9 thành viên, gồm các đại diện đảng phái chính trị, một người từ quân đội và một người từ Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Ủy ban này sẽ ký thỏa thuận khung chuyển tiếp vào đầu tháng 4 tới và công bố Hiến pháp vào ngày 6/4.

Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021 (Ảnh: AFP)
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021 (Ảnh: AFP)

Việc thành lập một chính phủ mới sau cuộc đảo chính tháng 10/2021 là kết quả của các cuộc đàm phán do phương Tây, các nước vùng Vịnh và Liên hợp quốc bảo trợ, giúp hồi sinh hỗ trợ kinh tế rất cần thiết cho Sudan.

Sau khi Cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, Sudan đã bắt đầu chuyển sang chế độ dân sự và được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố hồi tháng 12/2020. Tuy nhiên, Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, khiến quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự bị chệch hướng và gây khó khăn cho công tác viện trợ.

Tháng 1 vừa qua, các chính đảng của Sudan đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp cuối cùng nhằm thành lập một chính phủ dân sự và giải quyết các vấn đề nổi bật khác.

FED tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp

Ngày 22/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cho vay thêm 0,25% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, bất chấp những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là lần tăng thứ 9 liên tiếp của Ngân hàng này kể từ tháng 3/2022.

Quyết định tăng lãi suất của FED được đưa ra đúng như dự đoán trước đó của các nhà phân tích. Trong một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED thông báo mức tăng lãi suất 0,25%, nâng lãi suất tham chiếu lên mức 4,75 - 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: AFP/Getty Imges)
Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: AFP/Getty Imges)

Quyết định này được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi thị trường tài chính bắt đầu hỗn loạn do sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Các chuyên gia kinh tế đã thúc giục FED ngừng tăng lãi suất vì cho rằng sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng gần đây do tác động của việc FED liên tiếp tăng lãi suất.

Tuy nhiên, quyết định này của FED đã gửi đi thông điệp rõ ràng, việc ổn định giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng này. Quan chức FED dự báo, lãi suất tại Mỹ sẽ vào khoảng 5,1% cuối năm nay.

FED cũng lưu ý, những căng thẳng gần đây trong ngành ngân hàng “có thể dẫn đến việc thắt chặt điều kiện tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời tác động đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”. Tuyên bố của FED cũng đánh giá, lạm phát ở Mỹ hiện vẫn đang ở mức cao.

FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm, thấp hơn so với mức dự báo 4,6% đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng được điều chỉnh giảm nhẹ xuống mức 0,4% so với mức 0,5% được đưa ra trong các dự báo trước đó. Lạm phát được dự báo ở mức 3,3% vào cuối năm, cao hơn so với mức 3,1% trong các dự báo gần nhất.

Các nước tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất 2023

Giờ Trái Đất là sự kiện toàn cầu do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động từ năm 2007, khuyến khích các cá nhân hành động chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Giờ Trái đất được đánh giá là chiến dịch bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới.

Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2023 với chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái Đất” (The Biggest Hour for Earth). Thông điệp trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng nhằm kêu gọi toàn thể cá nhân, cộng đồng cùng hành động để thích nghi và thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ này, chống lại tình trạng suy giảm môi trường sống.

Hưởng ứng Giờ Trái Đất, mọi người cùng nhau tắt đèn trong 1 giờ để  bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện (Ảnh minh họa: TL)
Hưởng ứng Giờ Trái Đất, mọi người cùng nhau tắt đèn trong 1 giờ để  bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện (Ảnh minh họa: TL)

Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney (Australia) năm 2007, Giờ Trái Đất đã trở thành phong trào vì môi trường có quy mô lớn nhất thế giới. Đến nay, chiến dịch này đã thu hút các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức của trên 190 quốc gia tham gia. Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia hưởng ứng tích cực chiến dịch Giờ Trái Đất.

Sự kiện Giờ Trái Đất diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hằng năm, với hoạt động chính: cùng nhau tắt đèn trong 1 giờ để hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện.

Hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái Đất" năm 2023, Nhà hát Opera Sydney, Cầu Cảng Sydney, các tòa nhà cao tầng, các ngôi nhà ở Australia cùng với người dân khắp nơi trên thế giới sẽ chìm trong bóng tối từ 20h30 ngày 25/3 (giờ địa phương) để thể hiện sự ủng hộ đối với hành động chống biến đổi khí hậu, cũng như ngăn chặn nạn phá rừng vốn đang diễn ra nghiêm trọng ở nước này.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do thiếu nước trầm trọng

Trong báo cáo được công bố ngày 22/3, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nguồn nước của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do "việc tiêu thụ nước vô tội vạ và phát triển quá mức".

Trong báo cáo, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo "thế giới đang đi chệch hướng" khi việc sử dụng nước không bền vững, tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngoài tầm kiểm soát đang khiến nguồn nước trở nên cạn kiệt.

Theo báo cáo, ít nhất 2 tỷ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt, trong khi khoảng 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống lọc nước hiệu quả. Con số này thậm chí còn chưa tính đến nguy cơ ô nhiễm nước do dược phẩm, hóa chất, thuốc trừ sâu, hạt vi nhựa và vật liệu nano. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái nước ngọt, vốn cung cấp các nguồn lực kinh tế và tiết chế sự ấm lên toàn cầu - "là một trong những nơi bị đe dọa nhất trên thế giới".

Người dân múc nước sông để sinh hoạt tại Gode, Ethiopia, ngày 8/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân múc nước sông để sinh hoạt tại Gode, Ethiopia, ngày 8/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo về nước của LHQ đã kết luận rằng để đảm bảo khả năng tiếp cận nước uống an toàn cho tất cả mọi người vào năm 2030, mức đầu tư hiện tại sẽ phải tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về quy mô của những cam kết này và khả năng tài trợ để hiện thực hóa cam kết.

Báo cáo do diễn đàn UN-Water và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) thực hiện, được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Nước 2023 của LHQ diễn ra từ ngày 22-24/3 tại trụ sở ở New York, Mỹ, do Tajikistan và Hà Lan đồng tổ chức, với khoảng 6.500 khách mời tham dự. Tại hội nghị này, các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân đã đề xuất các chương trình bảo vệ nguồn nước, nhằm đảo ngược xu hướng khan hiếm nước và giúp thế giới đạt được mục tiêu phát triển đã được đề ra vào năm 2015, trong đó đảm bảo "tiếp cận nước và hệ thống lọc nước cho tất cả mọi người vào năm 2030". Hội nghị cuối cùng về chủ đề này được tổ chức vào năm 1977 tại Mar de Plata, Argentina.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 258
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005909180
  •  Đang online: 164
  •  Trong tuần: 53.879
  •  Trong tháng: 225.311
  •  Trong năm: 2.513.093