NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Những chân trời tăng trưởng mới In trang
01/07/2024 08:25 SA

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc) là sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần qua (24-30/6), cùng với những nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới và tận dụng những tiềm năng, cơ hội phát triển mới...

Khai mạc Hội nghị WEF Đại Liên 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo tham dự Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo tham dự Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)  diễn ra tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Hội nghị WEF Đại Liên 2024) trong các ngày 25 – 27/6, có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos.

Hội nghị WEF Đại Liên 2024 thu hút sự tham dự đông đảo nhất trong số 15 lần Hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc với hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF.

Với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới", hội nghị năm nay thảo luận một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đó là vượt qua những giới hạn để tăng trưởng, tìm kiếm những con đường, mô hình tăng trưởng mới và tận dụng những tiềm năng và cơ hội phát triển mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những chuyển biến sâu sắc.

Hội nghị được tổ chức tại châu Á, một khu vực tiếp tục thúc đẩy 2/3 tổng tăng trưởng toàn cầu, cho phép các nhà lãnh đạo hợp tác và thúc đẩy cách thức tăng cường và duy trì động lực kinh tế tích cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít Người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp. Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm của thế giới hiện nay cùng 3 yếu tố chủ đạo và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai. Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là những yếu tố đột phá, mở ra những không gian phát triển mới, tạo ra nguồn tài nguyên không giới hạn, và là con đường ngắn nhất cho tăng trưởng nhanh, bền vững".

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Houthi ngừng các vụ tấn công trên Biển Đỏ

Ảnh chụp màn hình từ video của Houthi ghi lại hình ảnh lực lượng này chiếm tàu vận chuyển Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 20/11/2023. (Nguồn: vietnamplus)
Ảnh chụp màn hình từ video của Houthi ghi lại hình ảnh lực lượng này chiếm tàu vận chuyển Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 20/11/2023. (Nguồn: vietnamplus)

Ngày 28/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen ngay lập tức chấm dứt mọi hành động tấn công các tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ.

Nghị quyết 2739 (2024) được thông qua với 12 phiếu thuận và 3 phiếu trắng (từ Nga, Trung Quốc và Algeria) nhấn mạnh tất cả các quốc gia thành viên cần tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến lệnh cấm vận vũ khí có chủ đích nhằm vào những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Houthi, được nêu trong Nghị quyết 2216 năm 2015.

Bên cạnh đó, nghị quyết lên án mọi hành vi tấn công của Houthi nhằm vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ; yêu cầu lập tức trả tự do cho tàu thương mại Galaxy Leader và thủy thủ đoàn. Nghị quyết cũng đồng thời yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc ra báo cáo hàng tháng về các cuộc tấn công của Houthi trên Biển Đỏ và Vịnh Aden từ nay cho tới tháng 1/2025.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua trong bối cảnh từ cuối năm ngoái, lực lượng Houthi đã thực hiện nhiều cuộc tấn công ở Biển Đỏ nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine trong cuộc xung đột với Israel ở Dải Gaza.

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn cầu trong tháng 6 này đang gặp tình trạng tắc nghẽn ở mức đỉnh điểm trong vòng 18 tháng qua, trong đó tình hình đặc biệt phức tạp ở một số cảng châu Á và châu Âu. Điều này cho thấy tác động kéo dài của tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, buộc các hãng vận biển phải chuyển hướng tàu để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở vùng biển này.

Bầu cử Tổng thống Iran bước vào vòng hai

Áp phích giới thiệu các ứng cử viên Tổng thống trên đường phố Iran. Ảnh: EPA
Áp phích giới thiệu các ứng cử viên Tổng thống trên đường phố Iran. Ảnh: EPA

Ngày 29/6, Bộ Nội vụ Iran thông báo nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, do không có ứng viên nào giành được ít nhất 50% số phiếu trong cuộc bầu cử hôm 28/6.

Theo luật bầu cử Iran, hai ứng viên dẫn đầu trong vòng đầu tiên sẽ tham gia vòng bỏ phiếu thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 5/7 tới.

Kết quả kiểm đếm 24 triệu phiếu bầu cho thấy nhà lập pháp theo đường lối cải cách Massoud Pezeshkian (69 tuổi) dẫn đầu với hơn 10 triệu phiếu bầu. Theo sau đó là cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili (58 tuổi) với hơn 9,4 triệu phiếu bầu. Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf (62 tuổi) nhận được hơn 3,38 triệu phiếu bầu, trong khi cựu bộ trưởng Nội vụ Mostafa Pourmohammadi (64 tuổi) nhận được hơn 206.000 phiếu.

Trước đó, vào 8h ngày 28/6 (giờ địa phương, tức 11h30 theo giờ Hà Nội), hàng chục triệu cử tri Iran đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14. Iran đã thiết lập hơn 58.000 điểm bỏ phiếu trong nước và 344 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài cho cuộc bầu cử tổng thống.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Iran đang đối mặt nhiều khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị khu vực, nhất là xung đột giữa Israel-Hamas và căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel, ngày càng diễn biến phức tạp. Hơn nữa, Iran cũng đang đối mặt những căng thẳng ngoại giao liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Kể từ năm 2018, thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, Iran chịu áp lực kinh tế ngày càng lớn, với lạm phát tăng vọt.

Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran, ban đầu được ấn định vào năm 2025, được tổ chức sớm một năm sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng hôm 19/5 vừa qua.

NATO chính thức có Tổng thư ký mới

Ông Mark Rutte được chọn làm Tổng Thư ký NATO. Ảnh: Politico
Ông Mark Rutte được chọn làm Tổng Thư ký NATO. Ảnh: Politico

Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 26/6 đã chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng Thư ký tiếp theo của tổ chức này.

Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan có thành viên là đại diện thường trực các nước NATO đã nhất trí chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng Thư ký tiếp theo của khối này, thay ông Jens Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tháng 10 tới.

Ông Mark Rutte, 57 tuổi, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 5 của Liên minh châu Âu trong 14 năm qua, đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên quan trọng trong NATO như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được đánh giá cao nhờ khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và có lập trường linh hoạt trong việc tìm kiếm sự đồng thuận.

Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng được đánh giá cao nhờ lập trường linh hoạt trong tìm kiếm đồng thuận và có quan điểm ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên nhiệm kỳ sắp tới của ông được dự báo sẽ không dễ dàng. Người đứng đầu NATO sẽ phải đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ukraine và khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể ảnh hưởng tới các quyết sách của NATO.

Tổng thống Bolivia cam kết bảo vệ nền dân chủ trước âm mưu đảo chính

Các binh sĩ Bolivia tại quảng trường Murillo ngày 26/6. (Ảnh: AFP)
Các binh sĩ Bolivia tại quảng trường Murillo ngày 26/6. (Ảnh: AFP)

Ngày 26/6, Tổng thống Bolivia, Luis Arce, khẳng định sẽ bảo vệ nền dân chủ, trước âm mưu đảo chính do cựu Tổng tư lệnh Lực lượng quân đội nước này, Juan Jose Zuniga, cầm đầu.

Phát biểu trong lễ bổ nhiệm tân Tổng Tư lệnh Lực lượng quân đội, Jose Wilson Sanchez, thay cho tướng đảo chính Zuniga, Tổng thống Arce nhấn mạnh sẽ tôn trọng nền dân chủ cùng với sự ủng hộ của những binh sỹ biết tôn trọng Hiến pháp và thể chế chính trị quốc gia.

Tại trụ sở chính của Chính phủ Casa Grande del Pueblo, với sự hiện diện của toàn bộ nội các, Tổng thống Arce, kêu gọi người dân, các tổ chức xã hội Bolivia phản đối và chống lại âm mưu đảo chính bảo vệ nền dân chủ, và khẳng định không cho phép lực lượng đảo chính cướp đi sinh mạng của người dân.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Tổng tư lệnh quân đội Bolivia, Wilson Sanchez, yêu cầu các binh sỹ trở về đơn vị và không nên có những hành động bất cẩn gây đổ máu. Theo Chính phủ Bolivia, các binh sỹ tham gia cuộc tấn công vào trụ sở cũ của Phủ Tổng thống đã trở về nơi đóng quân.

Đại diện của các tổ chức xã hội từ nhiều vùng trên đất nước Nam Mỹ cũng xuống đường tuần hành để bảo vệ nền dân chủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Arce./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 117
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006190699
  •  Đang online: 357
  •  Trong tuần: 1.025
  •  Trong tháng: 216.573
  •  Trong năm: 2.794.612