Trong 6 tháng đầu năm 2022, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện có chiều hướng phức tạp và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng này, huyện Lạc Dương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, qua đó đã làm rõ và xử lý nhiều đối tượng vi phạm, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.
Trong những tháng đầu năm 2022, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, đặc biệt là xảy ra tình trạng lấn chiếm, rao bán đất rừng, đất lâm nghiệp như báo chí đưa tin, huyện Lạc Dương sau khi kiểm điểm rút kinh nghiệm, đã nghiêm túc chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng và các địa phương trong huyện tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiều giải pháp đã được huyện tăng cường như: củng cố, kiện toàn lại Đội 12- Đội thường trực quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; đầu tư các trang thiết bị Flaycam, Camera giám sát tầm cao nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm,... nhờ đó đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm luật lâm nghiệp.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử lý nghiêm đối với đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện
Có thể thấy, trên địa bàn huyện Lạc Dương những năm gần đây, tình trạng khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép diễn ra rất phức tạp. Ngoài 2 địa bàn nổi cộm là điểm nóng về phá rừng là xã Đạ Sar và Đạ Nhim, thì hiện nay một số địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã Đạ Chais và Đưng K’ Nớ, tình trạng vi phạm luật lâm nghiệp ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là: phá rừng để lấy đất sản xuất, lấy gỗ làm nhà ở và sang nhượng trái phép do giá đất trên địa bàn huyện tăng cao trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, trong số 31 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện trên địa bàn huyện thì địa bàn xã Đưng K’Nớ xảy ra 14 vụ, chiếm hơn 45% số vụ vi phạm của toàn huyện. Hành vi phá rừng của các đối tượng rất tinh vi nên rất khó cho lực lượng Kiểm lâm trong việc phát hiện và bắt giữ. Đáng chú ý là xuất hiện tình trạng băng nhóm bảo kê rừng, chống đối lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ.
Cơ quan chức năng huyện Lạc Dương bắt giữ các đối tượng được thuê phá rừng tại Tiểu khu 41 xã Đưng K’Nớ
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều vụ vi phạm đã được điều tra làm rõ, nổi cộm như: Vụ phá rừng trái pháp luật tại tiểu khu 63, xã Đưng K’Nớ làm thiệt hại là 5,55 ha rừng, qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được 17 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Đưng K’Nớ chặt phá rừng để lấy đất sản xuất, trong đó có 3 trường hợp vi phạm vượt khung xử phạt hành chính bị khởi tố hình sự, 14 trường hợp còn lại đề nghị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với vụ phá rừng và tàng trữ sử dụng vũ khí mà đối tượng chủ mưu là Trần Lê Thanh Tú, ngụ phường 4 TP Đà Lạt đã thuê 7 đối tượng người dân tộc thiểu số ở huyện Đam Rông đến phá hơn 3.920 m2 rừng, làm thiệt hại 3,877 m3 gỗ ở tiểu khu 41, xã Đưng K’Nớ, hiện cơ quan Công an đang tạm giam 3 tháng đối với đối tượng Trần Lê Thanh Tú và 03 đối tượng ở huyện Đam Rông. Ngoài ra, áp dụng biện pháp không được rời khỏi nơi cư trú đối với 03 đối tượng còn lại trong vụ phá rừng này để thu thập chứng cứ hoàn thiện hồ sơ đưa ra truy tố xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng với trường hợp lấn chiếm, rao bán đất rừng, đất lâm nghiệp bất hợp pháp tại Tiểu khu 135, xã Đạ Sar mà Chương trình “Toàn cảnh 24h” do kênh truyền hình VTV9 đưa tin, huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ và đã tiến hành giải tỏa, trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Đồng thời đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với ông Bon Dơng Ha Sáu và bà Đinh Thị Thúy cùng ở xã Đạ Sar về hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép. Theo Quyết định số 1184 ngày 30/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Bon Dơng Ha Sáu với hành vi lấn chiếm, bán trái phép 12.600 m2 đất rừng sản xuất, bị xử phạt hành chính 105.000.000 đồng và buộc phải nộp lại 5.805.000 đồng số lợi bất hợp pháp. Bà Đinh Thị Thúy cũng bị xử phạt hành chính 105.000.000 đồng về hành vi chiếm đất rừng trái phép theo Quyết định 1182 ngày 29/6/2022 của UBND tỉnh, đồng thời phải nộp lại số lợi bất hợp pháp 993.000 đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc phải trả lại diện tích đất đã chiếm.
.
Các đơn vị chủ rừng phối hợp tiến hành giải tỏa cây trồng, tháo dỡ hàng rào trên các vị trí đất rừng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép
Các đơn vị chủ rừng phối hợp tiến hành giải tỏa cây trồng, tháo dỡ hàng rào trên các vị trí đất rừng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép
Không chỉ xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm, huyện Lạc Dương cũng rất kiên quyết trong việc kiểm điểm và xử lý các cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, huyện Lạc Dương đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với tập thể cấp ủy, chính quyền huyện, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đạ Nhim, Ban Lâm nghiệp và UBND các xã: Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim, Đưng K’Nớ, thị trấn Lạc Dương, các Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đạ Nhim. Đồng thời đã xử lý kỷ luật 8 đồng chí, trong đó cảnh cáo 1, khiển trách 7 và kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm đối với 31 đồng chí.
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng bởi sự tinh vi và manh động của các đối tượng vi phạm, nhưng cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Lạc Dương vẫn đang nỗ lực từng ngày bám rừng, bám sát cơ sở để kịp thời chỉ đạo, đưa ra các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi hủy hoại rừng, xâm hại tài nguyên rừng, phấn đấu 6 tháng cuối năm 2022 giảm 25% trên cả 3 tiêu chí vi phạm Luật Lâm nghiệp so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyễn Hiền