(LĐ online) - Ngày 22/8, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Bùi Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì hội nghị
Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban của Tỉnh ủy, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành, huyện, thành phố.
Trong 10 năm qua, Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết và đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, cùng với những chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Việt Nam thân thiện, nồng hậu, nghĩa tình, Lâm Đồng đã xây dựng chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức với những phẩm chất mang tính đặc thù “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của quê hương; phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng về thể chất và tâm hồn, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Không ngừng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đến tận thôn, buôn, khu phố; hoàn thiện thể chế, ban hành nhiều chính sách phát triển văn hóa xuất phát từ thực tiễn để đảm bảo tính khả thi.
Đồng chí Bùi Thắng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết
Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam, tỉnh đã chú trọng phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn tạo cảnh quan, xây dựng nông thôn mới làm nên môi trường nông thôn đáng sống. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu nhiều ý kiến thiết thực
Tỉnh ủy đã chỉ đạo, định hướng sự phát triển toàn diện các giá trị và sức mạnh văn hóa, con người phù hợp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quan tâm xây dựng con người Lâm Đồng phát triển toàn diện. Xây dựng các chuẩn mực văn hóa lãnh đạo trong Đảng, quản lý, công sở, trong giao tiếp và văn hóa gia đình; tăng cường xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, làm cho văn hóa trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp trong hoạt động kinh tế. Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” đã trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, được lồng ghép trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị
Thường xuyên quan tâm giáo dục định hướng cho thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh, tích cực, sáng tạo trong lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào tình nguyện cũng như tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Văn học, nghệ thuật Lâm Đồng luôn bắt nhịp theo xu hướng phát triển văn học, nghệ thuật chung của cả nước, với dòng mạch chính chủ đạo vẫn là “Chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, dân tộc”.
Đồng chí Phạm Triều - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị
Tiếp tục nâng cao nhận thức, giáo dục về giá trị gia đình; nêu gương các gia đình tiêu biểu, ứng xử chuẩn mực; phổ biến kiến thức, kỹ năng để các gia đình chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội góp phần nâng cao nhận thức để xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Việc thực hiện các Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quan tâm bố trí ngân sách, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tu sửa, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các cơ sở tôn giáo, khuyến khích bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, phục dựng một số lễ hội truyền thống đặc sắc.
Đại biểu dự hội nghị
Chú trọng phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa trên nhiều lĩnh vực mà tập trung việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo động lực để phát triển kinh tế du lịch. Xác định bản sắc văn hóa dân tộc bản địa của tỉnh là dân tộc Mạ, K’Ho, Churu; việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống cùng với các hoạt động nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số là yếu tố cần giữ gìn và phát huy.
Đại biểu dự hội nghị
Phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, hướng đến các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường ngoại giao văn hóa, chủ động hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhanh và bền vững.
Đại biểu các huyện, thành dự hội nghị
Văn hóa rất rộng lớn, nhưng rất cụ thể trong từng hành vi, từng việc làm. Hội nghị đã nhận được 9 ý kiến tham luận của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị; qua đó khẳng định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu kết luận
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo: Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa; cần nghiên cứu lại Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đến Nghị quyết 33 (khóa XI) để chúng ta thấy sự phát triển trong nhìn nhận, đánh giá, tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, để thấy thấm hơn những yêu cầu đòi hỏi của Đảng ta về văn hóa.
Quang cảnh hội nghị
Từng địa phương, từng đơn vị, từng ngành, từng lĩnh vực phải soi rọi lại mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 33 đặt ra với kết quả đạt được trên địa bàn tỉnh. Cần phân tích, đánh giá, nhận diện đúng, đầy đủ đặc điểm tình hình của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, để xác định chúng ta đã làm gì trong thời gian tới. Phát huy thế mạnh, sự độc đáo, khác biệt riêng có của mảnh đất và con người Lâm Đồng. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành một chỉ thị về phát triển văn hóa ở Lâm Đồng. Nếu trong xây dựng Đảng ta có Chỉ thị 34 với “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”, thì trong lĩnh vực văn hóa với tiềm năng, với lợi thế, với yêu cầu đặt ra thì Chỉ thị của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa, con người Lâm Đồng sẽ phải đề cập đến vấn đề cốt lõi, cụ thể về đặc trưng, bản sắc vốn có của người Lâm Đồng trong tình hình mới.
QUỲNH UYỂN