Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo được coi là sự kiện có tính điểm nhấn của thế giới tuần qua (3-9/4).
Bên cạnh đó, Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Nguy cơ xung đột lan rộng ở Gaza; IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục chống lạm phát; WHO cảnh báo tình trạng vô sinh, hiếm muộn trên thế giới;… là một số tin tức đáng chú ý khác trong tuần.
Tiếp tục cam kết quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người
Ngày 3/4 tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo, với sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều ngày 03/4 giờ Geneva), bao gồm 14 nước nòng cốt (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN)
Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên là sáng kiến của Việt Nam, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề xuất tại phiên họp cấp cao mở đầu khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva ngày 27/02 vừa qua, nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực cũng như hành động hướng tới đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của hai văn kiện quan trọng nêu trên, cũng như các cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.
Nội dung Nghị quyết tập trung vào tầm quan trọng và nhiều nội dung tích cực của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên. Nghị quyết cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên, trong đó có sự kiện cấp cao của Liên hợp quốc về quyền con người vào tháng 12/2023 và có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên khóa họp 56 Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm tới.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Nghị quyết đã truyền tải đi nhiều thông điệp lớn và tích cực, trong đó có về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hoà hợp, qua đố giúp thúc đẩy đồng thuận, hoà hợp, hàn gắn và không khí hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền, trong bối cảnh nhiều diễn đàn quốc tế thời gian qua bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí chính trị hoá.
Việc Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của 98 nước cho thấy Nghị quyết thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên.
Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Công quốc tế
Ngày 5/4, tại Viêng Chăn (Lào), Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã được tổ chức với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Công”.
Tham dự Hội nghị có các Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Surasi Kittimonton cùng lãnh đạo và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Surasi Kittimonton chủ trì hội nghị (Ảnh: CPV)
Tại Hội nghị, các nước đề cao vai trò của quan trọng của dòng sông Mê Công, cũng như vai trò và đóng góp của Ủy hội sông Mê Công trong nỗ lực bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Các nước khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, ủng hộ vai trò của Ủy hội là diễn đàn hợp tác hàng đầu về nước trong khu vực, đồng thời đề xuất các ưu tiên hợp tác, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển lưu vực, các dự án chung, tăng cường chia sẻ dữ liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ người dân và cộng đồng trước những biến động của dòng sông.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với lưu vực Mê Công, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, và với tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Uỷ hội trong thời gian tới.
Kết thúc Hội nghị, Trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung – Tuyên bố Viêng Chăn nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Công cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.
Nguy cơ xung đột lan rộng ở Gaza
Rạng sáng 7/4, quân đội Israel thông báo đã tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của phong trào Hồi giáo Hamas ở dải Gaza nhằm trả đũa một loạt tên lửa được bắn vào khu vực biên giới phía Bắc và phía Nam Israel vào một ngày trước đó.
Khói lửa bốc lên từ một vụ nổ sau cuộc không kích của Israel vào Gaza, rạng sáng 7/4. (Ảnh: AP)
Từ sau nửa đêm 6/4, các máy bay chiến đấu đã nhắm mục tiêu vào hai đường hầm ở khu vực Beit Hanoun và Khan Yunis. Quân đội Israel cho biết, các đường hầm này "không xuyên qua lãnh thổ Israel" song được cho là xây dựng với ý định tiến hành các cuộc tấn công chống lại Israel. Nguồn tin này khẳng định, các cuộc không kích cũng nhằm vào 2 địa điểm sản xuất vũ khí của Hamas ở phía Bắc và trung tâm Dải Gaza.
Israel cáo buộc Hamas đứng đằng sau loạt tấn công 34 quả tên lửa bắn đi từ miền Nam Li-băng vào chiều 6/4, nhắm vào khu vực miền Bắc Israel và khiến 2 dân thường bị thương.
Đầu tuần này, các chiến binh ở Gaza đã bắn khoảng 20 quả tên lửa vào miền Nam Israel, trong một động thái được tuyên bố là nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Israel vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem - một điểm nóng xung đột giữa người Israel và Palestine. Các cuộc không kích đã kích hoạt một đợt bắn tên lửa mới từ Gaza.
Ngày 6/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thông qua phát ngôn viên của mình, tỏ rõ quan điểm chỉ trích hành động bắn tên lửa nhằm vào lãnh thổ Israel, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế tối đa”. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Li-băng (UNIFIL) đang liên lạc với các nhà chức trách của Israel và Li-băng để giải quyết vụ việc, đồng thời kêu gọi các bên tránh các hành động đơn phương khiến tình hình gia tăng căng thẳng.
Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được triệu tập sau các vụ đụng độ ở Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nhiều nước thành viên đã tỏ rõ quan ngại trước tình hình căng thẳng hiện nay.
IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục chống lạm phát
Ngày 6/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi các ngân hàng trung ương nên tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất, bất chấp những quan ngại về nguy cơ bất ổn tài chính.
Kể từ năm 2022, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chuẩn để đối phó với lạm phát vốn tăng lên mức chưa từng có trong nhiều thập kỷ ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến này đang trở nên phức tạp do vụ phá sản gần đây của Silicon Valley Bank (SVB) sau khi gặp quá nhiều rủi ro vì lãi suất quá cao, gây ra sự xáo trộn trong hệ thống ngân hàng ở hai bờ Đại Tây Dương.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: Getty Images)
Theo Tổng Giám đốc IMF, các ngân hàng vẫn phải ưu tiên chống lạm phát, sau đó mới hỗ trợ ổn định tài chính thông qua các công cụ khác nhau. Bà cũng cảnh báo, nếu hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại thì sẽ kéo mức tăng trưởng toàn cầu xuống dưới 3% trong năm nay.
Các thị trường mới nổi ở châu Á dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng đáng kể, với Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 50% tổng mức tăng trưởng năm nay, trong khi có tới 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới tăng trưởng chậm lại.
Bà Georgieva cho rằng, các nước thu nhập thấp dự kiến sẽ phải chịu cú sốc kép do chi phí đi vay cao và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu giảm, điều này có thể khiến tình trạng nghèo đói gia tăng.
WHO cảnh báo tình trạng vô sinh, hiếm muộn trên thế giới
Trong báo cáo công bố ngày 4/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Cứ sáu người trưởng thành trên thế giới có một người vô sinh ở một thời điểm nào đó. WHO kêu gọi các nước tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.
Một phụ nữ đến khám tại một trung tâm sinh sản ở Bundang, Hàn Quốc (Ảnh:Reuters)
Theo WHO, khoảng 17,5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó và có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực và giữa nước giàu với nước nghèo. Cụ thể, tỉ lệ này là 17,8% ở những nước thu nhập cao và 16,5% ở những nước thu nhập thấp.
Đây là lần đầu tiên trong một thập niên (1990-2021) WHO thực hiện báo cáo về vấn đề vô sinh ở người trưởng thành. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, báo cáo cho thấy thực trạng đáng báo động rằng vô sinh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Báo cáo của WHO không đề cập nguyên nhân gây vô sinh, nhưng xác định đây là một thách thức đối với y tế toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo vấn đề này không nằm ngoài các chính sách và nghiên cứu y tế. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản và nguồn tài trợ y tế.
Nguồn: dangcongsan.vn