Một số sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua (10-16/4) như việc IMF và WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, giá dầu trên đà quay lại ngưỡng 100 USD/thùng, bất ổn ở Sudan, nguy cơ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị gián đoạn, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp ứng phó với người di cư...
IMF và WB nhận định kém lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu
Hội nghị Mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới WB diễn ra tại Washington từ ngày 10/4 đến ngày 16/4. Ảnh: IMF
Hội nghị mùa Xuân 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khai mạc từ ngày 10/4 và kết thúc vào ngày 16/4 (theo giờ địa phương), với những lo ngại về lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị và bất ổn tài chính lấn át những chương trình cải cách và gây quỹ đầy tham vọng. Hội nghị mùa Xuân năm nay được tổ chức trong bối cảnh các nước lo ngại về tình hình lạm phát cao và “sức khỏe” của ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/4, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng dù chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phục hồi đáng kể và tình hình được cải thiện sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ vẫn dưới mức 3% trong năm nay. IMF cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức gần 3% trong 5 năm tới, mức dự báo trong trung hạn thấp nhất kể từ những năm 1990.
Bà Georgieva cho biết gần 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, trong khi các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc được cho là chiếm 50% tổng mức tăng trưởng.
Các quốc gia thu nhập thấp dự kiến sẽ phải hứng chịu cú sốc kép do chi phí đi vay cao hơn và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các nước này giảm, điều mà bà Georgieva cho rằng có thể gây ra tình trạng nghèo đói. Bà Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương nên tiếp tục ngăn chặn lạm phát thông qua việc tăng lãi suất bất chấp những lo ngại rằng điều này có thể gây thêm căng thẳng cho lĩnh vực ngân hàng.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày 10/4, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng WB - vốn đánh giá bức tranh kinh tế ảm đảm hơn so với IMF, đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 từ mức 1,7% đưa ra trong tháng 01/2023 lên 2% với lý do là nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Nhiều nước thu nhập thấp hiện đang đối mặt với gánh nặng nợ nần chồng chất, trong đó một phần nguyên nhân là do lãi suất cao hơn cũng dẫn đến tình trạng các dòng vốn chảy ra khỏi nhiều quốc gia cần đầu tư nhất. Nhân hội nghị này, các nhà lãnh đạo WB và IMF sẽ nỗ lực để đạt được tiến bộ trong các nỗ lực tái cơ cấu nợ đang bị đình trệ. Theo ông Malpass, mục tiêu là nhằm chia sẻ thông tin sớm hơn trong quá trình tái cơ cấu nợ và hướng tới việc chia sẻ gánh nặng nợ.
Giá dầu có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq, ngày 1/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Báo cáo thị trường dầu mỏ vừa công bố của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho thấy quyết định cắt giảm sản lượng của một số thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn từ tháng 5 tới và đẩy giá dầu thô lên cao. Lượng dầu tồn kho sụt giảm giữa lúc nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ hỗ trợ cho giá dầu.
Theo báo cáo của UBS, lượng dầu tồn kho sụt giảm và tình trạng gián đoạn nguồn cung gần 500.000 thùng/ngày từ miền bắc Iraq cũng có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng. Các chuyên gia ngân hàng này cho rằng, mặc dù nguồn cung từ miền bắc Iraq có thể được nối lại trong ngắn hạn, nhưng sự gián đoạn này và quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của chín nhà sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn nữa.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy, lượng dầu tồn kho trên đất liền ở Mỹ, châu Âu, Singapore, Nhật Bản và Fujairah (UAE) đã giảm hơn 30 triệu thùng trong ba tuần qua, cho thấy thị trường vẫn thiếu nguồn cung trong tháng 3/2023. Viện Dầu khí Mỹ (API) thông báo Mỹ đã ghi nhận mức giảm 0,377 triệu thùng dầu thô dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 7/4 vừa qua.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức giảm được các nhà phân tích dự đoán (1,3 triệu thùng) và mức giảm API ghi nhận tuần trước đó (4,346 triệu thùng).
Mỹ quyết điều tra vụ rò rỉ các tài liệu quân sự mật
Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns. (Nguồn: AFP)
Ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Washington sẽ điều tra triệt để vụ rò rỉ các tài liệu quân sự mật của nước này cho đến khi tìm ra nguồn phát tán.
Trước đó, hãng tin Reuters cho biết đã xem xét hơn 50 tài liệu - được đánh dấu "mật" và "tuyệt mật". Những tài liệu này lần đầu tiên xuất hiện trên các trang mạng xã hội vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua với nội dung chi tiết được cho liên quan tới năng lực quân sự của một số đồng minh và đối thủ của Mỹ. Tuy nhiên, hãng Reuters chưa thể kiểm chứng độc lập tính xác thực của các tài liệu này.
Bộ trưởng Austin là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ bình luận về vụ rò rỉ. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Austin tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục điều tra kỹ lưỡng cho đến khi xác định được nguồn rò rỉ và quy mô vụ việc. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ William Burns gọi vụ rò rỉ này là "vô cùng đáng tiếc," cho thấy mức độ cấp thiết của việc thắt chặt các bước bảo mật thông tin.
Vụ rò rỉ hàng trăm tài liệu quân sự lần này, trong đó có ít nhất 50 tài liệu có những nội dung được phân loại là tuyệt mật, là hoạt động vi phạm an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ kể từ sau vụ Edward Snowden năm 2013. Sự cố dự báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có một thực tế là nó làm suy giảm lòng tin của đồng minh đối với Mỹ, còn các nước đối thủ thì có xu hướng tăng cường bảo mật thông tin.
Phản ứng trước vụ rò rỉ thông tin tối mật mới nhất này, Hàn Quốc, một đồng minh chủ chốt của Mỹ, cho biết họ sẽ thảo luận trong một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ dự kiến tổ chức vào cuối tháng này về “các vấn đề nêu ra” trong các bản ghi bị rò rỉ cho thấy tình báo Mỹ theo dõi các quan chức Seoul.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang điều hành chính phủ vốn có chiều hướng ngày càng rạn nứt hơn với chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra tuyên bố chính thức khẳng định nội dung được mô tả trong báo cáo tình báo của Mỹ về cơ quan tình báo Mossad là “bịa đặt và không có bất kỳ cơ sở nào”.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì gọi những thông tin được tiết lộ về hoạt động gián điệp của Mỹ đối với Nga là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Khi được hỏi về cáo buộc Nga tham gia vào vụ rò rỉ thông tin, ông nói Mỹ “có xu hướng đổ lỗi mọi thứ cho Nga” và xin được miễn bình luận.
Các nước bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn ở Sudan
Khói bốc lên bầu trời sau các vụ tấn công ở Soba, phía nam Khartoum, Sudan (Ảnh: Sudan Tribune)
Lực lượng bán quân sự chính tại Sudan cho biết đã giành quyền kiểm soát một số khu vực trọng yếu tại thủ đô Khartoum, trong đó có phủ tổng thống, sau khi xảy ra giao tranh với lực lượng quân đội nước này ngày 15/4.
Trong thông báo mới, Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) cho biết đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn phủ tổng thống, tư dinh của Tham mưu trưởng lực lượng quân đội cũng như các sân bay Khartoum và Merowe ở miền Bắc Sudan. Trước đó, RSF cáo buộc lực lượng quân đội đã tấn công vào một số cơ sở của lực lượng này ở phía Nam Khartoum.
Trong khi đó, lực lượng quân đội Sudan cho biết RSF đã tấn công lực lượng này ở một số địa điểm. Hãng tin Reuters (Anh) dẫn các nguồn tin tại hiện trường cho biết đấu súng dữ dội đã xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, làm dấy lên lo ngại bùng nổ xung đột trên diện rộng. Theo hãng tin Reuters, quân đội Sudan đã huy động không quân tham gia chiến tịch tấn công lực lượng RSF.
Các đảng phái chính trị ở Sudan đã kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực có hành động khẩn cấp để ngăn các cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF. Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.
Người đứng đầu phái bộ LHQ tại Sudan (UNITAMS) Volker Perthes ngày 15/4 đã "lên án mạnh mẽ các cuộc giao tranh vừa nổ ra ở Sudan, đồng thời kêu gọi các bên ngừng giao tranh ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người dân Sudan và tránh để Sudan rơi vào tình trạng bạo lực hơn nữa.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức và cho biết toàn bộ nhân viên EU ở Sudan đều an toàn.
Cùng ngày, Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Ai Cập đều bày tỏ sự hết sức quan ngại trước tình hình leo thang và các cuộc đụng độ ở Sudan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột.
Nga nêu điều kiện gia hạn sáng kiến ngũ cốc biển Đen
Tàu chở ngũ cốc di chuyển dọc Eo biển Bosphorus tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/8/2022. (Ảnh: AFP/T)
Theo hãng thông tấn TASS, ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nhấn mạnh nước này vẫn giữ lập trường kiên định rằng nếu không có tiến triển trong việc giải quyết 5 vấn đề mang tính hệ thống, sẽ không thể đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 18/5.
Tuyên bố nêu rõ Nga tái khẳng định lập trường không tiến hành cuộc thảo luận nào về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sau ngày 18/5 tới nếu không có bất kỳ tiến triển nào liên quan 5 vấn đề mang tính hệ thống gồm tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT; nối lại nguồn cung máy móc nông nghiệp, phụ tùng thay thế và các dịch vụ bảo trì; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm đi đôi với bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận các cảng; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa; và gỡ bỏ phong tỏa các tài sản cũng như tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga liên quan đến sản xuất, vận chuyển thực phẩm và phân bón.
Trong bối cảnh trên, ngày 14/4, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi thư cho Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại về việc thực thi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Theo ông Dujarric, Liên hợp quốc đang hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo việc duy trì thực thi thỏa thuận quan trọng này.
Ông cũng cho biết trong ngày 11/4 vừa qua, đã không có tàu chở ngũ cốc nào được tiến hành kiểm tra trước khi tới Ukraine, do các bên cần thêm thời gian để đi tới nhất trí về danh sách các tàu cần ưu tiên hoạt động.Mặc dù việc thanh kiểm tra này đã được nối lại vào ngày hôm sau, nhưng hiện vẫn còn hàng chục tàu đang xếp hàng chờ tới lượt. Ngoài ra, các bên cũng chưa thống nhất được về danh sách các tàu được ưu tiên đăng ký và kiểm tra trong những ngày tiếp theo.
Vào cuối tháng 3 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chỉ được thực hiện toàn diện nếu như các lập trường của Moskva được cân nhắc, theo đó nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho châu Phi. Trước đó, Moskva cho biết đã đồng ý gia hạn thỏa thuận lần thứ hai, nhưng chỉ thêm 60 ngày (tới 18/5) do vẫn còn khúc mắc liên quan tính toàn diện của thỏa thuận này.
Italy ban bố tình trạng khẩn cấp, đẩy nhanh việc trục xuất người di cư
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh dòng người di cư trái phép đến Địa Trung Hải tăng mạnh, ngày 11/4, Nội các Italy ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề nhập cư nhằm quản lý tốt hơn lượng người di cư đến nước này và các cơ sở hồi hương.
Theo Bộ Bảo vệ dân sự và Chính sách hàng hải Italy, nguồn tài chính ban đầu dành cho tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng này trị giá 5 triệu euro (5,45 triệu USD).
Một nguồn tin chính phủ cho biết biện pháp trên sẽ giúp chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cho hồi hương nhanh chóng hơn những người không được phép ở lại Italy, đồng thời đẩy nhanh việc nhận diện và lệnh trục xuất.
Kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 10/2022, Chính phủ của Thủ tướng Meloni đã cam kết hạn chế nhập cư ồ ạt. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 31.300 người di cư đến nước này, tăng so với khoảng 7.900 người trong cùng kỳ năm 2022.
Trong những ngày gần đây, hàng nghìn người di cư đã tới các cảng biển ở Italy, đặc biệt là đảo Lampedusa, sau khi lênh đênh trên những tàu, thuyền cũ nát để vượt qua hành trình đầy nguy hiểm từ Bắc Phi.
Sau vụ đắm tàu chết người ngoài khơi vùng Calabria, miền Nam Italy hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Meloni đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép, trong khi phía Italy tăng cường phạt tù với những kẻ buôn người.
Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới
Cảnh đông đúc tại một nhà ga ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo kết quả phân tích số liệu của Liên hợp quốc (LHQ) do MarketWatch vừa công bố, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1.425.782.975 người tính đến ngày 14/4/2023, trong khi quy mô dân số của Trung Quốc giảm xuống 1.425.748.032 người. Trung Quốc giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950, khi LHQ bắt đầu công bố dữ liệu dân số.
Dự báo trên được đưa ra dựa trên số liệu công bố hồi tháng 7/2022 trong báo cáo “Triển vọng dân số thế giới” của LHQ và một phương trình tuyến tính đơn giản. Tuy nhiên, báo cáo của LHQ ước tính Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới “vào khoảng năm 2023”.
LHQ đã thu thập dữ liệu về dân số của hơn 200 quốc gia và khu vực có ít nhất 1.000 người trong năm trước. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc vào cách một quốc gia đánh giá dân số của chính mình. Dự báo dân số của LHQ sau đó được thực hiện cho ngày 1/1 và 1/7 hàng năm.
LHQ đã dự đoán dân số của Ấn Độ vào ngày 1/1/2023 là 1.422.026.528 người và sẽ là 1.428.627.663 người vào ngày 1/7/2023, tăng hơn 6,6 triệu người. Vào ngày 1/1/2023, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 với dân số 1.425.849.288 người, con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1.425.671.352 người vào tháng 7 do Trung Quốc mất đi tổng cộng gần 178.000 người.
MarketWatch đã xem xét tốc độ thay đổi mỗi ngày để xác định thời điểm chính xác mà Ấn Độ có dân số lớn hơn Trung Quốc. Đó là cách tiếp cận thô sơ, nhưng được chấp nhận rộng rãi. Dữ liệu của LHQ cho thấy sự khác biệt về dân số từ ngày 1/1 - 1/7, theo đó, Ấn Độ tăng thêm trung bình khoảng 36.470 người mỗi ngày, trong khi dân số Trung Quốc giảm, mặc dù chậm, khoảng 983 người mỗi ngày./.
Nguồn: dangcongsan.vn