Ý nghĩa lịch sử của Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945) và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) vẫn còn vẹn nguyên giá trị sau nhiều thập kỷ. Lễ kỷ niệm các ngày chiến thắng vĩ đại là những sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (6-12/5).
Nga kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc
Nhiều hoạt động tôn vinh Ngày Chiến thắng được tổ chức trên khắp nước Nga, tâm điểm là lễ duyệt binh trọng thể diễn ra tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow vào lúc 10h00 ngày 9/5. Vào ngày 9/5/1945, cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã kết thúc với thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trước Phát xít Đức, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít diễn ra tại Quảng trường Đỏ (Moscow, Nga). Ảnh: TASS
Hơn 9.000 người và 75 thiết bị quân sự tham gia diễu binh trên Quảng trường Đỏ, trong đó có các xe bọc thép Tiger, Typhoon và Ural, cũng như các hệ thống tên lửa Iskander và S-400.
Tổng thống Putin khẳng định, người Nga sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của thế hệ cha ông để bảo vệ quê hương, lật đổ chủ nghĩa Quốc xã, giải phóng các dân tộc ở châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nước Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn xung đột toàn cầu, đồng thời không cho phép bất kỳ ai có thể đe dọa người Nga.
Năm nay, các cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng được tổ chức tại 7 thành phố anh hùng và 18 thành phố đặt trụ sở các quân khu, hạm đội và quân đoàn vũ trang tổng hợp. Tổng cộng có khoảng 150.000 người và 2.500 phương tiện vũ khí, thiết bị quân sự tham gia các cuộc diễu binh trên toàn nước Nga.
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng một lần nữa khẳng định: Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cách đây 79 năm mãi mãi là một mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại. Thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” diễn ra tại tỉnh Điện Biên sáng 7/5.(Ảnh: Nguyễn Dương/CPV)
Lễ mít-tinh bắt đầu với 21 loạt pháo lễ trên nền nhạc Quốc ca. Cùng lúc diễn ra lễ chào cờ, đội bay gồm 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài chính. Ngay sau lễ mít-tinh là chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của hơn 12 nghìn người. Đội hình diễu binh, diễu hành đã tái hiện khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thể hiện khí phách, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.
Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ được báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài cũng dành sự quan tâm đặc biệt. Các tờ báo nước ngoài đã dành những lời ca ngợi cho Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam: “Trận chiến Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ 20”, "Ðiện Biên Phủ là trận Stalingrad của Việt Nam”, “Sau 70 năm, dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của Thế kỷ 20”,…
Nghị quyết mang tính lịch sử đối với Nhà nước Palestine
Sáng ngày 10/5/2024 (giờ New York), tại Phiên họp khẩn cấp đặc biệt về hình hình Trung Đông và vấn đề Palestine, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thảo luận và xem xét dự thảo Nghị quyết do Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) giới thiệu về việc trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên của Liên hợp quốc. Việt Nam là một trong số 77 nước tham gia đồng bảo trợ và 143 nước bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử đối với Nhà nước Palestine.
Kết quả bỏ phiếu Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đối với Palestine (Ảnh: CPV)
Theo Nghị quyết mới được thông qua, kể từ khoá 79 của Đại hội đồng (tháng 9/2024), đoàn đại biểu Palestine sẽ được đặc cách hưởng thêm một số quyền tương tự các quốc gia thành viên khi tham dự các phiên họp, hội nghị do Đại hội đồng và một số cơ quan khác của Liên hợp quốc tổ chức. Theo đó, đoàn Palestine sẽ được quyền thay mặt các nhóm nước phát biểu, giới thiệu và đồng bảo trợ các đề xuất; quyền ứng cử vào một số vị trí tại Phiên họp toàn thể và các Uỷ ban chính của Đại hội đồng…
Nghị quyết mới của Đại hội đồng tái khẳng định quyền tự quyết của nhân dân Palestine và đánh giá Nhà nước Palestine đã đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Nghị quyết cũng khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét lại một cách thuận lợi việc kết nạp Palestine theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên đối với nguyện vọng chính đáng này của nhân dân Palestine.
Tại Phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc và hầu hết các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình xung đột và nhân đạo tại Gaza cũng như những diễn biến mới phức tạp gần đây ở khu vực; đánh giá Nghị quyết mới được thông qua là bước đi quan trọng hướng tới việc kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, góp phần thúc đẩy thực hiện giải pháp “hai Nhà nước” nhằm đạt được hoà bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông.
Mưa lũ nghiêm trọng tại Afghanistan và Brazil, hàng trăm người thiệt mạng
Theo thông tin cập nhật từ Văn phòng của Chương trình Lương thực thế giới (FAO) tại Afghanistan và các quan chức địa phương ngày 11/5, hơn 330 người đã thiệt mạng khi mưa bão và lũ quét tấn công các khu vực chính của các tỉnh Baghlan, Takhar, Badakhshan và Ghor của Afghanistan.
Bùn ngập sau lũ tại một ngôi làng ở tỉnh Baghlan, Afghanistan ngày 11/5/2024 .(Ảnh: THX/TTXVN)
FAO cho biết riêng ở tỉnh Baghlan ở miền Bắc, hơn 300 người đã thiệt mạng, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy. WFP hiện đang phân phát bánh quy tăng cường dinh dưỡng cho những người sống sót.
Trong khi đó, các quan chức địa phương cho biết ít nhất 160 người đã thiệt mạng và 117 người bị thương ở các tỉnh Baghlan, Takhar, Badakhshan và Ghor.
Tại Brazil, Cơ quan Phòng vệ Dân sự bang Rio Grande do Sul (Brazil) ngày 8/5 cho biết, gần 400 thị trấn bị ảnh hưởng sau nhiều ngày mưa lớn tràn ngập khắp bang. Lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 100 người, làm hàng trăm người bị thương và buộc 230.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa; trong khi đó vẫn còn 128 người mất tích.
Khoảng 15.000 binh sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát và tình nguyện viên đã làm việc trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng để giải cứu những người bị mắc kẹt và vận chuyển viện trợ. Tuy nhiên, mưa lớn tại Porto Alegre (thủ phủ của bang Rio Grande do Sul) đã cản trở các nỗ lực cứu hộ.
Mưa lớn bất thường trong nhiều ngày qua đã gây ra lũ lụt, phá hủy các đường cao tốc và cầu cống ở bang Rio Grande do Sul. Đây là bang nằm giáp với Argentina và Uruguay, là địa phương sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hàng đầu của Brazil. Chỉ trong một tuần, bang này đã ghi nhận lượng mưa tương đương của 5 tháng. Mưa lũ đã gây thiệt hại ước tính lên tới 930 triệu USD, bao gồm cả thiệt hại về nhà ở và hạ tầng công cộng, cũng như nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thương vong lớn trong vụ sập tòa nhà ở Nam Phi
Chiều 6/5, tòa nhà 5 tầng nằm ở phố Victoria, thành phố George, tỉnh Western Cape (Nam Phi) bất ngờ đổ sập khi đang trong quá trình thi công. 28 công nhân được cứu tại hiện trường, trong đó 21 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Một người còn sống được lực lượng cứu hộ tìm thấy và đưa ra khỏi hiện trường. (Ảnh: AP)
Đến ngày 10/5, chính quyền tỉnh Western Cape xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà đang thi công ở thành phố George đã tăng lên 14 người sau lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm 5 thi thể.
Giới chức địa phương khẳng định vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 39 công nhân bị mắc kẹt. Tuy nhiên, một số người được cứu sống không có tên trong danh sách do nhà thầu cung cấp. Điều này gây khó khăn cho công tác tìm kiếm, do cơ quan chức năng không nắm được chính xác số người có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn.
Chính quyền địa phương vẫn chưa triệu tập được chủ sở hữu tòa nhà đến làm việc. Bộ trưởng Lao động Thulas Nxesi cho biết nhà chức trách sẽ mở cuộc điều tra về thảm kịch.
Hiện có một số nguồn tin cho biết trong số các công nhân có cả công dân Zimbabwe, Mozambique và Malawi.
Nguồn: dangcongsan.vn