NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Yŭ M’nang - cơ sở tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ cà phê hữu cơ tại Lạc Dương In trang
07/09/2022 08:27 SA

Với mong muốn hương vị cà phê Đạ Sar sẽ được mọi người biết đến như một “đặc sản riêng” của vùng đất này, cô gái trẻ có tên Liêng Jrang K’Chăm từ chối nhiều cơ hội nơi thị thành, trở về quê hương xây dựng nên thương hiệu cà phê rang xay Yŭ M’nang được nhiều người biết đến. Thương hiệu cà phê Yŭ M’nang đã trở thành “đặc sản riêng” của Đạ Sar, là cơ sở tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ cà phê hữu cơ tại địa phương và sản phẩm cà phê Arabica vàng của thương hiệu cà phê Yŭ M’nang vinh dự là 1 trong 28 sản phẩm OCOP của huyện Lạc Dương.

Liêng Jrang K'Chăm - Chủ cơ sở sản xuất cà phê Yŭ M’nang (phải ảnh)
Liêng Jrang K'Chăm - Chủ cơ sở sản xuất cà phê Yŭ M’nang (phải ảnh)

Đến thăm quán cà phê dưới chân đồi Yŭ M’nang của cô gái trẻ người Cơ Ho Liêng Jrang K’Chăm ở thôn 4, xã Đạ Sar vào giữa tháng 8, chúng tôi ấn tượng bởi nụ cười rạng rỡ và sự hiếu khách của cô chủ nhỏ. Nhâm nhi chút hương vị cà phê V6, K’Chăm bắt đầu câu chuyện của mình bằng sự niềm nở, K’Chăm kể, năm 2012 tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ chuyên ngành Tiếng Anh của Trường Đại học Đà Lạt. Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, K’Chăm tận dụng khoảng thời gian sinh viên để làm gia sư nhằm có thêm tiền trang trải cho cuộc sống và bổ sung vốn kiến thức ngoại ngữ cho bản thân. Sau khi tốt nghiệp, K’Chăm trở về Trường Tiểu học Đạ Sar làm giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh. Khoảng thời gian đứng giảng không được lâu, K’Chăm luôn trăn trở và quyết định hướng đi mới cho tương lai. Một ý nghĩ táo bạo xuất hiện trong đầu, K’Chăm dừng lại công việc hiện tại và theo đuổi đam mê làm cà phê sạch dù bố mẹ và bạn bè khuyên can.

Tâm sự với chúng tôi K’Chăm cho biết: “Trước đây, người Cơ Ho ở Đạ Sar sống rải rác trên các sườn đồi, chân núi, đời sống mang nặng tính tự cung, tự cấp, khép kín và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Bên cạnh cây trồng chính là lúa rẫy, họ còn trồng xen nhiều loại cây rau màu như bầu, bí, mướp, khoai, ngô, đậu,... Từ năm 1980, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả của các chính sách, chương trình, dự án đầu tư liên quan đến phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số của Nhà nước, đặc biệt là chương trình chuyển đổi cơ cấu cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lúc này cây cà phê được trồng tại Đạ Sar và giống Bourbon là chủ yếu nhưng năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao do diện tích không nhiều, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa và thị trường chưa biết đến. Lâu dần, khi người dân đã biết trồng cà phê làm cây trồng chính, họ thay thế giống cà phê Bourbon bằng giống cà phê Catimo vì Catimo có khả năng sinh trưởng, khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao hơn Bourbon. Cho đến khi có một người Pháp tên là Pierre Moore vào Đạ Sar sinh sống và thu mua cà phê Bourbon, lúc này người dân mới biết giá trị kinh tế của cây cà phê Bourbon mang lại. Người dân cũng biết phân loại các dòng cà phê để bán với giá khác nhau, nhưng chủ yếu là bán tươi, dạng nguyên liệu nên chưa mang lại thu nhập cao cho người dân”.

Những năm gần đây, người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bệnh, chi phí vật tư đầu vào tăng cao và sự thay đổi bất thường của thời tiết. Với niềm đam mê từ những ngày đi làm cà phê ở các Công ty, Liêng Jrang K’Chăm đã học được quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, lựa chọn nguyên liệu cho đến rang, xay, chế biến, đóng gói và bảo quản để có được loại cà phê ngon, chất lượng, an toàn, phù hợp với từng loại đối tượng. Năm 2017 cơ sở sản xuất cà phê Yŭ M’nang thành lập nhằm giúp bà con nâng cao giá trị cây cà phê, sử dụng nguyên liệu tại chỗ và giúp bà con có được thu nhập ổn định từ cà phê. Hiện Yŭ M’nang đã liên kết sản xuất, thu mua cà phê của 7 hộ dân với diện tích 10 ha và diện tích sản xuất của cơ sở là 01 ha. Tất cả diện tích cà phê này đều được trồng và chăm sóc theo hướng bền vững và sử dụng phân bón hữu cơ.

Sản phẩm cà phê được sản xuất theo phương pháp hữu cơ
Sản phẩm cà phê được sản xuất theo phương pháp hữu cơ

Theo K’Chăm: “Trong quá trình canh tác, bà con dùng nhiều phân hữu cơ như phân chuồng và tận dụng vỏ cà phê, rác thải, cây xanh, những phụ phẩm nông nghiệp và phân chuồng để ủ làm phân hữu cơ. Việc áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ không những tăng giá trị ngành hàng cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường khi người dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, phân bón hóa học; đã làm tăng độ phì nhiêu, tơi xốp của đất, góp phần tăng năng suất cho cây trồng vụ sau và giảm sâu bệnh. Nhờ đó, các vườn cà phê chè phát triển ổn định, cây xanh tốt. Các hộ dân đã thực hiện chăm sóc, tỉa cành, làm cỏ, bón phân,... cho vườn theo đúng kỹ thuật. Năng suất trung bình của mô hình sản xuất cà phê hướng hữu cơ đạt 2,8 tấn nhân khô/ha. Hơn nữa cà phê hữu cơ cũng được bán với giá tốt hơn so với cà phê truyền thống với giá bán cà phê nhân khô 150.000 đồng/kg, sẽ cho tổng thu nhập khoảng 420 triệu đồng/ha/năm. Trừ chi phí đầu tư, công lao động, nông dân đạt lãi hơn 250 triệu đồng/ha/năm”.

Hiện tại cơ sở sản xuất cà phê Yŭ M’nang có 4 dòng cà phê chính là Bourbon, Moka, Catuai và Catimor. Các dòng cà phê này đều tự tay K’Chăm làm bằng phương pháp thủ công, từ cách lựa chọn, phơi, rang đến khi thành phẩm. Trong 4 dòng K’Chăm đang sử dụng thì dòng Catuai là loại cà phê Arabica vàng có giá trị và được nhiều người ưa dùng. Bởi với dòng cà phê này, khi ai đó thưởng thức sẽ cảm nhận được vị chua nhẹ mà không phải Arabica nơi nào cũng có thể có được. Chính hương vị đó đã tạo nên điều đặc biệt của cà phê thương hiệu Yŭ M’nang ở xứ Đạ Sar.

Ông Liêng Jrang Ha Rô Ky - Chủ tịch UBND xã Đạ Sar cho biết: “Cơ sở sản xuất cà phê Yŭ M’nang đã là cơ sở đầu tiên liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm cà phê sạch của xã Đạ Sar. Không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn nâng tầm giá trị cà phê của xã nhà. Những lợi ích thiết thực và lâu dài từ sản xuất cà phê hữu cơ đã trở thành động lực để Yŭ M’nang kiên trì với cà phê sạch”.

Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, đất đai, chất lượng cà phê ở Lạc Dương nói chung và ở Đạ Sar nói riêng rất thơm ngon; do đó, hiện nay nhiều công ty bắt đầu liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê cho bà con, giúp cà phê vừa tăng năng suất, vừa có giá bán cao hơn mặt bằng thị trường chung và so với các năm trước. Đặc biệt là việc hình thành vùng cà phê canh tác theo hướng hữu cơ để hợp nhất quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê. Vì vậy, thời gian tới, để giúp nâng cao doanh thu, tận dụng tối đa các phụ phẩm, Yŭ M’nang sẽ thu hút thêm nhiều thành viên và mở rộng diện tích hữu cơ; đồng thời đẩy mạnh phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm thiên về cà phê hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như nâng cao giá trị hạt cà phê.

P.P

Lượt xem: 1.068
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005909144
  •  Đang online: 238
  •  Trong tuần: 53.843
  •  Trong tháng: 225.275
  •  Trong năm: 2.513.057