Ngày 01/4/2021, tại xã Đạ Sar, Tòa án nhân dân huyện Lạc Dương tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Kon Sơ Ha Hôn - hộ khẩu thường trú tại thôn Đạ Tro, xã Đạ Nhim. Kon Sơ Ha Hôn bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạc Dương truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo khoản 1, Điều 232 của Bộ luật hình sự. Phiên tòa đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn xã đến theo dõi.
Quang cảnh phiên tòa
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạc Dương, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2020, bị cáo Kon Sơ Ha Hôn tuy đã biết các cây thông 3 lá tại vị trí lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 132 - lâm phần do Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đạ Sar là cây thông không được phép khai thác nhưng bị cáo vẫn sử dụng cưa máy cầm tay để cưa hạ 6 cây thông 3 lá với tổng khối lượng 13,61 m3. Sau đó, bị cáo đã cắt thành lóng, xẻ thành các tấm ván, đà để làm nhà và đã làm được 01 căn nhà gỗ ngay tại vị trí bị can cưa hạ các cây thông. Hành vi của bị cáo Kon Sơ Ha Hôn được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, đã lợi dụng sự thiếu quản lý, kiểm tra của công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng để thực hiện hành vi khai thác lâm sản trái pháp luật, trực tiếp xúc phạm đến chế độ quản lý, khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản của Nhà nước, gây thiệt hại cho tài nguyên rừng và môi trường.
Trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đã thành khẩn khai báo và tạm nộp 5 triệu đồng để bồi thường một phần thiệt hại do hành vi của mình gây ra, đồng thời, bị cáo lần đầu phạm tội, hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1, điều 51 Bộ luật hình sự. Qua xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tòa án nhân dân huyện Lạc Dương đã tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù giam. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại về lâm sản là 35.779.570 đồng.
Đông đảo nhân dân trong xã đến xem tòa xử án
Mức hình phạt mà Hội đồng xét xử đã tuyên phạt cho bị cáo được dư luận nhân dân đến tham dự phiên tòa xét xử lưu động rất đồng tình ủng hộ. Thông qua phiên tòa, người dân tham dự đã hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng; qua đó giúp người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ rừng. Điều đáng ghi nhận là tại phiên tòa xét xử lưu động này, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như bà con nhân dân hiểu rõ. Điều này giúp người dân tham dự phiên tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, có tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người, từ đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh vi phạm pháp luật.
Phạm Phương