(LĐ online) - 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, trái tim bao la, nhân ái và vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người đi tìm hình của nước”, anh hùng giải phóng dân tộc đã ngừng đập. Thời gian như ngừng lại, hàng triệu triệu trái tim Việt Nam thổn thức vì sự ra đi của Người.
18 giờ ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng Tổng Tư lệnh vĩ đại nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người anh hùng của dân tộc với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng đã mãi mãi ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nước mắt của người dân Việt Nam cũng đã rơi rất nhiều trong những ngày cuối thu năm ấy.
Và 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, cả đất nước lại một lần nữa chìm trong nỗi đau thương, với ngập tràn nước mắt khi phải vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng, một người con ưu tú của dân tộc, một người cộng sản chân chính, một trong những vị lãnh đạo kiệt xuất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bà con Nhân dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vào năm 2012
Có một điểm chung giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là sự nghiệp cách mạng vĩ đại, là những tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc Nhân dân.
Trong ngày ra đi về cõi người hiền của ba con người vĩ đại, kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, nước mắt người dân đã rơi rất nhiều. Có gì lạ đâu, khi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cả cuộc đời hy sinh cho sự tồn vong, cho sự phồn vinh, cho vị thế ngẩng cao đầu của đất nước, của dân tộc Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử. Đó là giọt nước mắt của lòng tin, của sự kính trọng, là cảm xúc chân thành, tự nhiên của những người dân đất Việt chân chính dành cho những vị lãnh tụ, lãnh đạo biết buông bỏ những ham muốn, cám dỗ vật chất thường tình để lo cho dân, cho nước.
Cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một phần của lịch sử. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Bác Hồ và vị tướng Tổng Tư lệnh đã trở thành vết son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là chàng thanh niên 25 tuổi cùng với hàng triệu người dân Việt Nam đã rơi lệ trong những ngày thu tháng 9/1969 năm nào; hay với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, là Trưởng Ban lễ tang để tiễn đưa vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng của 13 năm về trước, ông đều chứng tỏ mình là người kế tục xuất sắc của những bậc tiền hiền, của cha anh đi trước để hoàn thành sứ mệnh vĩ đại mà đất nước và Nhân dân giao phó. Ông hoàn toàn xứng đáng có một chỗ đứng vững chắc, sâu đậm trong lòng dân.
Là một nhà lãnh đạo luôn coi trọng vị thế của quốc gia, kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, điều hành đất nước bằng sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, xem mọi quyền lợi của Nhân dân là điều kiện tiên quyết trong mọi chủ trương, đường lối; ông chú trọng vào việc xây dựng Đảng, xem việc kiến thiết, đột phá cho sự cường thịnh của đất nước phải được bắt đầu bằng sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và đảng viên. Dù ở cương vị Tổng Bí thư, người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, hay những vị trí quan trọng bậc nhất của đất nước mà ông đảm nhiệm trước đó, việc xây dựng nội bộ Đảng trong sạch, liêm chính luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động. Với ông, đó luôn là chìa khóa để vực dậy niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư luôn đau đáu nỗi niềm: “Ta là con cháu Cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước, không cam chịu kém người khác”.
Nỗi niềm và sự trăn trở đó của ông, cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đã giúp cho đất nước chúng ta ngày một khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế và niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước.
Không thể kể hết những thành tựu to lớn mang ý nghĩa lịch sử mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Trung ương Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng được trong giai đoạn vừa qua. Nhưng nói ngắn gọn, bao hàm và bằng tất cả sự khiêm nhường như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó chính là: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Có thêm nhiều điều kiện tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn”.
Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger - người được coi là ngoại giao lỗi lạc nhất mọi thời thời đại của nước Mỹ, người mà bất kể đời tổng thống nào khi nhậm chức đều không bỏ qua cơ hội tham vấn ông về chiến lược ngoại giao, đã từng nhận xét về dân tộc Việt Nam: "Với người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, dân tộc Việt Nam là một dân tộc đặc biệt. Họ (Việt Nam) là một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn nhưng lại có một lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm mà bất kể một dân tộc nào trên thế giới cũng chưa từng phải trải qua, kiên cường - bất khuất, thông minh, chịu đựng, cần cù, gan dạ, anh dũng, nhân đạo và thân thiện là tất cả những gì đều có ở dân tộc này...
Với dân tộc này (Việt Nam), chúng ta nên tôn trọng quyền tự quyết của họ - tạo niềm tin và sự tôn trọng với họ - bởi họ là một thế lực rất đáng gờm trong những quốc gia Đông Nam Á và châu Á trong tương lai rất gần.
Vì thế, với Việt Nam chúng ta nên có một cách quan hệ đặc thù với họ - không gần gũi lôi kéo, không gây sức ép cô lập ác cảm với họ - hãy quan hệ với họ bình đẳng khách quan và tôn trọng họ - chắc chắn nước Mỹ sẽ có được rất nhiều lợi thế trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung - bởi đây là một quốc gia đặc biệt - một dân tộc đặc biệt - vì vậy nước Mỹ cũng nên có một mối quan hệ đặc biệt với họ”.
Dẫn chứng câu nói của vị ngoại trưởng nổi tiếng của nước Mỹ này để thấy rằng đất nước, con người Việt Nam chưa bao giờ cam chịu và khuất phục trước những khó khăn, gian nan và thử thách. Dân tộc ấy có truyền thống, có lịch sử, có văn hóa, có những giá trị tốt đẹp về nhân bản, dân tộc ấy ắt hẳn sẽ có một tương lai bền vững và hưng thịnh.
Và cũng ở dân tộc ấy, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng đều sản sinh ra những người con ưu tú, kiệt xuất, để gánh vác, đảm đương vận mệnh của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một minh chứng rõ nét nhất cho chân lý ấy.
Với đường lối ngoại giao “cây tre”, cứng rắn và mềm dẻo trong từng hoàn cảnh, ông cùng Đảng và Nhà nước đã đưa Việt Nam thoát khỏi vị thế “chiếu dưới”, trở thành một điểm đến tin cậy, an toàn và hấp dẫn đối với rất nhiều cường quốc trên thế giới, thông qua những ký kết Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ở trong nước, duy trì và thúc đẩy sự đoàn kết; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn được dày công xây đắp thông qua các giai đoạn, phù hợp với từng thời điểm đã giúp cho đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng có được định hướng chung nhất quán, với những chủ trương, đường lối lãnh chỉ đạo phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đồng thời tạo được niềm tin vững chắc trong lòng Nhân dân.
Xin vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo tài ba, người luôn nhất quán giữa nói và làm, lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Hy vọng nước mắt của người dân trong những ngày tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi vào cõi vĩnh hằng, cũng sẽ là động lực để toàn Đảng, toàn dân, những thế hệ lãnh đạo tiếp theo của đất nước “biến đau thương thành hành động” kế tục bồi đắp, vun xới những giá trị di sản mà đồng chí Tổng Bí thư để lại; tiếp tục đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới bằng nội lực và tâm thế vững vàng nhất.
ĐẶNG TUẤN LINH