NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Sức sống làng nghề dưới chân núi Lang Biang In trang
04/04/2022 08:18 SA

Rượu cần, dệt thổ cẩm lâu nay được biết đến là nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc dưới chân núi Lang Biang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Việc gắn kết với du lịch đang là hướng đi để gìn giữ sức sống, phát triển những sản phẩm truyền thống này.

Sản phẩm dệt truyền thống của người K’ho Cil.
Sản phẩm dệt truyền thống của người K’ho Cil.

Rượu cần - biểu tượng của giàu có, thịnh vượng

Trước đây, rượu cần được xem là công việc phụ lúc nông nhàn và chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, làng bản mỗi khi có lễ, Tết, hội hè, cưới hỏi, tang ma,… Đến nay rượu cần đã trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách.

Chẳng ai biết rượu cần có từ khi nào, chỉ biết từ xưa đến nay phụ nữ làng K’ho Lạch đã biết làm rượu cần rồi. Với họ rượu cần chính là mạch nguồn thức uống tâm linh, bắt buộc phải có trong các sự kiện trọng đại. Rượu cần chính là thức uống không thể thiếu trong mỗi gia đình người K’ho Lạch dưới chân núi Lang Biang.

Nhiều gia đình dưới chân núi Lang Biang giữ nghề làm rượu cần đến nay đã hơn bốn thế hệ. Các chóe (hũ) rượu cần được đặt xung quanh nhà, biểu tượng của sự giàu sang, thịnh vượng. Thông thường gia đình nào có nhiều con cháu sẽ có nhiều rượu cần để sẵn trong nhà.

Rượu cần còn là thước đo sự đảm đang của những người phụ nữ K’ho Lạch. Nhà nào có nhiều rượu cần, chứng tỏ phụ nữ nhà ấy là người biết chăm sóc, vun vén cho gia đình. Trong ngày lễ “bắt chồng”, những cô gái có nhiều chóe rượu làm sính lễ sẽ được nhiều người nể phục, kính trọng.

Để có một chóe rượu cần ngọt, ngon, cần trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trước hết chính là phải chuẩn bị các chóe rượu, chóe phải được phơi thật khô và tránh đụng phải các đồ chua. Nếu choé bị ẩm, khi làm rượu cần sẽ bị hỏng, phải vứt cả chóe rượu.

Nguyên liệu để làm rượu cần là ngô, các loại gạo nương, trấu. Cơm sau khi để nguội được trộn với men và trấu rồi cho vào chóe rượu. Sau khi đậy nắp thật chặt thì đem cất trong nhà. Khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng, chóe bắt đầu có rượu. Vì làm bằng trấu, gạo lứt nên so với nhiều nơi, rượu cần ở Lang Biang có vị chát đặc trưng.

Men chính là nguyên liệu quan trọng nhất khi làm rượu cần, quyết định đến chất lượng của hũ rượu. Trước đây, người Lạch thường vào rừng hái lá, vỏ, rễ của các loại cây thảo dược về làm men rượu cần, hiện nay còn rất ít hộ giữ được phương pháp làm men truyền thống này.

Bà Păng Tin Jí thường xuyên kiểm tra các chóe rượu mình làm.
Bà Păng Tin Jí thường xuyên kiểm tra các chóe rượu mình làm.

Bà K’ra Janh Glế (70 tuổi, ở thôn Bon Dơng 1, thị trấn Lạc Dương) cho biết, nếu như dùng men rừng để làm rượu cần thì rượu sẽ có vị ngọt hơn, đậm đà hơn, càng để lâu rượu càng ngon. Cái khó hiện nay một số loại thảo dược dùng làm men rượu cần gần như không thể tìm thấy. Cùng với việc ít người biết cách làm men thảo dược, nên người ta chủ yếu dùng men công nghiệp để thay thế.

Ngoài ra còn một loại men tự làm nữa là men gạo. Theo bà Glế, để làm men gạo, trước hết phải xay bột gạo nương, sau đó ủ khoảng 3 tuần để bột này lên men. Sau khi bột gạo đã lên men thì phơi khô sau đó xay nhuyễn là đã có thể dùng được.

Gia đình bà Păng Ting Jí (ở buôn Bon Dơng I) cũng là một người chuyên làm rượu cần. Tùy theo lượng khách đặt, mỗi tháng bà thường làm từ 7-12 chóe, mỗi chóe từ 5 đến 10 lít. Bà Păng Ting Jí chia sẻ, trước đây làm rượu cần là công việc dành riêng cho phụ nữ, nhưng ngày nay nam nữ đều biết làm cả. Bởi vì rượu cần giờ đây đã trở thành hàng hóa để giúp bà con có thêm thu nhập. Mỗi chóe rượu tùy vào dung tích có giá từ 300 đến 500 ngàn đồng, đây chính là nguồn thu không nhỏ của bà con nơi đây, đặc biệt vào những mùa du lịch.

Anh Kra Jãn Meng Nôl – cán bộ văn hóa thị trấn Lạc Dương cho hay, rượu cần chính là sản phẩm truyền thống của người K’ho Lạch dưới chân núi Lang Biang. Bên cạnh việc làm rượu cần để phục vụ cho sinh hoạt thì nó còn là sản phẩm kinh tế của bà con. Nhiều năm qua, để khuyến khích việc duy trì làng nghề rượu cần, UBND thị trấn Lạc Dương đã hỗ trợ cho bà con, các đội nhóm cồng chiêng kinh phí mua chóe để làm rượu cần.

Du lịch - động lực vực dậy nghề dệt thổ cẩm

Cũng giống như rượu cần, nghề dệt đã tồn tại từ rất lâu trong buôn làng K’ho Cil (buôn B’nớ, nay là tổ dân phố B’nớ C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) dưới chân núi Lang Biang, phụ nữ trong buôn ai lớn lên cũng biết dệt thổ cẩm, vì vậy buôn làng cũng mang cái tên gắn liền với nghề dệt. “B’nớ” là tên gọi dụng cụ chính để dệt thổ cẩm, dụng cụ này được làm từ một miếng gỗ to bản khoảng 10cm, dài 1m, nhọn một đầu để nghệ nhân có thể linh hoạt luồn sợi vào tấm thổ cẩm (ùi) đang dệt.

Bà Kiklas có thu nhập cao nhờ bán các sản phẩm dệt cho du khách.
Bà Kiklas có thu nhập cao nhờ bán các sản phẩm dệt cho du khách.

Khung dệt của người K’ho Cil khá là đơn giản, có thể tháo rời, khác biệt khung cửi đồ sộ thường gặp. Với người Cil, khung dệt không đặt cố định, được làm bằng thanh tre nứa bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ, được giữ bằng chân. Khi dệt, người dệt phải ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt.

Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cà phê, rau, hoa thương phẩm, dệt thổ cẩm là công việc được đàn bà, con gái làm lúc nông nhàn. Vì số lượng làm ra nhiều nên bà con đã biến nó trở thành món hàng để trao đổi cho những buôn làng xung quanh.

Việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh là hướng đi bền vững và hiệu quả, không chỉ góp phần khôi phục, phát triển nghề dệt đang bị mai một, tạo nên sự đa dạng của sản phẩm du lịch, mà còn giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của đồng bào nơi đây.

Trước đây bà con chủ yếu dệt S’rông (tấm vải lớn dùng để mặc), hiện nay do nhu cầu của du khách nên làm thêm nhiều sản phẩm, mẫu mã hơn như: Vòng tay, túi xách, dây buộc đầu, khăn choàng cổ,... những sản phẩm được làm thủ công với nhiều màu sắc, hoa văn đặc trưng.

Người K’ho Cil ưa chuộng màu nền màu tối, đặc biệt là hai màu xanh và xanh đen. Trên một khổ vải, phụ nữ Cil thường tạo hai dải hoa văn ở hai bên mép. Để tạo được họa tiết bắt mắt, người dệt phải tiếp thu những kiến thức do người đi trước để lại như bố cục, cách sắp xếp sợi ngang sợi dọc, phải trải bao nhiêu sợi màu này, màu kia mới tạo ra hoa văn vừa ý.

Thổ cẩm có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân K’ho Cil, đặc biệt là trong lễ “bắt chồng”. Tùy vào số thành viên trong gia đình nhà trai, mà quy định số lượng S’rông mà người con gái phải dệt, chuẩn bị làm sính lễ.

Bà Rơ Ông Kiklas (65 tuổi, trú Buôn B’nớ) cho biết, để dệt được một tấm vải lớn phải mất tới gần 2 tuần, mỗi chiếc có giá thành từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Những món đồ lưu niệm, làm trong thời gian ngắn hơn. Nếu lượng khách ổn định, mỗi tháng bà Kiklas có thể thu từ 5 đến 7 triệu đồng.

Điều quan trọng nhất khi dệt chính là kĩ thuật dệt hoa văn, các hình thù trên tấm vải phải được phối màu hài hòa, cân đối. “Trước đây, những tấm S’rông được làm hoàn toàn thủ công bằng sợi bông tự trồng, tự nhuộm màu, mỗi tấm S’rông có thể đổi được 1- 2 con trâu, bò và có thể sử dụng đến hàng chục năm” - bà Kiklas kể.

Nghề dệt tốn nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi độ tỉ mỉ cao. Do đó, nhiều bạn trẻ trong làng không mấy mặn mà với nghề này. Từ khi những sản phẩm dệt may công nghiệp thịnh hành, nghề dệt thổ cẩm cũng mai một dần, nhiều người chọn đi xa làm thuê thay vì quanh quẩn với nương rẫy, khung cửi.

Du lịch phát triển đã góp phần tạo động lực để vực dậy nghề dệt thổ cẩm, đó cũng chính là động lực để nhiều bạn trẻ tiếp nối nghề truyền thống. Hiện nay du khách đến tham quan Lang Biang có thể bắt gặp những sản phẩm thổ cẩm được bày bán khắp nơi, thu hút du khách mỗi khi ghé thăm.

Ông Ha Tiên - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận buôn B’Nớ C cho biết, hiện tổ dân phố này đang có 55 hộ dân vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm thường xuyên. Trước đây, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, lượng khách ghé thăm thường xuyên lớn, hầu như bà con thực hành nghề dệt liên tục. Nhưng từ khi có dịch thì cũng hạn chế lại, chủ yếu chỉ dệt khi có khách đặt mua. Để duy trì nghề dệt truyền thống, các chị em trong buôn thường xuyên tổ chức dệt ủi theo nhóm, đồng thời chỉ dạy cho con em trong nhà làm nghề, theo hình thức vừa học vừa làm.

Phan Hòa

Nguồn: baophapluat.vn

Lượt xem: 1.508
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006437529
  •  Đang online: 93
  •  Trong tuần: 8.386
  •  Trong tháng: 117.442
  •  Trong năm: 117.442