(LĐ online) - Để thúc đẩy xuất khẩu rau, quả Việt Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đề xuất các nhóm giải pháp đột phá, trong đó ưu tiên đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ứng dụng công nghệ sản xuất rau thủy canh đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thương hiệu Langbiang Farm Lâm Đồng
Tại Lâm Đồng, thương hiệu rau, quả Langbiang Farm đã hơn 20 năm xây dựng, phát triển thị trường rộng lớn trong nước và xuất khẩu trên diện tích hàng chục ha, đúc kết những giá trị về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên từng thửa vườn sản xuất của mình. Theo đó, ông Trần Huy Đường - chủ thương hiệu Langbiang Farm chia sẻ: “Để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp, trước hết, doanh nghiệp phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược, xác lập khoản đầu tư đúng mức. Tiếp theo, tham vấn kỹ thuật, kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số quốc gia, quốc tế, đảm bảo hạ tầng ổn định, đầy đủ và đồng bộ về cơ sở dữ liệu. Cuối cùng định hướng chuyển đổi số cần liên tục cải tiến, thực hành sản xuất bền vững…”.
Đáng kể, ở Langbiang Farm lựa chọn giải pháp công nghệ số áp dụng phù hợp với điều kiện canh tác rau, quả của vùng nông nghiệp huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt với hàng chục ha. Theo ông Đường, qua thử nghiệm và cân nhắc, Langbiang Farm lựa chọn giải pháp công nghệ chuyển đổi số với chi phí hợp lý, tối ưu hóa đầu tư, linh hoạt điều chỉnh, lan tỏa và mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp nông nghiệp khác trên địa bàn. Cụ thể, Langbiang Farm sử dụng hệ thống công nghệ số trong tất cả quy trình sản xuất rau, từ gieo hạt tự động đến điều hành dinh dưỡng tưới nhỏ giọt, theo dõi các chỉ số đo đạc thời gian chăm sóc, chỉ số sinh trưởng, chỉ số minh bạch chất lượng sản phẩm đối với khách hàng bao gồm các tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Và đây cũng là quy trình kết nối liên tục với công đoạn cơ giới hóa xử lý đất tơi xốp, thu gom phụ phẩm, rải vôi sát trùng đất của Langbiang Farm trước khi xuống giống gieo trồng từng vụ rau, quả mới.
“Qua thời gian cải tiến, thực hành công nghệ số theo phương châm “Gieo chất lượng - Gặt yêu thương", Langbiang Farm chúng tôi luôn mang đến những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng trong và ngoài nước”, ông Đường khẳng định cam kết của mình. Đến nay, bên cạnh ổn định các khu vực thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…, các sản phẩm rau, quả Langbiang Farm sản lượng lớn đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Myanmar, Thái Lan…
Từ kết quả áp dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo ở Langbiang Farm Lâm Đồng nhìn rộng cả nước - theo Tiến sĩ Nguyễn Như Thịnh, Viện Nghiên cứu Rau, Quả Việt Nam - các công nghệ sản xuất rau, quả tươi xuất khẩu cần tiếp tục đúc kết ứng dụng và nhân rộng quy trình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, kỹ thuật di truyền, tạo giống mới kháng bệnh, chẩn đoán dịch bệnh cây trồng, nhân giống và nuôi cấy mô thực vật; thủy canh, khí canh và trên giá thể; bảo quản, chế biến như chiên chân không liên tục, sấy bơm nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng…
Bà Hoàng Mai Vân Anh - Điều phối viên Chương trình, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc tổng hợp số liệu tổng hợp cho biết, trong năm 2024, sản lượng xuất khẩu rau, quả Việt Nam với thị trường chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 64,8% Trung Quốc. Thị trường tiếp theo với hơn 5% Hoa Kỳ; 4,4% Hàn Quốc; gần 4% Thái Lan; hơn 2,8% Nhật Bản. Còn lại tỷ lệ hơn 19% thị trường các nước khác… Để thúc đẩy đa dạng hơn nữa thị trường xuất khẩu rau, quả Việt Nam giá trị cao, Điều phối viên Hoàng Mai Vân Anh cho rằng cần tăng cường ứng dụng công nghệ canh tác, bảo vệ thực vật, công bố dư lượng giám sát hàng năm, nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thiết lập chuỗi giá trị xuất khẩu cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia hỗ trợ xuất khẩu…
Trong đó, giải pháp trọng tâm về sản xuất thúc đẩy xuất khẩu rau, quả Việt Nam, bà Hoàng Mai Vân Anh nhấn mạnh: “Phát triển vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, khuyến khích sản xuất nông nghiệp thông minh, hữu cơ, tuần hoàn. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng nguồn giống năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, thâm canh bền vững; đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng tỷ lệ sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn GAP, hữu cơ; tăng tỷ lệ chế biến sâu…”.
VĂN VIỆT