Trước dự báo tình hình thời tiết khô hạn, huyện Lạc Dương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước mùa khô năm 2024 để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn.
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lạc Dương phải dự trữ nước trong các bồn chứa để sử dụng
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, hiện nay trên địa bàn huyện có 14 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Hầu hết các công trình hoạt động bình thường, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Cá biệt có công trình nước tự chảy tại xã Đạ Sar do đầu tư lâu năm đã xuống cấp cùng với thời gian qua nắng hạn kéo dài nên thiếu hụt nguồn nước đầu nguồn, không bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, toàn huyện có 5 công trình hồ, đập thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên nguồn nước tại các công trình hồ, đập, sông, suối đã xuống rất thấp. Trong đó, hồ Đan Kia hiện tại đã gần xuống tới mực nước chết, các con suối chính trên địa bàn thị trấn Lạc Dương vào giờ tưới cao điểm tập trung đã cạn kiệt nguồn nước.
Để phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2024, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình công cộng, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát khu vực, diện tích có nguy cơ bị hạn hán để khuyến cáo nông dân chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời kiểm tra, rà soát thống kê vật tư, máy móc trang thiết bị phục vụ các trạm bơm dã chiến phục vụ chống hạn ở những khu vực có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, lập kế hoạch mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng phòng, chống hạn hán. Thường xuyên kiểm tra, rà soát nguồn nước mặt ao, hồ, khe, suối, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; tổ chức nạo vét ao, hồ, sông, suối, đắp đập tạm, tích nước phục vụ chống hạn.
Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, chuyển đổi sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như phun mưa, nhỏ giọt…, áp dụng biện pháp tưới luân phiên tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp. UBND huyện đã có văn bản thống nhất chủ trương giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình công cộng triển khai khắc phục điểm sạt lở kênh mương công trình đập dâng Păng Tiêng, xã Lát để sớm đưa công trình vào hoạt động tưới tiêu phục vụ sản xuất, chống hạn. Đối với những khu vực xảy ra hạn hán thì sử dụng máy bơm, tận dụng các nguồn nước tập trung tưới cho cây cà phê, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao…
Riêng đối với nước sinh hoạt, UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình công cộng huyện vận hành, điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi sản xuất cho người dân. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình để khắc phục, sửa chữa kịp thời công trình hư hỏng, xuống cấp.
Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã Đạ Sar, UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình công cộng huyện khảo sát lập hồ sơ nạo vét, xây dựng đập dâng, trạm xử lý nước, nâng cấp mở rộng hệ thống đường ống cung cấp nước cho xã. Hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cũng đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình nước sinh hoạt xã Đạ Sar với tổng mức đầu tư 36,5 tỷ đồng. Trong đó nâng cấp nạo vét đập đầu mối 2 đập dâng hiện có, đồng thời, xây dựng 1 đập dâng kết cấu bê tông cốt thép M250 để bổ sung thêm nguồn nước, xây dựng trạm xử lý nước, đầu tư mạng lưới đường ống nhánh, đường ống cấp nước, các công trình trên đường ống, hố van xả khí, xả cặn…
(Theo VIỆT HÙNG/baolamdong.vn)