Việc Lạc Dương đưa giống lúa J02 xuất xứ từ Nhật Bản vào trồng khảo nghiệm đã thật sự mang lại hiệu quả cao cho vùng Păng Tiêng, xã Lát (Lạc Dương).
Lúa J02 đang xanh tốt thích ứng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Lạc Dương. Ảnh: H.Yên
Trên địa bàn xã Lát hiện nay có khoảng 40 ha đất đang canh tác lúa nước tập trung tại khu vực thôn Păng Tiêng I. Mỗi năm người dân sản xuất 2 vụ chính (Đông Xuân, Hè Thu). Do người dân địa phương đã quen với việc sử dụng một số giống lúa như Nhị ưu 838, Khang dân 18, OM900, HT1…; bên cạnh đó, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất là chính, quy trình chăm sóc của người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, khu vực đất trồng lúa phần lớn là đất pha cát ít được người dân quan tâm cải tạo nên phần lớn năng suất và chất lượng lúa không cao.
Nhận thấy một số địa phương sản xuất thành công giống lúa J02 của Nhật, ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương đã xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao J02 trên diện tích 2 ha/10 hộ dân đang sản xuất lúa. Bắt đầu từ khoảng tháng 3/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND xã Lát tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đang canh tác lúa tại các địa phương, khảo sát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, kỹ thuật, tập quán canh tác của người dân. Qua đó, nhận thấy thôn Păng Tiêng I là vùng sản xuất lúa tập trung, số lượng người dân và quy mô diện tích lớn nhất trên toàn huyện, nên quyết định chọn khu vực sản xuất lúa tại thôn Păng Tiêng I, cụ thể là vùng Păng Tiêng Ruộng làm địa điểm triển khai thực hiện mô hình. Đối tượng thực hiện mô hình là các hộ dân có diện tích đất trồng lúa liền bờ liền thửa và có hộ khẩu thường trú tại xã Lát.
Huyện tiến hành hỗ trợ tất cả các khâu, từ giống, phân bón, kỹ thuật để hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc. Người dân tham gia phải cam kết thực hiện mô hình đúng quy trình hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật.
Ông K’Gôl cho biết, vụ mùa vừa rồi, gia đình tham gia mô hình trình diễn giống lúa nước J02 với diện tích 0,8 ha do huyện hỗ trợ từ khâu ủ giống đến gieo sạ, chăm sóc. Dù thời tiết bất lợi nhưng nhờ bón phân, chăm sóc kịp thời nên hiện nay cây phát triển rất tốt, những bông lúa nặng trĩu báo hiệu sắp có vụ mùa bội thu. Cùng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa J02, ông Kră Jăn Si, thực hiện trên diện tích 0,5 ha cho biết, mình trồng lúa đúng quy trình kỹ thuật chứ không phải bỏ bê như những loại giống lúa khác. Giống lúa này kháng được nhiều loại sâu bệnh, chất lượng hạt gạo thơm ngon, giá thành sản phẩm cũng cao hơn gấp 7 lần. Đây chính là những đặc điểm vượt trội của giống lúa J02 để bà con chúng tôi canh tác theo hướng hàng hóa trên diện tích đất không thể chuyển đổi sang trồng loại cây khác.
Giống lúa J02 là giống lúa có chiều cao trung bình 95-105 cm, đẻ nhánh khỏe, bộ lá xanh đậm, khỏe, góc lá hẹp, cứng cây, chống đổ ngã tốt, chịu rét tốt, chịu thâm canh, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt. Hạt bầu xếp xít, ít dụng, tỷ lệ hạt lép thấp, có khả năng thích ứng rộng.
Giống lúa J02 cho sản phẩm chất lượng cao, gạo thơm có mùi đặc trưng, cơm dẻo, mềm, vị đậm, ăn ngon và đây là loại gạo thường được người Nhật sử dụng làm món Sushi… Thành phần tinh bột thấp hơn so với gạo thông thường 13-20% có tác dụng không gây béo phì và các bệnh liên quan đến tiểu đường, hiện đang là sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước.
Sau khi kết thúc mô hình, Lạc Dương sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng của giống lúa J02 so với các giống lúa đang sản xuất tại địa phương để có cơ sở nhân rộng. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, từ những đặc điểm vượt trội trên, việc đưa giống lúa chất lượng cao J02 vào sản xuất sẽ giúp người dân tăng thu nhập, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, mạnh dạn đưa giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, giúp người dân thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất chất lượng theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường; từ đó, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một hướng đi mới trong việc nâng cao chất lượng của vùng sản xuất lúa trên địa bàn, đem đến cho thị trường sản phẩm gạo thơm ngon, đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.
HOÀNG YÊN
Nguồn: Báo Lâm Đồng