Sau thời gian dài rớt giá thảm hại, thậm chí phải đổ bỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất hoa tại thị trấn Lạc Dương đang dần được khôi phục, nhất là hoa hồng, giá tăng vọt trở lại trước và sau dịp lễ 20/10 nên nhiều nhà vườn rất phấn khởi. Những dấu hiệu tích cực từ thị trường đã tạo động lực để người dân yên tâm ổn định sản xuất dịp cuối năm.
Cách đây 7 tháng, từ ngã tư thị trấn Lạc Dương dọc theo con đường 19/5 vào tổ dân phố B Nơr B và tổ dân phố Đan Kia, hàng triệu cành hồng tươi rói bị vứt bỏ ngổn ngang bên lề đường, bờ ruộng, bãi rác, dòng suối hoặc chất đống để đốt, nhiều vườn hoa đang thời kỳ cho thu hoạch phải nhổ bỏ để trồng lại hay trồng loại hoa khác; đây là điều chưa từng có xảy ra ở Lạc Dương - một thủ phủ trồng hoa lớn thứ hai của tỉnh Lâm Đồng sau Đà Lạt. Hay xót xa hơn, nhiều nhà vườn bỏ hoa không cắt, chờ hoa nở hết cỡ rồi cắt bỏ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ quyết định đào bỏ hết vườn để trồng lại với hy vọng sau thời gian hết dịch, vườn hồng lại tiếp tục cho thu hoạch với giá ổn định. Các gia đình trồng hoa hồng đã đẩy mạnh việc bón phân, chăm sóc cho hoa để đạt được năng suất và chất lượng tốt nhất trong kỳ thu hoạch sắp tới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bị rớt giá thảm hại nên nhiều nhà vườn xót xa đổ bỏ những cành hồng do mình trồng ra. Ảnh: IT
Anh Nguyễn Anh Tuấn - chủ một vựa hoa ở tổ dân phố B Nơr B chuyên thu mua hoa hồng các loại cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ khi nới lỏng việc giãn cách xã hội, dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân dần dần trở lại bình thường và giá các loại hoa, trong đó có hồng bắt đầu “hồi sinh” trở lại, sức tiêu thụ mạnh dần lên. Thời điểm xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi ngày gia đình đóng xuất bán khoảng 1 đến 2 thùng bông. Tuy nhiên, hiện nay hằng ngày vựa hoa của anh Tuấn cung cấp cho thị trường khoảng từ 5 đến 7 thùng bông; thời kỳ cao điểm dịp lễ 20/10 lên đến chục thùng. Thị trường tiêu thụ các loại hoa đang trên đà hồi phục đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại, nên anh Tuấn rất phấn khởi.
Trồng hoa hồng trong nhà kính
Theo các hộ làm vườn, nguyên nhân giá hoa tăng là do dịch Covid - 19 lắng xuống, mọi sinh hoạt dần trở lại như bình thường. Mặt khác, thời tiết năm nay khá thất thường khiến các loại nấm bệnh trên hoa hồng bùng phát, năng suất hoa hồng giảm tới 50% so với cùng kỳ, có hộ không khống chế nổi dịch bệnh, bị thiệt hại tới 80-90%. Bình thường có thể thu hoạch khoảng 1.000 bông hồng/1.000 m2 đất, nay chỉ còn khoảng 500 bông dẫn đến khan hiếm hàng, giá hoa hồng vì thế càng tăng cao. Đặc biệt, thời điểm trước lễ 20/10, hoa hồng rất hút hàng, giá cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái như: Giống hồng Ecuador từ 10.000-12.000 đồng/1 bông; hồng Juliet, hồng đỏ Ohara và xanh bơ giá 6.000 đồng/bông; hồng nhung 5.000 đồng/bông, các loại còn lại khoảng 4.000 đồng/bông. Hiện tại, giá hoa hồng giảm hơn chút so với thời điểm trước lễ, tuy nhiên sức tiêu vẫn thụ mạnh nên các nhà vườn đang tập trung chăm sóc, hy vọng 2 tháng cuối năm hoa sẽ đạt cả về năng suất, chất lượng và giá.
Giá hoa hồng tăng mạnh sau đại dịch Covid-19, nông dân Lạc Dương rất phấn khởi
Từ nhiều năm nay, nghề trồng hoa hồng áp dụng công nghệ cao đã đem lại cho nhiều nông dân hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí cả tỷ đồng/ha mỗi năm. Tuy nhiên, làm thế nào để sản xuất loại hoa này theo hướng an toàn, bền vững nhưng phải gắn liền với việc xây dựng thương hiệu hoa hồng mang thế mạnh của địa phương là vấn đề được huyện Lạc Dương chú trọng. Với mục tiêu từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hoa hồng gắn với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng vùng sản xuất hoa hồng tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều khởi sắc cho ngành sản xuất hoa hồng ở huyện Lạc Dương; thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, đến nay Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang khẩn trương phối hợp với các địa phương, ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung và cũng đang lập hồ sơ đề nghị đăng ký nhãn hiệu chứng nhận lên Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hoa hồng Langbiang”.
Giá hoa hồng tuy tăng cao nhưng năng suất và sản lượng hoa giảm nên phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân
Để sản xuất ổn định, mang tính bền vững, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, từ đây đến cuối năm, các hộ sản xuất không nên vội mở rộng quy mô sản xuất, thay vào đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là chú trọng cải thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng hoa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Phạm Phương