(LĐ online) - Ngày 31/7, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã được tổ chức tại Hà Nội và tại đầu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành có liên quan.
Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
Tại đầu cầu Lâm Đồng, dự Hội nghị có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các Bí thư Thành ủy, Huyện ủy cùng Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo Chính phủ, trong giai đoạn 2019-2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Tuy nhiên, như đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; một số đơn vị hành chính hình thành mới sau sắp xếp chưa nâng cao được chất lượng đô thị; việc sắp xếp, xử lý khai thác trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập, có nơi còn lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay cần quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sao cho linh hoạt, hợp lý; đảm bảo bộ máy hành chính hoạt động trơn tru phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.
“Công việc nhiều, thời gian thì ít, yêu cầu cao, nguồn lực lại có hạn; cần sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, tập trung và hiệu quả; các ngành, địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay, nêu các khó khăn có thể lường trước, đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục trong quá trình thực hiện” - Thủ tướng chỉ đạo.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu các nội dung của Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghe các văn bản và các hướng dẫn lộ trình, các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…
Bộ Nội vụ giữa tháng 7/2023 vừa qua đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trong nước yêu cầu chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, tạo sự đồng thuận trong người dân; cho rà soát, có phương án chủ động trong việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, sử dụng công chức, viên chức, người lao động phù hợp với yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính.
Cùng đó, Bộ Nội vụ ngày 29/7/2023 cũng đã có Hướng dẫn số 4099/HD- BNV về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và việc công nhận vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp; coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tính đồng bộ, thực hiện có lộ trình, bố trí nguồn lực cả về con người, vật chất và thời gian; có cách làm, phương pháp phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hướng đến việc tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành và giảm việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, với các cấp chính quyền; tạo thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp và người dân, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng không gian phát triển, phát triển về đô thị, nông thôn, khoa học và các dịch vụ khác; đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân.
Trong giai đoạn 2023-2025, Lâm Đồng sẽ nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện gồm huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên thành 1 huyện; nhập đơn vị hành chính huyện Lạc Dương vào đơn vị hành chính TP Đà Lạt; điều chỉnh ranh giới địa chính hành chính 5 xã của huyện Bảo Lâm (gồm các xã Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc, Lộc Thành và Lộc Tân) vào TP Bảo Lộc.
Với đơn vị hành chính cấp xã sẽ nhập đơn vị hành chính xã Triệu Hải vào đơn vị hành chính xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh; nhập đơn vị hành chính xã Quảng Lập vào đơn vị hành chính xã Pró thuộc huyện Đơn Dương.
Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc cấp huyện thuộc diện khuyến khích nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo đề xuất của chính quyền địa phương.
VIẾT TRỌNG