Sau 6 năm triển khai, dự án Café-REDD tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đã xây dựng một mô hình sản xuất cà-phê bền vững, kết hợp nông-lâm nghiệp với bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Từ đó, giúp hơn 4.600 hộ nông dân được hưởng lợi từ chương trình này.
Cây cà-phê tại vùng dự án“Cà-phê Nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng cho REDD+” ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: SNV)
Cải thiện sinh kế gắn với sản xuất cà-phê bền vững, bảo vệ rừng
Ngày 27/9, Dự án “Cà-phê Nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng cho REDD+” (Café-REDD) vừa chính thức khép lại sau 6 năm triển khai tại tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam thực hiện.
Tại vùng cao nguyên Lâm Đồng, những nông dân canh tác cà-phê đang đứng trước thách thức kép: vừa phải cải thiện sinh kế, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá. Do đó, dự án Café-REDD được triển khai từ năm 2018 tới 2024, với sự hỗ trợ của các đối tác địa phương, đã tạo ra giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề này.
Dự án Café-REDD hướng tới mục tiêu thiết lập và phát triển quan hệ đối tác công-tư-nhà sản xuất (4P) để bảo tồn và phục hồi cảnh quan rừng tại một trong những cảnh quan rừng quan trọng nhất của tỉnh Lâm Đồng - Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (bao gồm Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và vùng đệm ở huyện Lạc Dương).
Quang cảnh hội nghị tổng kết dự án Café-REDD. (Ảnh: Ban tổ chức)
Với sự hợp tác của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, tổ hợp tác và cộng đồng nông dân, chương trình được thực hiện nhằm xây dựng một mô hình sản xuất cà-phê bền vững, kết hợp nông-lâm nghiệp với mục tiêu bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế cho người dân tại huyện Lạc Dương.
Tổ chức Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) thuộc Bộ Môi trường, Bảo tồn tài nguyên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng (BMUV) của Cộng hòa Liên bang Đức là nhà tài trợ của dự án Café-REDD,với đơn vị thực hiện là SNV Việt Nam trực tiếp triển khai từ năm 2018 tới nay.
Dự án đã bắt đầu với mục tiêu tăng cường chất lượng rừng, cải thiện sinh kế cho nông dân, phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, có trách nhiệm và thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp bền vững.
Dự án Café-REDD với mục tiêu tăng cường chất lượng rừng, cải thiện sinh kế cho nông dân, phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, có trách nhiệm và thúc đẩy mô hình nông lâm kết hợp bền vững, triển khai tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Chương trình được triển khai tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, thông qua việc thiết lập và củng cố cơ chế điều phối thể chế về Quy hoạch và quản lý cảnh quan thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu tích hợp với sự tham gia của khối công-tư-nhà sản xuất và các đối tác liên quan, từ đó thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Trong giai đoạn đầu, dự án đã tập trung vào việc nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương về quy hoạch cảnh quan thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu. Các kế hoạch được xây dựng thông qua sự hợp tác với nhiều bên, từ Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương, đến các doanh nghiệp tư nhân.
Các hoạt động đào tạo và hướng dẫn cũng đã được thực hiện, bao gồm tập huấn trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến cà-phê tuân thủ quy định không gây mất rừng của châu Âu (EUDR).
Ngoài ra, việc ký kết 16 thỏa thuận quản lý hợp tác giữa cộng đồng và chính quyền địa phương tại 16 thôn mục tiêu đã giúp tăng cường đồng quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Một số chương trình nâng cao kiến thức về quản lý kinh doanh, những sự kiện quảng bá sản phẩm đã liên tục được tổ chức, cùng với việc hỗ trợ các máy móc chuyên dụng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy thương hiệu của các doanh nghiệp.
Dự án cũng hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng các kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời tạo ra cơ chế chia sẻ lợi ích từ REDD+ để hỗ trợ cộng đồng địa phương thông qua việc huy động hơn 4,86 triệu Euro từ khối công và tư, để giúp cảnh quan của huyện Lạc Dương bền vững và thích ứng với khí hậu.
Hỗ trợ tích cực cộng đồng địa phương
Người dân tại vùng dự án Café-REDD ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: SNV)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) Lê Chí Quang Minh nhận xét: "Dự án Café-REDD đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là việc hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân địa phương, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án không chỉ cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cà-phê và tăng thu nhập, mà còn tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ hợp tác trong việc truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường và hướng tới sản xuất cà-phê bền vững cho huyện Lạc Dương".
Dự án đã giúp xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng và số hóa bản đồ cây trồng tại huyện Lạc Dương với tổng diện tích 2.751ha cho 4.636 hộ dân.
Điều này có thể nhận thấy qua những tác động nổi bật từ dự án nhằm hỗ trợ cho cộng đồng địa phương.
Trước hết, dự án Café-REDD đã giúp xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng và số hóa bản đồ cây trồng tại huyện Lạc Dương với tổng diện tích 2.751ha cho 4.636 hộ dân.
Cùng với đó, hơn 3.355 hộ nông dân đã được hỗ trợ với hơn 111.574 cây mắc-ca, 71.059 cây hồng, và 498.005 cây giống cà-phê, giúp cải tạo 2.853ha đất nông nghiệp.
Dự án cũng hỗ trợ nhiều thiết bị đầu vào, máy móc sản xuất và những lớp tập huấn cho người dân và các doanh nghiệp, với tổng ngân sách gần 12 tỷ đồng.
Dự án Café-REDD đã hỗ trợ nhiều thiết bị đầu vào, máy móc sản xuất và những lớp tập huấn cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: SNV)
Dự án cũng hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị, ký 11 biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp về sản xuất cà-phê bền vững gắn với sinh kế cộng đồng.
Đặc biệt, hệ thống giám sát và truy xuất nguồn gốc đã được thử nghiệm thành công tại 15 công ty, cung cấp 370.000 tem truy xuất điện tử, góp phần bảo đảm tính minh bạch chuỗi cung ứng nông sản, nâng cao giá trị các thương hiệu và sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nông dân và bảo vệ rừng, dự án còn xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài. Trong tương lai, SNV cam kết tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nâng cao chất lượng của các chuỗi giá trị và mở rộng các mô hình bền vững này ra phạm vi rộng hơn tại Việt Nam.
Còn chị Liêng Jrang K'Chăm, đại diện doanh nghiệp Yu M’nang Coffee, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, chia sẻ, sự hỗ trợ từ Café-REDD không chỉ giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về sản xuất bền vững mà còn cung cấp những công cụ cần thiết để cải tiến quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Điều này tạo niềm tin với khách hàng và mở ra nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế. Những hỗ trợ này thực sự rất có ý nghĩa,
Nông dân Y Cường Long Dưng (xã Lát, huyện Lạc Dương) cho biết, trước đây, gia đình ông chưa được tiếp cận với các kỹ thuật bài bản trong việc trồng và chăm sóc cây cà-phê. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án Café-REDD, ông không chỉ được cung cấp cây giống chất lượng mà còn học hỏi được nhiều kỹ thuật canh tác mới. Từ đó, thu nhập của gia đình đã cải thiện đáng kể, và bản thân ông cũng tự tin hơn trong việc tham gia các tổ hợp tác để phát triển kinh tế.
Ông Phạm Thành Nam, Quản lý dự án Café-REDD cho hay, thành công của dự án này nằm ở sự hợp tác và tham gia của khối công-tư-nhà sản xuất và các đối tác liên quan. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy ngành cà-phê Việt Nam phát triển bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
Ông Nam tin rằng, những bài học và mô hình từ dự án sẽ được tiếp tục nhân rộng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cà-phê Việt và các khu vực tiềm năng khác trên khắp cả nước.
Nguồn: nhandan.vn