Tối 11/7, 'Cung đường nghệ thuật Đà Lạt - mùa 2' đã được khai mạc tại Đường Lý Tự Trọng (khu trung tâm thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Các nghệ nhân người Cill (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) biểu diễn múa xoang và cồng chiêng trong tối khai mạc “Cung đường nghệ thuật Đà Lạt - mùa 2”
Chương trình do UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Không gian nghệ thuật Stop And Go (Stop And Go Art Space) thực hiện sau mùa 1 từng rất thành công vào năm 2023.
“Cung đường nghệ thuật Đà Lạt - mùa 2” với chủ đề “Vũ điệu ánh sáng” được trang bị thêm hệ thống đèn led chiếu sáng, đèn led cách điệu một số thắng cảnh của Đà Lạt.
Nằm sát bên khu Hòa Bình (trung tâm Đà Lạt), con đường Lý Tự Trọng vẫn giữ được những hàng thông và cây cổ thụ cao ngút, rất bình yên, phù hợp cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của phố núi.
Trong mùa 2, Ban Tổ chức hướng đến một chương trình nghệ thuật đặc sắc, nơi các nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật có cơ hội giao lưu, chia sẻ cùng nhau với đa dạng thể loại như: Nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa, biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt.
Mở màn cho chương trình là cuộc Art Talk giữa khán giả và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên với chia sẻ đặc biệt, câu chuyện, những góc nhìn mới lạ và sâu sắc về nghệ thuật nhiếp ảnh. Đặc biệt, những câu chuyện phía sau hậu trường về nghệ thuật chụp hình khỏa thân đã làm nên tên tuổi của Nhiếp ảnh gia Thái Phiên.
Các nghệ nhân người Cill (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) biểu diễn múa xoang và cồng chiêng trong tối khai mạc “Cung đường nghệ thuật Đà Lạt - mùa 2”
Một trong những điểm nhấn của chương trình lần này là biểu diễn âm nhạc và múa cồng chiêng của người dân tộc Cill đến từ “Đưng K’Nớ” - một ngôi làng hoang vu cách Đà Lạt hàng chục km. Với những âm thanh và điệu múa truyền thống, màn biểu diễn mang đến không gian văn hóa đậm bản sắc, kết nối hiện tại với quá khứ, tạo nên một hành trình nghệ thuật đầy màu sắc.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức lần đầu tiên ra mắt công chúng bộ sưu tập hiện vật văn hóa Tây Nguyên với những hiện vật quý như: Gùi, ché, trống, công cụ lao động và trang sức của người Tây Nguyên. Những hiện vật trên không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất cao nguyên.
Theo Ban Tổ chức, Chương trình “Cung đường nghệ thuật Đà Lạt - mùa 2” dự kiến kéo dài đến tháng 5/2025 với không gian mở hoàn toàn. Hàng tuần, sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, nghệ thuật sắp đặt, triển lãm… phục vụ người dân và du khách đến thưởng lãm.
Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Nguồn: baomoi.com