(LĐ online) - “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được xem là một trong những phong trào thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình công dân học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập, nâng cao tinh thần học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Lồng ghép các hoạt động của Phong trào TDĐKXDĐSVH với các nội dung của khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao ý thức tự học tập của người dân
Theo ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, được triển khai thực hiện từ năm 2000, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó 5 nội dung chính của phong trào gồm: đoàn kết giúp nhau “Xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Cùng với đó là 7 phong trào: Xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Học tập, lao động sáng tạo; Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.
Trong những năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai rộng khắp, gắn kết với nhiều cuộc vận động, các phong trào khác nhau và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân. Đây cũng là một trong những phong trào thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình học tập như: công dân học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập từ việc đưa các chỉ tiêu về học tập vào thang bảng điểm để xét các danh hiệu văn hoá tại cơ sở như danh hiệu “Gia đình văn hoá”; “Thôn, tổ dân phố văn hoá, phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”... Qua đó nâng cao tinh thần học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Từ việc gắn kết Phong trào TDĐKXDĐSVH, “gia đình văn hoá”, “thôn, tổ dân phố văn hoá” trong các mô hình “công dân học tập”, “gia đình học tập” và “cộng đồng học tập” đã xây dựng môi trường văn hóa toàn diện. Toàn tỉnh hiện có trên 287. 000/315. 000 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 91%; 1.309/1.376 thôn, tổ dân phố được công nhận, công nhận lại danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 95%;111/111 xã được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt tỷ lệ 100%; 27/31 phường, thị trấn đạt “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, đạt tỷ lệ 88%; 1.527/1.557 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98%.
“Với những kết quả trên, có thể thấy rằng Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng các mô hình học tập ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và chất lượng. Qua đó các hoạt động khuyến học, khuyến tài đã được quan tâm và chú trọng triển khai thực hiện tại cơ sở, xuất hiện nhiều mô hình cá nhân học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập, tạo một môi trường văn hóa phát triển về mọi mặt. Trong đó học tập suốt đời để nâng cao trình độ của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nội dung không tách rời và song hành cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, ông Trần Thanh Hoài cho hay.
Cũng theo ông Hoài, hiện nay, các tiêu chí để xét danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá, đô thị văn minh” thì các nội dung về vấn đề học tập đưa vào thực hiện trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung vào các đối tượng ở lứa tuổi đến trường. Do đó chưa động viên công dân học tập suốt đời, nhất là đối tượng người cao tuổi và các lứa tuổi khác nhau. Vì vậy, để Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn kết với các mô hình công dân học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập, cần đưa nội dung học tập trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các tiêu chí xây dựng văn hóa cơ sở, đặc biệt trong việc xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa... Đồng thời, đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động của Phong trào TDĐKXDĐSVH với các nội dung của khuyến học, khuyến tài, đưa tiêu chí về khuyến học, khuyến tài và các mô hình gia đình học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập làm tiêu chí xét các danh hiệu văn hoá tại địa phương. Qua đó nâng cao tinh thần, ý thức tự học tập của người dân, động viên việc học tập suốt đời trong cộng đồng khu dân cư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước…
VIỆT HÙNG