Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lạc Dương đã tăng cường công tác tham mưu về chính sách cũng như nghiên cứu triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.
Nấm hương đang trở thành sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả cao của huyện Lạc Dương.
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương cho hay: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã cụ thể hóa nghị quyết thành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và tập trung tổ chức thực hiện. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Do vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện.
Theo đánh giá của ngành thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương đạt 17,65%; cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 43,35%. Diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn huyện ước đạt 7.000 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 290 triệu đồng/ha/năm; có trên 30% diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao, đạt 70% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương đã có những tham mưu cũng như nghiên cứu triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trước hết, phải kể đến việc tham mưu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp điểm để từ đó đánh giá nhân rộng trong Nhân dân. Một số mô hình đạt hiệu quả cao như: mô hình atiso liên kết với Công ty Dược phẩm Lâm Đồng thực hiện được 74 hộ dân/22 ha; mô hình trồng nấm hương liên kết với Công ty cổ phần Nguyên Long với 33 hộ dân/44 nhà trồng nấm; mô hình liên kết chuỗi cà phê với Công ty Acom với 110 hộ/80 ha; mô hình lúa chất lượng J02; mô hình nuôi bò bằng đệm sinh học với 45 hộ/45 chuồng bò…
Đồng thời, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường tuyên truyền người dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Đến năm 2020, toàn huyện có 800 ha sản xuất trong nhà kính, tăng 570 ha so với năm 2015. Trong đó, sản xuất được chứng nhận VietGAP khoảng 200 ha, chứng nhận GlobalGap 7 ha, chứng nhận Organic 6 ha, trồng rau thủy canh 3 ha, nông nghiệp thông minh IOT 30 ha... Giá trị sản xuất bình quân ước năm 2020 đạt 290 triệu đồng/ha, tăng 110 triệu đồng so với năm 2015. Doanh thu sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 800 triệu đồng/ha, có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa ly ly; rau đạt khoảng 500 triệu đồng/ha; đối với sản xuất rau ngoài trời doanh thu đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha.
Không những vậy, Phòng NN&PTNT huyện còn tham mưu thực hiện tốt các chương trình dự án nông nghiệp. Cụ thể: trợ giá giống cây trồng, tái canh cà phê, Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi, nông nghiệp công nghệ cao… Tổng kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án giai đoạn 2015 - 2019 hơn 5.600 triệu đồng. Toàn huyện đã triển khai trồng mới, xen ghép, chuyển đổi 500 ha cây các loại. Đồng thời, trồng tái canh, cải tạo giống cà phê chất lượng cao 100 ha. Vận động chuyển đổi cây trồng trong đồng bào dân tộc thiểu số với 500 hộ/166,47 ha từ cà phê già cỗi sang sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao. Thông qua đó, giá trị sản xuất trên đơn vị đất canh tác ngày càng nâng lên, người dân từng bước cải thiện sinh hoạt, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, công tác tham mưu triển khai các nguồn vốn phi chính phủ cũng được Phòng NN&PTNT huyện thực hiện tốt. Đã phối hợp Tổ chức phát triển Hà Lan SNV triển khai Dự án Cà phê nông - lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng với quy mô triển khai dự án 1.500 hộ dân/1.500 ha; Tổ chức IDH thực hiện Đề án cảnh quan bền vững không mất rừng trên địa bàn huyện; Tổ chức Jica triển khai các hoạt động bảo vệ Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang và hỗ trợ đa dạng sinh kế cho người dân.
“Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như rau, hoa, cà phê. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tăng cường chuyển đổi giống cây trồng hiệu quả như lúa J02 70 ha, cây dược liệu atiso 150 ha, nấm hương 200 nhà nấm. Xây dựng thương hiệu tập thể: hoa hồng Langbiang, nấm hương Langbiang. Xây dựng 1 trung tâm giới thiệu trưng bày sản phẩm đặc trưng, nhằm quảng bá, nâng cao thương hiệu của địa phương. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn huyện. Phát triển chăn nuôi tập trung, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch. Duy trì mở rộng phát triển nuôi cá nước lạnh tại các khu vực có điều kiện…”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương Hoàng Xuân Hải cho biết thêm.
VIỆT HÙNG
Nguồn: baolamdong.vn