Ngày 3/7, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện văn bản mới của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng; văn bản của UBND tỉnh về việc tăng cường rà soát đối tượng và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại TP Đà Lạt
NGƯỜI DÂN KHÔNG NÊN BỎ LỠ CƠ HỘI TIÊM CHỦNG PHÒNG DỊCH
Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng, đảm bảo tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tăng cường tuyên truyền vận động để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu, đồng thuận việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt là vận động người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4); người từ 12 đến dưới 18 tuổi đi tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022.
Tiếp tục rà soát và trích xuất toàn bộ danh sách các trường hợp chưa tiêm (mũi 3, mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên; mũi 3 đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 1, mũi 2 đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi) theo từng địa bàn cấp xã, gửi Chủ tịch UBND huyện, thành phố để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể căn cứ danh sách đối tượng chưa tiêm trên địa bàn để vận động người dân đi tiêm theo lịch của ngành y tế.
Trường hợp không tiêm, yêu cầu người dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng mắc bệnh hoặc lây truyền bệnh cho người khác.
Nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với Phòng Y tế, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng; vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), các hoạt động trong thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc, theo dõi và hỗ trợ địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đảm bảo an toàn, sử dụng hiệu quả số vắc xin hiện có và sẽ tiếp nhận.
Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố có tiến độ tiêm chậm.
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN VÀ PHÂN BỔ VẮC XIN
Từ tháng 3/2021 đến ngày 28/6/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 251.069.554 liều, đáp ứng đủ để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong đó, vắc xin tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đã tiếp nhận 234.636.554 liều, đã phân bổ 218.894.196 liều, chưa phân bổ 15.742.358 liều.
Vắc xin tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiếp nhận 16.433.000 liều, đã phân bổ 9.669.400 liều, chưa phân bổ 6.463.600 liều.
Tháng 6/2022, dự kiến tiếp nhận thêm 2.001.600 liều do chính phủ Pháp hỗ trợ, nâng tổng số vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm tuổi này là 18.434.600 liều. Số vắc xin này đủ để triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 27/5/2022, cả nước đã tiêm được 230.933.469 liều/ 225.451.196 liều vắc xin phân bổ 150 đợt, tỷ lệ sử dụng đạt 100%. Các địa phương đã hoàn thành việc tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ và hiện đang tích cực triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tình hình tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến hết ngày 27/6, đã tiêm cho 44.622.041 người, tỷ lệ đạt 66,3%. Bên cạnh đó, đã có 14.976.862 mũi tiêm bổ sung đã được thực hiện.
Tổng số mũi bổ sung và mũi 3 đã thực hiện là 59.598.903 mũi (đạt tỷ lệ 88% người từ 18 tuổi trở lên). Tỷ lệ tiêm mũi 3 tại các địa phương như sau: 12/63 tỉnh, thành phố trên 80%; 26/63 tỉnh, thành phố từ 60% đến dưới 80%; 25/63 tỉnh, thành phố dưới 60%.
Theo khu vực: Tỷ lệ bao phủ mũi 3 ở Miền Bắc là 75,6%, Miền Trung là 54,0%, Tây Nguyên là 53,1% và Miền Nam là 60,3%.
Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3. Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, triển khai tiêm được khoảng 2,2 triệu liều mũi 3 (trung bình khoảng 84.000 liều/ngày). Tiến độ tiêm mũi 3 có xu hướng chậm. Với tốc độ tiêm chủng như vậy, đến hết quý II/2022, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên có thể chỉ đạt khoảng gần 70%.
Việc triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân sau: Một bộ phận người dân không đi tiêm mũi 3, đặc biệt là người đã mắc Covid-19 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc Covid-19 dẫn đến tâm lý chủ quan không tiêm mũi 3.
Có khoảng 15 triệu người đã tiêm liều bổ sung, trong đó một lượng lớn đối tượng sau khi tiêm bổ sung thì không tiếp tục tiêm liều nhắc lại, mặc dù đã có sự truyền thông, tư vấn, vận động của nhân viên y tế. Sự di biến động dân cư nhiều, một số lượng lớn các đối tượng quay trở lại các thành phố lớn để học tập, làm việc dẫn đến việc thống kê đối tượng tiêm mũi 3 gặp khó khăn.
TÌNH HÌNH TIÊM MŨI NHẮC LẠI LẦN 2 (MŨI 4)
Ngày 23/6, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó mở rộng thêm nhóm đối tượng cần tiêm mũi 4. Cụ thể đối tượng cần tiêm mũi 4 là: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Đến hết ngày 27/6, có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm mũi 4 được 3.677.020 liều. Hiện tại, có nhiều đối tượng sau khi tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) mắc Covid-19 thì không tiếp tục tiêm mũi 4 (liều nhắc lại lần 2).
Tình hình tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 trên tổng số trẻ ở nhóm tuổi này là 50,4% và 16,6%. Theo khu vực tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 ở Miền Bắc là 45,8% và 15,5%, Miền Trung là 42,8% và 10,2%, Tây Nguyên là 52,1% và 9,0%, Miền Nam là 59,1% và 21,3%.
Việc triển khai tiêm vắc xin liều cơ bản cho nhóm tuổi này hiện đang chậm hơn so với lộ trình dự kiến và khó khăn hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn đã triển khai trước đó.
Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh hiện tại đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vắc xin đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên cao; số trẻ mắc Covid-19 thời gian qua nhiều (khoảng 3,5 triệu trẻ mắc Covid-19 trong tháng 2,3,4/2022) nhưng đa phần ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.
Nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.
KHẢ NĂNG THỪA VẮC XIN
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đến ngày 29/6, số vắc xin phòng Covid-19 còn tồn tại các tuyến là 36,6 triệu liều; trong đó 22,3 triệu liều tại tuyến trung ương; 4,7 triệu liều tại tuyến khu vực và 9,6 triệu liều tại tuyến tỉnh. Ngoài ra, có thể sẽ tiếp nhận thêm 2.360.871 liều vắc xin AstraZeneca bổ sung của Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam trong khuôn khổ hợp đồng mua vắc xin.
Dôi dư vắc xin trong quá trình triển khai tiêm liều cơ bản (mũi 1, mũi 2), ví dụ 1 lọ vắc xin AstraZeneca đóng 10 liều nhưng tiêm được 11-12 người; vắc xin Moderna để tiêm mũi 3 chỉ sử dụng1/2 liều (0,25ml). Do đó, sau khi tiêm đủ số đối tượng thì vẫn còn thừa vắc xin. Số vắc xin thực tế triển khai sẽ dôi khoảng 11 triệu liều so với số đối tượng tiêm.
Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin đầy đủ cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng và kịp thời ban hành các hướng dẫn chuyên môn mở rộng đối tượng tiêm chủng, tăng số mũi tiêm. Tuy nhiên, sự phối hợp của các bộ, ngành với Bộ Y tế trong việc triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cần tăng cường hơn nữa.
Các địa phương đã nỗ lực vận động, tổ chức tiêm chủng bằng nhiều hình thức và triển khai tiêm kể cả ngày nghỉ, lễ tết, ngoài giờ. Tuy nhiên, còn có địa phương chính quyền chưa vào cuộc, chưa quyết liệt chỉ đạo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và liều cơ bản cho trẻ em từ 5-12 tuổi đạt tỷ lệ cao so với thế giới. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng đảm bảo đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và số vắc xin đã tiếp nhận. Vắc xin hạn ngắn, đặc biệt một số vắc xin sau khi rã đông phải sử dụng trong khoảng thời gian cho phép nên việc điều chuyển giữa các đơn vị gặp khó khăn.
Để tăng tỷ lệ tiêm chủng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với vắc xin Covid-19 và không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, các địa phương cần duy trì thường xuyên điểm tiêm chủng, tiêm lưu động, tiêm tại nhà.
AN NHIÊN
Nguồn: baolamdong.vn