Chuyên mục mới mang tên “Nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến” sẽ chia sẻ 10 câu chuyện, tình huống khác nhau về vấn đề lừa đảo trực tuyến. Kì 1 là câu chuyện “Người yêu ngoại quốc bỗng hóa kẻ lừa đảo”. Độc giả hãy cùng đọc và chia sẻ để giảm thiểu nạn nhân bị lừa nhé!
Vì lý do riêng tư nên câu chuyện sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân.
Nạn nhân trong câu chuyện này là một bạn nữ (được gọi là H), 25 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội và đã có một thời gian dài độc thân. Nhìn bạn bè có đôi có cặp hạnh phúc bên nhau trong khi bản thân vẫn mãi một mình nên nhiều khi H cũng hơi chạnh lòng.
Rồi một ngày như bao ngày khác đang lướt Instargram (ins) thì H nhận được tin nhắn làm quen từ một anh Tây (được gọi là T). Trước đó khoảng một tuần, T đã follow H trên ins và thường xuyên thả like (thích), bình luận vào các bài đăng/ảnh của H. Vì khả năng giao tiếp tiếng anh của H khá ổn và anh T có vẻ ngoài cũng khá ưa nhìn nên H đã đồng ý kết bạn làm quen.
.
Lúc mới bắt đầu, T giới thiệu hắn là người Mỹ, đang làm kĩ sư hàng hải tại một công ty lớn ở nước ngoài có chi nhánh ở nhiều quốc gia trên thế giới, hiện T đang đi nghiên cứu và làm việc ở ngoài biển Trung Quốc. T đăng rất nhiều hình ảnh làm việc ngoài biển và những lần gọi điện trò chuyện sau đó cũng nhìn thấy cảnh biển nên H đã tin vào những lời giới thiệu của T.
Nhắn tin được 1 tuần qua ins thì T ngỏ ý muốn chuyển qua telegram với lý do ngoài biển tín hiệu không ổn định và công việc của hắn cũng sử dụng telegram nhiều nên trò chuyện qua đây sẽ tiện hơn.
Trong 3 tháng đầu trò chuyện, T không có bất kì dấu hiệu lừa đảo nào. H và T thường dành một chút thời gian trong ngày để trò chuyện, tâm sự với nhau. H cho biết: “Tất cả những lần gọi facetime T nói chuyện rất bình thường, quay cảnh biển cho mình xem (giống với những ảnh mà T đã đăng trước đó trên ins). H cũng nhìn thấy mặt T và hai người nói chuyện mỗi lần cũng được khoảng 10-15p”. Cứ như vậy, H đã dần tin tưởng và có cảm tình với T. T hứa hẹn sẽ cố gắng sắp xếp công việc để sớm bay đến Hà Nội thăm H.
Sau một khoảng thời gian khá dài (3 tháng), có vẻ T cảm nhận được H đã có tình cảm và tin tưởng mình, nên hắn bắt đầu thực hiện kế hoạch lừa đảo.
T mở đầu câu chuyện rằng dự án hiện tại sắp hoàn thành và hắn sắp có thể sang Việt Nam thăm H, hắn tỏ ra biểu cảm rất háo hức và mong chờ ngày được gặp H. Sau đó là một giọng điệu đầy lo lắng: T cho biết để có thể qua Việt Nam thì hắn cần người nhận làm người nhà ở Việt Nam và bảo lãnh cho hắn. Vì không quen ai khác nên chỉ có thể nhờ H giúp. Vì tin tưởng và có tình cảm thật lòng nên H đã đồng ý sẽ giúp T.
Vài hôm sau đó, T nhắn tin với H rằng hắn đang làm thủ tục qua Việt Nam và đang cần chuyển tiền đến một tài khoản người Việt để có thể làm giấy tờ. Trước đó T từng nhắc qua công việc của hắn không trả lương qua ngân hàng mà trả bằng tiền mặt hoặc vàng bạc, kim cương vì vậy bây giờ hắn không có tiền trong tài khoản ngân hàng để tự chuyển khoản được. T kể các rắc rối hiện có và nhờ H chuyển tiền đến một tài khoản người Việt có tên NGUYEN THI DUNG - stk: 11910000519096 - Ngân hàng BIDV để giúp hắn giải quyết các vấn đề.
Do có tình cảm thật lòng với T nên H không ngần ngại và giúp hắn chuyển khoản. Sau lần chuyển khoản đầu tiên, T tiếp tục nhắn tin nhờ H giúp mình chuyển khoản với các lý do đóng tiền phạt do mang hành lý vượt quá số cân nặng cho phép, chưa đóng thuê cá nhân, giấy tờ không hợp lệ. Mỗi lần nhờ vả hắn đều tỏ vẻ rất không muốn làm phiền H nhưng không còn cách nào khác và cũng rất háo hức chờ ngày gặp được H.
T luôn nhấn mạnh rằng khi gặp H sẽ trả lại số tiền mà H đã chuyển giúp và chỉ mong sớm giải quyết xong mọi chuyện để có thể gặp được H. Vì cảm thấy những gì T làm đều để đến gặp được mình, nên H đã đồng ý và chuyển khoản giúp T.
Tổng cộng H đã chuyển khoản 4 lần giúp T trong khoảng 10 ngày từ 19/7 đến 28/7/2022 với tổng số tiền lên đến khoảng 250 triệu vnđ.
.
.
.
.
Cứ tưởng sau tất cả những gì đã bỏ ra thì H có thể gặp được người yêu đang nhung nhớ bao ngày, nhưng vài ngày sau đó, trong khi đang làm việc, H nhận được cuộc gọi từ một người Việt Nam. Người này bảo với H rằng người nhà của chị (anh T) hiện đang bị tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất vì bị nghi ngờ liên quan đến hành vi rửa tiền do mang theo nhiều tiền mặt và tài sản có giá trị bên người (vàng, kim cương) nên cần người nhà nộp 20.000 đô tiền bảo lãnh và làm thủ tục nhập cảnh. Nghe đến đây, H không biết phải làm thế nào vì hiện giờ cô cũng không biết kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy để giúp T.
Rồi cô lại nhận được tin nhắn từ một người lạ. Trong tin nhắn, người này tự nhận mình là T và đang mượn điện thoại của một người khác để nhắn tin với cô vì điện thoại của T hiện đang bị tạm giữ cùng số tiền (tiền nước ngoài) và tài sản mang theo. Hắn năn nỉ cô vay tiền và trả giúp hắn nốt lần này, chỉ lần này nữa là hắn đã có thể đến gặp và trả lại toàn bộ tiền cho H.
Tuy nhiên, vì khoản tiền này quá lớn và H cũng dần cảm giác thấy điều gì đó bất ổn ở đây. H bảo với T rằng H không còn tiền và không thể giúp hắn thêm được nữa, cô hỏi hắn sao không đổi các tài sản sang tiền Việt Nam để chi trả. Thấy H đã bắt đầu nghi ngờ T vẫn tiếp tục vừa “dỗ ngọt”, vừa “kể khổ” nhưng vẫn không thay đổi được H.
T biết H đã ko còn lợi dụng được nữa nên đã lộ rõ bộ mặt thật của hắn. Ngay sau đó, T block tất cả liên hệ của H. Lúc này, H mới thực sự nhận ra mình đã bị lừa. Cô bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với các thông tin mà H cung cấp, cơ quan chức năng không đủ thông tin để xác định và bắt kẻ lừa đảo. Cô bất lực, vừa đau lòng, vừa tự trách bản thân mình sao lại ngu ngốc, dễ tin người và mù quáng như vậy.
Cứ tưởng câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, nhưng một tuần sau khi bị block, T lại đột nhiên nhắn tin với H. Hắn tự nhận mình là một kẻ lừa đảo, cố tình tiếp cận H để lừa tiền của cô. T tỏ vẻ không hề lo sợ khi bị cô tố giác với cơ quan Nhà nước, hắn tự tin nói rằng đã tìm hiểu kỹ về thị trường Việt Nam, các cô gái trước bị hắn lừa xong cũng không làm được gì, báo công an cũng không giúp được gì vì T không làm việc trên đất liền và cũng không xác định được quốc tịch của hắn.
T quay lại là để “mời cô gia nhập băng nhóm lừa đảo” của hắn. T dụ dỗ “chỉ cần cô đồng ý, hắn có thể biến cô trở thành một trong những người phụ nữ giàu có nhất Việt Nam”. Hắn còn hứa sẽ trả cho cô 5000$ nếu cô đồng ý tiếp tay giúp hắn mua tài khoản Facebook đã sử dụng lâu, chỉnh sửa ảnh giúp hắn và thêm hắn vào những hội nhóm có nhiều phụ nữ để tiếp tục lừa đảo qua nền tảng này. T còn cho biết có nhiều trường hợp như H đã đồng ý tham gia tiếp tay cho hắn.
.
Tuy vừa mất đi khoản tiền rất lớn nhưng H vẫn rất lí trí trước những lời dụ dỗ lôi kéo của kẻ lừa đảo. H thẳng thắn từ chối và chửi vào mặt T vì hành vi lừa đảo xấu xa của hắn.
H hiểu cảm giác đau khổ khi bì lừa cả tiền lẫn tình như thế nào nên không muốn có thêm bất kỳ người nào rơi vào tình cảnh giống như cô. Vì vậy, H cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình trong một số nhóm cảnh báo lừa đảo để mọi người không bị lừa như cô.
Trường hợp của H chỉ là một trong những ví dụ của việc lợi dụng lòng tin, tình cảm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Kẻ lừa đảo có thể tạo ra nhiều kịch bản khác nhau, bỏ ra nhiều thời gian để “chăn” con mồi (vun đắp tình cảm, tạo dựng niềm tin) và rồi đến khi mục tiêu đã thực sự tin tưởng thì hắn mới bắt đầu thực hiện các kế hoạch lừa đảo.
Mục tiêu của những kẻ này thường nhắm đến là những người đang thiếu thốn tình cảm/ sự quan tâm, chia sẻ mà không có nhận thức, cảnh giác về các thủ đoạn tấn công lừa đảo. Vì vậy, điều cần thiết phải làm để giúp giảm thiểu tình trạng lừa đảo qua mạng là chia sẻ, tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các thủ đoạn của kẻ lừa đảo.
Dưới đây là một số thông tin mà kẻ lừa đảo sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo H, mọi người cảnh giác nhé.
Tài khoản ngân hàng lừa đảo: NGUYEN THI DUNG - stk: 11910000519096 - BIDV
Tài khoản Telegram lừa đảo:@Eric_andersonn
Tài khoản ins lừa đảo: https://instagram.com/sonny_erics?igshid=YmMyMTA2M2Y=
(Theo: Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC)