Công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân được thực hiện vào dịp cuối năm nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm,… Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị được quán triệt theo hướng chặt chẽ, thực chất
Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định, Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng; trên cơ sở Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Hướng dẫn số 25 của Ban Tổ chức Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm và cuối nhiệm kỳ đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị và năm nay có một số điểm mới đã được Ban Tổ chức Tỉnh ủy quán triệt, hướng dẫn thực hiện.
Mục tiêu chung của việc đánh giá, xếp loại và khen thưởng hướng đến đảm bảo chặt chẽ, thực chất, không chạy theo thành tích, số lượng, nói thẳng vào sự thật. Tập trung kiểm điểm, phân tích, làm rõ việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm, vi phạm qua kết luận của các cơ quan chức năng, các đoàn kiểm tra, thanh tra đã chỉ ra; đánh giá rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ bằng sản phẩm cụ thể, gắn với thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; gắn với với các phong trào thi đua cao điểm do Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy định kiểm điểm lần này do có bổ sung nội dung kiểm điểm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2020-2025 theo Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng.
Mặt khác, nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm điểm hàng năm như nội dung kiểm điểm cá nhân còn trùng lắp; bổ sung một số đối tượng kiểm điểm cho thống nhất và đồng bộ; điều chỉnh một số nội dung biểu mẫu; bổ sung một số biểu mẫu theo yêu cầu của TW trong năm 2024,… Theo đó, có bổ sung mới 3 biểu mẫu gồm: Mẫu số 05-KĐ,2020-2025; Mẫu số 06-KĐ,2020-2025; Mẫu số 07-KĐ,2020-2025 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối nhiệm kỳ 2020-2025.
Bổ sung một số nội dung kiểm điểm, đánh giá xếp loại của tập thể, cá nhân theo Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, siết lại một số tiêu chí xếp loại nhằm đưa việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất hơn. Gắn trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá, xếp loại với trách nhiệm người đứng đầu phải tự chịu trách nhiệm về thẩm quyền, nội dung kiểm điểm và mức đánh giá, xếp loại của cấp mình và cấp dưới thuộc phạm vi quản lý.
Về bố cục, Quy định (mới) có 4 chương, 21 điều; như vậy, bổ sung thêm 2 điều so với Quy định số 26-QĐ/TU, ngày 3/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (4 chương, 19 điều). Bổ sung 2 điều này về nội dung, đối tượng kiểm điểm cuối nhiệm kỳ (theo điểm 9.2.2, khoản 9.2, mục 9, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng) mà Quy định 26-QĐ/TU chưa có.
Về cơ bản, Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hằng năm trước, nhiệm kỳ sau phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm, phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là hiệu quả công việc. Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; gắn kết quả của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Nội dung kiểm điểm cần tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; năng lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, về nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung gồm có 11 nội dung chính. Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm và cuối nhiệm kỳ đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Thời điểm kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân được tiến hành vào dịp cuối năm, cuối nhiệm kỳ và hoàn thành trước khi tổng kết công tác năm, tổng kết nhiệm kỳ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đối với những ngành, lĩnh vực có tính chất, đặc điểm riêng thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương.
Thời gian kiểm điểm, đánh giá, xếp loại: Cấp ủy cơ sở; tập thể lãnh đạo, quản lý kiểm điểm ít nhất 1/2 ngày, hoàn thành trước ngày 15/12 hằng năm; Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở kiểm điểm ít nhất 1,5 ngày (Riêng Đảng ủy: Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Khối Các cơ quan tỉnh, Khối Doanh nghiệp tỉnh không quá 1 ngày), hoàn thành trước ngày 20/12/2024. Đối với những nơi Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm thì thời gian kiểm điểm từ 1,5 đến 2 ngày, hoàn thành trước ngày 20/12 hằng năm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm ít nhất 2 ngày, hoàn thành trong tháng 1 năm sau.
(Theo NGUYỆT THU/baolamdong.vn)